18:09 25/03/2015

Hà Nội “trả nợ” báo chí 21 câu hỏi về đề án thay cây

Song Hà

Sở Xây dựng tiếp tục khẳng định, việc thay thế, đánh chuyển cây xanh trên địa bàn thành phố thời gian qua là chủ trương đúng

Một cây xà cừ - loại cây có rễ chùm, nông - bị đổ, đè bẹp xe taxi tại Hà Nội sau mưa lớn, hồi tháng 8/2012. Từ tháng 11/2014 đến đầu năm 2015, Hà Nội đã và đang triển khai việc 
cải tạo, thay thế cây xanh trên 8 tuyến phố.
Một cây xà cừ - loại cây có rễ chùm, nông - bị đổ, đè bẹp xe taxi tại Hà Nội sau mưa lớn, hồi tháng 8/2012. Từ tháng 11/2014 đến đầu năm 2015, Hà Nội đã và đang triển khai việc cải tạo, thay thế cây xanh trên 8 tuyến phố.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa trả lời bằng văn bản 21 câu hỏi của báo giới liên quan đến đề án thay thế cây xanh mà lãnh đạo thành phố đã “nợ” các phóng viên trong buổi họp báo hôm 20/3.

Theo đó, cơ quan này cho rằng, việc lập và triển khai đề án cải tạo thay thế cây xanh các tuyến phố vừa qua là căn cứ vào quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch chuyên ngành về cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước.

Các quy hoạch này đã được thực hiện theo đúng quy định, trình tự, thủ tục, trong đó có đánh giá tác động môi trường, tác động cảnh quan, lấy ý kiến của cộng đồng, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học chuyên ngành.

Từ tháng 11/2014 đến đầu năm 2015, thành phố đã và đang triển khai việc cải tạo, thay thế cây xanh trên 8 tuyến phố trong đó: di chuyển 130 cây, chặt hạ 335 cây chết, sâu mục, không đảm bảo an toàn giao thông; trồng thay thế và bổ sung 489 cây.

Kinh phí trồng mới do các đơn vị xã hội hóa ủng hộ, hỗ trợ, hiện chưa thanh quyết toán.

Thành phố cho biết, đến thời điểm hiện nay có các đơn vị như tập đoàn Vingroup, ngân hàng VP Bank, công ty Bình Minh, công ty Hà Thành, Công ty Công viên cây xanh, Công an Hà Nội…và một số tổ chức, cá nhân khác đã tham gia hưởng ứng ủng hộ, hỗ trợ việc trồng mới cây xanh trên một số tuyến đường.

Liên quan đến trách nhiệm của cá nhân và cơ quan cấp phép việc chặt hạn cây xanh, Sở Xây dựng cho biết, chính cơ quan này cấp phép chặt hạ, cắt tỉa, đánh chuyển cây xanh theo Quyết định số 19/2010 của UBND thành phố.

Sau khi phân loại để thay thế, các cây xanh còn đủ điều kiện sinh trưởng sẽ được chuyển về vườn ươm để chăm sóc, đôn đảo, chỉnh trang và sau đó được trồng ở các công viên, vườn hoa. Số lượng gỗ, củi đã chặt hạ được kiểm đếm, xác định khối lượng và tập kết tại kho của các đơn vị, Sở Xây dựng phối hợp lập hồ sơ quản lý. Sở Tài chính sẽ phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức xác định giá, đối với các cây có giá trị sẽ được tổ chức đấu giá theo quy định.

Trước thông tin cho rằng, việc triển khai chặt hạ cây xanh ồ ạt là có sự tác động của “nhóm lợi ích”, Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, dư luận cho rằng có việc doanh nghiệp đứng sau việc chặt cây vừa qua là không đúng. Số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng sau khi bán gỗ là không có cơ sở.

Toàn bộ số gỗ, củi thu được hiện đang tập kết tại kho của các đơn vị. Hiện chưa bán, toàn bộ số tiền thu được sau khi đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

Sau khi Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định dừng triển khai chặt hạ, thay thế cây xanh, Sở Xây dựng đang triển khai rà soát, đánh giá, phân loại những cây phải hạ chuyển, bổ sung, thay thế, lập kế hoạch, lộ trình thực hiện từng bước đảm bảo duy trì mật độ cây xanh trên từng tuyến phố. Sở Xây dựng sẽ tổng hợp, báo cáo xin ý kiến của UBND thành phố.

Việc rà soát này sau khi hoàn thành và được thông qua, Sở Xây dựng sẽ cung cấp thông tin về kế hoạch, lộ trình thực hiện.

Đối với việc chặt hạ, thay thế các cây chết, sâu mục, gãy đổ ảnh hưởng đến giao thông, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và công tác cắt tỉa cây mùa mưa bão là công việc thường xuyên, Sở Xây dựng chỉ đạo các đơn vị thực hiện. Đối với các cây xanh nằm trong phạm vi các dự án phát triển hạ tầng giao thông đô thị thì việc chặt hạ, đánh chuyển thực hiện theo tiến độ dự án.

Trong văn bản gửi các báo, Sở Xây dựng tiếp tục khẳng định, việc thay thế, đánh chuyển cây xanh trên địa bàn thành phố thời gian qua là chủ trương đúng, được thực hiện bám sát theo các quy định của nhà nước và thành phố, góp phần làm cho các tuyến phố ngày một trở nên đẹp hơn, an toàn hơn khi mưa bão xảy ra; như đã thực hiện trên các phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Phố Huế, Hàng Bài, Hoàng Văn Thụ, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu.