13:44 05/05/2025

Hà Nội thu hút 1,48 tỷ USD vốn FDI trong 4 tháng đầu năm

Phương Hoa

Thành phố đã cấp phép cho 114 dự án đầu tư mới với tổng vốn 41 triệu USD; 45 dự án được điều chỉnh tăng vốn với gần 1,2 tỷ USD; và có 111 lượt góp vốn, mua cổ phần từ các nhà đầu tư nước ngoài...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo số liệu từ Chi cục Thống kê TP. Hà Nội, trong tháng 4/2025, thành phố đã thu hút 64,1 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, có 33 dự án mới được cấp phép với tổng vốn đầu tư đạt 11,8 triệu USD; 11 dự án điều chỉnh tăng vốn thêm 32,5 triệu USD; và 23 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị 19,8 triệu USD.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, Hà Nội đã thu hút 1,48 tỷ USD vốn FDI, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thành phố đã cấp phép cho 114 dự án đầu tư mới với tổng vốn 41 triệu USD; 45 dự án được điều chỉnh tăng vốn với gần 1,2 tỷ USD; và có 111 lượt góp vốn, mua cổ phần từ các nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị đạt 241 triệu USD.

Trong cùng khoảng thời gian này, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 9.400 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 74.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, có 4.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 5,5%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đạt 16.800, tăng 18,8%; và có 1.900 doanh nghiệp giải thể, tăng 33,2% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Trong năm 2025, để nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, Hà Nội đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt tập trung vào việc phát triển hệ thống hạ tầng công nghiệp đồng bộ nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nhà đầu tư.

Sở Công Thương Hà Nội cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp và khu công nghệ cao Hà Nội được giao nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh học, các cụm công nghiệp và cụm công nghiệp làng nghề theo định hướng hiện đại, xanh, sạch và đẹp.

Song song với đó, thành phố tập trung cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, chủ động phối hợp liên ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo nền tảng thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Trong lĩnh vực thương mại, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở Tài chính Hà Nội và các đơn vị liên quan tập trung xử lý các tồn đọng, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án trung tâm thương mại, chợ dân sinh và hệ thống bán lẻ.

Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến mại quy mô lớn trong và ngoài nước nhằm kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Hà Nội cũng đang khẩn trương hoàn thiện danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, đồng thời đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế, với trọng tâm là thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Thành phố ưu tiên thu hút nguồn vốn FDI, vốn đầu tư gián tiếp (FII) và viện trợ phát triển chính thức (ODA) phù hợp với bối cảnh phát triển mới. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm và khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng quốc gia, đối tác.