Hàng giả, gian lận thương mại gia tăng cận Tết
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trở lại, trong đó có hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng
Chuẩn bị đến Tết Nguyên đán, Ban chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các bộ ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết, trong đó xác định mặt hàng, địa bàn trọng điểm.
Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, trong giai đoạn hiện nay, khi hoạt động kinh tế- xã hội trở lại bình thường, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trở lại, trong đó có hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ trong nội địa, đặc biệt là trang thiết bị y tế và hàng hóa liên quan tới chống dịch bệnh.
Với sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử, các đối tượng lợi dụng các kho hàng của bưu chính để tàng trữ và kinh doanh hàng giả nhãn mác, giả xuất xứ, hàng kém chất lượng để lừa bán cho người tiêu dùng, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế và sức khỏe của người dân.
Ban 389 cho hay, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới cũng diễn ra rất phức tạp, các vụ việc đã phát hiện, bắt giữ có số lượng ma túy lớn, đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh và manh động, có vũ khí nóng sẵn sàng chống trả khi bị bao vây, bắt giữ.
Do đó, cần tăng cường trao đổi thông tin, kết nối, điều phối sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đạt hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các lực lượng chủ động trao đổi, thống nhất đề xuất Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương cần duy trì kiểm soát biên giới chặt chẽ, tăng cường kiểm soát tuyến đường bộ từ biên giới vào nội địa ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, khoáng sản, thuốc lá, hàng điện tử điện lạnh cũ, dược phẩm, thược phẩm chức năng,.... đặc biệt chú ý các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.
Ban chỉ đạo 389 yêu cầu các cấp quản lý cán bộ thực thi nhiệm vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm các vi phạm.
Một trong những nhiệm vụ đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong giai đoạn cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu ngành Hải quan đẩy mạnh chống thất thu qua công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Trong đó, chú trọng các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh và hàng hóa đưa về bảo quản chờ thông quan,...