17:16 05/09/2024

Hải Phòng xem xét sửa quy định về phân bổ, thanh toán vốn đầu tư công

Nam Khánh - Đỗ Hoàng

Hải Phòng xem xét huỷ bỏ quy định chỉ bố trí vốn đầu tư công tối đa không quá 90% tổng mức đầu tư, thanh toán không quá 80% giá trị hợp đồng để khắc phục tình trạng nợ xây dựng cơ bản dự án đầu tư công…

Các dự án đầu tư công trọng điểm của Hải Phòng tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm
Các dự án đầu tư công trọng điểm của Hải Phòng tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm

Ngày 4/9, nguồn tin từ UBND TP. Hải Phòng cho biết UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu cho thành phố thực hiện kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính về công tác quản lý ngân sách của Hải Phòng, trong đó, có nội dung huỷ bỏ quy định bố trí vốn tối đa không quá 90% tổng mức đầu tư, thanh toán không quá 80% hợp đồng xây dựng vốn đầu tư công nhằm khắc phục tình trạng nợ xây dựng cơ bản.

NỢ ĐỌNG XÂY DỰNG CƠ BẢN TĂNG CAO

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, tính đến hết 31/12/2023, số nợ xây dựng cơ bản từ nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn lên tới hơn 2.437,4 tỷ đồng. Trong đó, số nợ tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng là hơn 1.071 tỷ đồng, nợ dự án đã hoàn thành chưa bố trí vốn thanh toán tại Kho bạc Nhà nước là hơn 99 tỷ đồng, nợ của các dự án do Sở Tài chính quyết toán hoàn thành trong năm 2023 là 1.267 tỷ đồng.

Sau khi tiến hành thanh tra công tác quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tại kết luận thanh tra ban hành ngày 16/7/2024, Thanh tra Bộ Tài Chính xác định số nợ đọng xây dựng cơ bản của Hải Phòng lớn là do thành phố này có quy định phân bổ vốn tối đa. Trước đó, ngày 3/4/2018, UBND TP. Hải Phòng ban hành văn bản 1636/UBND-KHĐT quy định về thanh toán vốn cho dự án đầu tư công, trong đó quy định “bố trí tối đa 90% tổng mức đầu tư” và “trước khi ký kết hợp đồng với các nhà thầu, giao chủ đầu tư thương thảo, đàm phán với bên nhận thầu, thoả thuận cụ thể về tỷ lệ thanh toán tối đa không quá 80% giá trị hợp đồng”.

Tiếp đó, tháng 12/2022, HĐND TP. Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 79/NQ-HĐND về kế hoạch đầu tư công thành phố năm 2023 (hơn 22.335,8 tỷ đồng), trong đó, tại khoản 2 Điều 1 quy định: Dự án đã quyết toán được bố trí và thanh toán 100% giá trị quyết toán được duyệt. Dự án hoàn thành trong năm 2023 được bố trí và thanh toán 80% chi phí xây lắp, 100% chi phí giải phóng mặt bằng theo giá trị được duyệt. Dự án chuyển tiếp từ năm trước được bố trí và thanh toán 70% chi phí xây lắp, thanh toán 100% chi phí giải phóng mặt bằng theo giá trị được duyệt. Dự án khởi công mới và hoàn thành sau năm 2023 được bố trí và thanh toán 50% chi phí xây lắp, 70% chi phí giải phóng mặt bằng theo giá trị được duyệt.

Thanh tra Bộ Tài chính xác định do HĐND, UBND TP. Hải Phòng ban hành quy định phân bổ vốn tối đa đã dẫn tới tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản năm 2023 tăng cao tới hơn 2.437 tỷ đồng. Có nhiều dự án đầu tư công đã hoàn thành nhưng chưa được bố trí đủ vốn để thanh toán, chủ đầu tư chưa thanh toán hết chi phí cho nhà thầu, chủ đầu tư là các ban quản lý dự án phải trích thêm chi phí quản lý dự án vượt quy định số tiền số hơn 11,3 tỷ đồng.

KIẾN NGHỊ ĐIỀU CHỈNH CHO PHÙ HỢP QUY ĐỊNH

Tháng 12/2020, HĐND TP. Hải Phòng ban hành Nghị quyết 12/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hằng năm sẽ dành tối đa không quá 20% trong tổng số 70% của tổng vốn đầu tư ngân sách thành phố bổ sung có mục tiêu cho các quận huyện (không bao gồm tiền sử dụng đất các quận huyện được hưởng theo tỷ lệ điều tiết và các chương trình mục tiêu quốc gia). Các quận huyện chịu trách nhiệm bố trí vốn cụ thể cho các chương trình, dự án theo quy định.

Sau đó, ngày 7/5/2021, UBND TP. Hải Phòng ban hành quyết định số 11/2021/QĐ-UBND, trong đó có quy định nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công từ ngân sách thành phố hỗ trợ cho các quận huyện. Cụ thể, thành phố quy định phân bổ tối thiểu 50% vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách thành phố cho các chương trình, đề án, dự án do UBND thành phố quyết định đầu tư và phê duyệt (trong tổng số 20% vốn ngân sách thành phố hỗ trợ). Trường hợp các chương trình, đề án, dự án này có nhu cầu bố trí vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách thành phố thấp hơn 50% vốn đã được giao phải bố trí đủ nhu cầu vốn. Số vốn còn lại được phân bố cho các dự án khác của địa phương.

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, việc UBND TP. Hải Phòng ban hành quy định phân bổ tối thiểu 50% vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách thành phố (50% trong tổng số 20% vốn ngân sách thành phố hỗ trợ) cho các chương trình, đề án, dự án do UBND thành phố quyết định đầu tư và phê duyệt dẫn đến tình trạng các quận huyện phải chờ thành phố quyết định đầu tư và phê duyệt các chương trình, đề án, dự án. Điều này làm các quận huyện không chủ động trong điều hành, bố trí vốn do ngân sách thành phố hỗ trợ cho các chương trình, dự án theo thứ tự ưu tiên.

Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc sửa đổi, bổ sung trình UBND, HĐND thành phố ban hành theo thẩm quyền quy định về phân bổ đảm bảo đúng quy định. Cụ thể là sửa đổi bổ sung quyết định số 11/2021/QĐ-UBND, ngày 7/5/2021 của UBND thành phố về quy chế phân cấp quản lý vốn đầu tư công đối với đơn vị hành chính cấp huyện cho phù hợp quy định của Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố.

Thanh tra Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng xem xét huỷ bỏ văn bản 1636/UBND-KHĐT của UBND thành phố ban hành ngày 3/4/2018 quy định về phân bổ tối đa 90% tổng mức đầu tư và thanh toán tối đa 80% giá trị hợp đồng cho các dự án đầu tư công.

Thực hiện kiến nghị của Thanh tra Bộ Tài chính, ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng, đã chỉ đạo Sở Tài chính dự thảo văn bản của UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện theo kết luận thanh tra này. Trong đó, để tránh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tăng cao, cần xem xét huỷ bỏ quy định phân bổ tối đa 90% tổng mức đầu tư, thanh toán tối đa 80% giá trị hợp đồng cho các dự án đầu tư công.