Hải Phát Invest lợi nhuận lao dốc, đang vay vốn của Vinaconex với lãi suất lên tới 16%
Công ty CP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest - HPX) vừa công bố báo cáo tài chính với bức tranh kinh doanh kém khởi sắc.
Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ của Hải Phát Invest đạt 301 tỷ đồng giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 64 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là 246 tỷ đồng.
Chi phí tài chính ghi nhận 39 tỷ đồng trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay 36 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, thuế phát sinh, Hải Phát báo lãi sau thuế 4,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 93 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế từ đầu năm đến nay, Hải Phát Invest báo lãi 61 tỷ đồng chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng cộng nguồn vốn của Hải Phát Invest giảm còn 8.571 tỷ đồng trong đó nợ phải trả 5.052 tỷ đồng vốn chủ sở hữu 3.518 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính của Hải Phát Invest 2.668 tỷ đồng chiếm hơn một nửa tổng số nợ phải trả. Trong đó, có nhiều khoản đang phải vay với lãi suất cao ngất ngưởng.
Các khoản vay của Hải Phát Invest chủ yếu là phát hành trái phiếu lên tới 2.392 tỷ đồng chiếm 90% tổng giá trị vay nợ tài chính.
Một số khoản vay này bao gồm, hợp đồng vay vốn 50 tỷ đồng số 1210 ngày 10/11/2022 với Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex với lãi suất 16%/năm mục đích nhằm sản xuất kinh doanh. Hợp đồng vay vốn các cá nhân có thời hạn vay 6-18 tháng với lãu suất từ 11-15%/năm trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Hải Phát có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân cho các cá nhân vay vốn, tiền gốc và tiền lãi được trả cuối kỳ. Hải Phát Invest cũng đang phải vay một khoản tại HDB để trả lương cho cán bộ nhân viên.
Mặc dù tình hình kinh doanh đang khó khăn hơn, song Hải Phát Invest cũng mạnh tay chi lương thưởng cho ban lãnh đạo doanh nghiệp. Tính từ đầu năm tới nay, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải là người nhận thu nhập cao nhất 1,8 tỷ đồng tăng so với năm ngoái 1,44 tỷ đồng, tương đương mỗi tháng nhận về 200 triệu đồng. Thành viên HĐQT kiêm Chủ tịch Ủy ban Chiến lược nhận về 1,08 tỷ đồng tăng so với con số năm ngoái là 864 triệu đồng; Tổng giám đốc nhận về 1,53 tỷ đồng. Các lãnh đạo còn lại nhận về trung bình 400-500 triệu đồng từ đầu năm...
Ngày 09/10/2023, Nghị quyết HĐQT của Đầu tư Hải Phát thông qua nội dung điều chỉnh các điều khoản, điều kiện của lô trái phiếu mã HPXH2123008 từ kỳ hạn 24 tháng lên 36 tháng (gia hạn thêm 1 năm) tức ngày đáo hạn được kéo dài đến 28/10/2024.
Tại ngày 28/07/2024, HPX cam kết mua lại trước hạn tối thiểu 30% khối lượng trái phiếu lưu hành. Tại ngày 28/07/2024 hoặc sau ngày 28/07/2024, HPX có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu lưu hành. Đồng thời, kỳ thanh toán lãi thứ 9 sẽ thanh toán tại ngày 28/04/2024 và kỳ thanh toán lãi cuối cùng vào ngày 28/10/2024. Lãi suất trong kỳ gia hạn duy trì 12%/năm.
Bên cạnh đó, HPX cũng thông qua gia hạn thanh toán tiền lãi kỳ thứ 8 của lô trái phiếu HPXH2123008 với tiến độ chia làm hai đợt. Trong đó, đợt 1 chậm nhất ngày 28/11/2023 thanh toán 50% số tiền lãi của kỳ thứ 8, và đợt 2 chậm nhất ngày 28/12/2023 thanh toán 50% số tiền lãi của kỳ thứ 8. Lãi suất áp dụng đối với số tiền chậm trả lãi kỳ 8 là 11%.
Ngày 21/10 tới đây, HPX dự kiến họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2023 với mục tiêu doanh thu tối thiểu 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tối thiểu 120 tỷ đồng.
Công ty đã công bố tài liệu bổ sung cho cuộc họp với danh sách đề cử HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 bao gồm 5 thành viên và Ban Kiểm soát bao gồm 3 thành viên. Đáng chú ý, trong số các thành viên được đề cử có ông Vũ Hồng Sơn (SN 1969), người có mối liên quan với CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát – tổ chức thuộc nhóm tân cổ đông lớn tại Hải Phát Invest. Ngoài ra, danh sách được đề cử vào HĐQT nhiệm kỳ mới cũng có hai gương mặt mới là ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1979) và ông Lã Quốc Đạt (SN 1989). Cùng với đó là hai gương măt cũ gồm ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT HPX và ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch HĐQT HPX.