Hàn Quốc: “Mỗi người một túi Chanel” và cơn khát hàng xa xỉ
Mới đây, Chanel đưa ra chính sách hạn chế lượng túi xách mà khách hàng có thể mua ở Hàn Quốc. Trong trường hợp một số mẫu túi thông dụng, người tiêu dùng chỉ có thể mua một chiếc mỗi năm…
Báo Hankook Ilbo đưa tin, Chanel Hàn Quốc đã áp dụng chính sách mới. Trong đó, mỗi khách hàng có thể mua một túi nắp gập Timeless Classic và một túi xách Coco Handle mỗi năm. Quy tắc “mỗi người một túi mỗi năm" cũng áp dụng cho các mặt hàng được phân loại là “đồ da nhỏ”, chủ yếu là ví và túi. Một chính sách khác tương tự cũng dự kiến được đưa ra, đó là sẽ hạn chế người tiêu dùng không mua quá 2 sản phẩm giống nhau.
Năm vừa qua, bất chấp đại dịch, Chanel tại Hàn Quốc đã tăng giá vào tháng 2, tháng 7 và tháng 9. Tuy nhiên, người tiêu dùng không quan tâm đến điều đó, những chiếc túi vẫn liên tục được săn đón bởi dãy người xếp hàng trước các cửa hàng. Các nhà phân tích thị trường nhận thấy đại dịch làm tăng thêm cơn khát hàng xa xỉ khi nhu cầu đi du lịch nước ngoài không được thỏa mãn.
Tin tức tăng giá khiến người tiêu dùng xếp hàng dài trước các cửa hàng, trung tâm thương mại. Theo số liệu từ các trung tâm thương mại như Hyundai, Lotte và Shinsegae; doanh thu từ xa xỉ phẩm trong tháng 4 và tháng 5 năm nay tại Hàn Quốc tăng từ 49% cho đến 56% so với cùng kỳ năm ngoái, tức tăng khoảng 16 - 28% so với năm 2019 - thời điểm trước khi có đại dịch.
Theo SCMP, sở dĩ các nhà mốt đình đám rục rịch đổi “kịch bản” kinh doanh của mình với các chính sách hạn chế số lượng mua hàng là để trì tính độc quyền của họ, trong tình trạng phát triển liên tục của thị trường bán lại như hiện tại. Mới gần đây, “ông lớn” Hermès cũng giới hạn số lượng mua túi xách của nhãn hàng xuống chỉ còn hai chiếc với cùng một kiểu dáng hai lần một năm. Hay như Rolex cũng hạn chế người mua với mức tối đa 2 mẫu đồng hồ/năm.
Lẽ đương nhiên, những khách hàng “ruột” cũng chẳng thấy vui vẻ gì với chính sách hạn chế này của các thương hiệu cao cấp. Nhưng đối với các nhà mốt đình đám thì đây ắt hẳn là một chính sách hiệu quả để giải quyết các tình trạng rất nhiều người kiên nhẫn xếp hàng cả ngày, mua rất nhiều hàng để sau đó có thể bán lại với giá cao ngất ngưởng. Từng có tình trạng, hàng dài người đứng từ sáng sớm trước các cửa hàng ở Chanel ở Seoul để có thể "lao vào cửa hàng ngay khi mở cửa". Họ muốn săn túi để bán lại với mức giá cao hơn.
Chẳng hạn như trường hợp anh Kim Jong Do, một nhân viên làm ca đêm tự xưng mình làm nghề “săn túi”. Sau khi đã hết ca trực vào 4h sáng, người đàn ông này sẽ làm một tour rảo quanh 6 trung tâm thương mại khắp Seoul. "Tôi thường chỉ ghé các cửa hàng Chanel. Nếu mua trúng cái nào thì dù là cỡ nhỏ, rao trên mạng bán lại cũng lời được 300.000 won (hơn 6 triệu đồng)", anh Kim tiết lộ.
Những người làm nghề “săn túi” này ở Seoul khá đông, tất cả họ đều biết, nhà mốt nước Pháp sở hữu giá trị thương hiệu không chỉ cao mà còn tăng dần đều theo thời gian. Giá bán lại của dòng túi đang "sốt" như Classic Caviar Medium sẽ giúp các "thợ săn" bỏ túi từ 1 tới 2 triệu won (20 tới 40 triệu đồng).
Sau cuộc “đi săn” và mua được túi, những người này rao bán lại trên mạng và thậm chí là bán ra nước ngoài theo dạng “hàng xách tay”. Theo ước tính của BCG, vào năm 2020, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi 35 tỷ đô la vào thị trường xa xỉ ở nước ngoài, và 28 tỷ đô la (80%) đã được chi qua các trang bán đồ xách tay này. Nhiều khách hàng siêu giàu cho biết, họ sẵn sàng trả số tiền chênh lệch vì họ không kiên nhẫn xếp hàng tại cửa hàng.
Mặc dù những người mua “gián tiếp” này có thể giúp các thương hiệu tăng doanh số bán hàng trong một thời gian ngắn, nhưng về đường dài, thì có thể làm tổn hại đến các nhãn hàng trên toàn cầu trong việc xác định người tiêu dùng trung thành lẫn chia sẻ trải nghiệm mua hàng với họ. Một vấn đề đáng ngại hơn đó là “hỗn loạn” giá cả, tức khách hàng có thể mua những mặt hàng bán lại này với mức giá có thể là đắt hơn giá bình thường, thậm chí là có thể mua trúng hàng giả. Kết quả là, hình ảnh thương hiệu của các nhà mốt có thể bị lu mờ trong mắt người tiêu dùng.
Dù có là đồ “bán lại” hay đồ mới, thì bản chất của các mặt hàng xa xỉ vốn là khan hiếm. Do đó, dù nhu cầu khách hàng có ngày càng tăng đi nữa thì các thương hiệu sẽ càng tiếp tục hạn chế số lượng mua hàng. Họ sẽ không đánh mất sự khan hiếm mà bán tràn lan ra thị trường dù có là hàng tồn kho. Xu hướng chung là các thương hiệu đình đám trên thế giới sẽ áp dụng chính sách hạn chế lượng mua ở Trung Quốc, Hàn Quốc và thậm chí là hơn thế nữa.
Những yếu tố trên trở thành một trong những lý do khiến Chanel quyết định đưa ra quy tắc "mỗi người một túi trong năm". Khi được hỏi liệu quy tắc này có được áp dụng tại các cửa hàng ở nước ngoài hay không, Chanel Hàn Quốc từ chối xác nhận. Thị trường hàng xa xỉ của Hàn Quốc - lớn thứ 7 thế giới tính đến năm 2020 - dự kiến sẽ vượt qua 123 tỉ USD trong năm nay. Thị trường bán lại hàng xa xỉ cũng dự kiến đạt 6 tỉ USD.