14:19 25/01/2022

Hải Phòng: Trong 13 tháng đã thông xe kỹ thuật cây cầu trị giá gần 2,3 nghìn tỷ đồng

Trần Kỳ

Lễ thông xe kỹ thuật công trình cầu Rào bắc qua sông Lạch Tray được thành phố Hải Phòng tổ chức vào chiều nay (25/1). Đây là công trình giao thông cấp đặc biệt, được Hải Phòng đầu tư  2.265 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của địa phương...

Cầu Rào mới là công trình vĩnh cửu với chiều dài khoảng 456,5m, rộng 30,5m.
Cầu Rào mới là công trình vĩnh cửu với chiều dài khoảng 456,5m, rộng 30,5m.

 Công trình cầu Rào mới được xây dựng ngay tại vị trí của cầu Rào cũ - điểm nối giữa trung tâm thành phố Hải Phòng với khu du lịch Đồ Sơn thông quan trục đường Lạch Tray và đường tỉnh 353, đồng thời là cửa ngõ giao thương kết nối trực tiếp với hệ thống đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng  - Quảng Ninh.

Ông Đỗ Tuấn Anh – Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng (Đại diện chủ đầu tư) cho biết, việc đầu tư xây dựng cầu Rào mới thay thế cho cầu Rào cũ là mang tính cấp thiết, do cầu Rào cũ sau hơn 40 năm khai thác nay đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong giao thông, mặt khác, do mật độ và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông qua đây ngày gia tăng, nên cần có 1 cây cầu có qui mô lớn, hiện đại để đáp ứng cho yêu cầu phát triển của thành phố.

Theo thiết kế, Cầu Rào mới là công trình vĩnh cửu được xây dựng bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu chính dài khoảng 456,5m, rộng 30,5m, gồm 03 vòm thép và 6 nhịp dẫn bằng dầm bản rỗng, quy mô 6 làn xe, kết nối trực tiếp đường 353 với đường Lạch Tray trên trục chính giao thông vào trung tâm thành phố. Các cầu nhánh rộng 9,0m, 2 làn xe, kết nối với nút giao tầng 1 tạo thành nút giao hình xuyến đi các hướng đường Ngô Gia Tự, đường Thiên Lôi, đường Bùi Viện và Lạch Tray.

Tại 2 đầu cầu là 2 công viên cảnh quan, cây xanh, đồng thời lắp đặt hệ thống chiếu sáng, chiếu sáng mỹ thuật và báo hiệu an toàn giao thông đồng bộ, hiện đại trên vòm cầu cũng như dọc tuyến cầu và hệ thống đường dẫn...

Một điểm đáng chú ý là, mặc dù cầu Rào là công trình có qui mô đầu tư rất lớn, và có yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật rất cao, nhưng tiến độ thi công tại đây lại vô cùng ấn tượng, nếu tính từ lúc bắt đầu xây dựng vào tháng 12/2020 đến ngày thông xe kỹ thuật 25/1/2022 thì thời gian thi công chỉ vẻn vẹn có hơn 13 tháng.

Chia sẻ về con số ấn tượng này, ông Hồ Ngọc Anh – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cơ khí xây dựng Thăng Long (đại diện nhà thầu chính) cho biết, công trình cầu Rào  xây dựng vào thời điểm dịch bệnh Covid 19 bùng phát mạnh làm ảnh hưởng đến việc tập kết vật tư cũng như huy động nhân công, bên cạnh đó, khoảng đầu và giữa năm 2021, giá thép thị trường tăng đột biến, có lúc tưởng chừng không thể hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, được sự chia sẻ, động viên, cũng như các giải pháp hợp lý, kịp thời của thành phố Hải Phòng trong việc tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho chúng tôi vượt qua thử thách.

Cũng theo ông Hồ Ngọc Anh, đến thời điểm hiện tại, công trình cầu Rào đã hoàn thành các hạng mục chính, đáp ứng các yêu cầu thiết kế và có thể đưa vào khai thác tạm thời để phục vụ nhân dân đi lại trong dịp Tết nguyên đán.

Trước sự kiện này, nhiều chuyên gia cho rằng, cầu Rào mới sẽ là điểm chốt giúp Hải Phòng mở rộng không gian phát triển kinh tế -  xã hội, đồng thời là lực đẩy để tăng giá trị địa tô, tạo lực hút các nguồn lực trong xã hội đầu tư vào các quận Dương Kinh, Đồ Sơn và huyện Kiến Thụy...

Được biết, trong những năm gần đây Hải Phòng là địa phương luôn ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hàng chục cây cầu và các tuyến, nút giao thông đã được chỉnh trang, khai mở, những công trình hạ tầng này đã góp phần quan trọng giúp Hải Phòng có sự tăng trưởng đột phá. Chỉ tính riêng năm 2021 vừa qua, tốc độ tăng trưởng GRDP của Hải Phòng đạt mức 12,38%, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 5,2 tỷ USD ...cao nhất cả nước.

Qua kết quả của Hải Phòng đã khẳng định qui luật thực tiễn: muốn kinh tế xã hội phát triển thì hạ tầng giao thông phải luôn đi trước để mở đường.