14:37 23/07/2025

Hàng loạt mỹ phẩm nội, ngoại nhập có quyết định thu hồi

Tuệ Mỹ

Sáng 23/7, Cục Quản lý dược ra quyết định thu hồi tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với 8 sản phẩm có xuất xứ từ Đức. Các sản phẩm do Công ty TNHH thương mại Vạn Minh (Hà Nội) chịu trách nhiệm đưa ra thị trường…

Sản phẩm Image Skincare The Max Serum. Ảnh chụp màn hình.
Sản phẩm Image Skincare The Max Serum. Ảnh chụp màn hình.

Lý do thu hồi là do các loại mỹ phẩm có công thức không đúng với hồ sơ công bố, mỹ phẩm lưu thông, có nhãn ghi sai lệch bản chất tính năng vốn có của sản phẩm.

Các sản phẩm này gồm: Bel-Energen Daydream Cleansing Foam; Sun Protection/SPF 50+; Line A Cream; Bel-Energen PhytoSensation Elixir; Intensa Skin Renewal Oleo Serum; Line A Clarity Concentrate; Samtea perfect recovery Body cream; Sun protection face elixir SPF 30.

Các sản phẩm trên do công ty Belcos Cosmetic GmbH Wodanstrabe 12 38106 Brauns (Đức) sản xuất. Theo khảo sát, giá bán lẻ các sản phẩm trên dao động từ khoảng 1,1 triệu đồng đến hơn 3,6 triệu đồng. Trong đó, sản phẩm Bel-Energen Phyto-Sensation Elixir có giá cao nhất khoảng 3,6 triệu đồng, còn một số sản phẩm như Bel-Energen Daydream Cleansing Foam hay Sun Protection Face Elixir SPF 30 được niêm yết ở mức trên dưới 1,3 triệu đồng.

Hàng loạt mỹ phẩm nội, ngoại nhập có quyết định thu hồi - Ảnh 1

Trước đó, Cục Quản lý dược cũng vừa thu hồi phiếu công bố 8 loại mỹ phẩm cao cấp của nhãn hàng Image (Mỹ) do Công ty TNHH Thương mại Minh Khương (quận 1, TP.HCM) chịu trách nhiệm đưa ra thị trường. Lý do thu hồi là nhãn chính sản phẩm ghi không đúng thành phần công thức như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Các sản phẩm bị thu hồi chủ yếu là các loại sữa rửa mặt, serum dưỡng da và các sản phẩm chăm sóc da khác, như sau: IlumaTM IntenseExfoliating Cleanser (chai 113g); Ageless Total Facial Cleanser (chai 177ml); I-Peel Lightening Lift® Peel Forte (chai 118ml); Image Skincare The Max Serum (chai 30ml); Image Skincare The Max Creme (hộp 48g); Vital C Hydrating Hand And Body Lotion (chai 170g); Image Md Youth Serum (chai 30ml); Clear Cell Salicylic Gel Cleanser (chai 177ml)…

Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng quyết định tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với Công ty TNHH thương mại Minh Khương trong thời gian 6 tháng kể từ ngày 21/7/2025.

Công ty TNHH Thương mại Minh Khương được thành lập ngày 6/8/2008, đăng ký ngành nghề chính là kinh doanh đồ dùng gia đình như mỹ phẩm, nước hoa, thiết bị làm đẹp,... có vốn điều lệ ban đầu chỉ 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2023, công ty tăng vốn lên 30 tỷ đồng và đến tháng 6/2025 tiếp tục nâng vốn lên 60 tỷ đồng.

Theo giới thiệu trên website, Công ty Minh Khương hiện phân phối độc quyền nhiều thương hiệu dược mỹ phẩm quốc tế như IMAGE Skincare, Hush & Hush, Dermica Laboratories, Xcelens & Aerazen Lab, Xline Threads... Công ty chuyên cung ứng cho các trung tâm da liễu, thẩm mỹ viện tại Việt Nam và Đông Nam Á, với gần 700 đại lý phân phối trên toàn quốc.

Một số mỹ phẩm mang nhãn hiệu Image Skincare do Công ty TNHH Thương mại Minh Khương phân phối.
Một số mỹ phẩm mang nhãn hiệu Image Skincare do Công ty TNHH Thương mại Minh Khương phân phối.

Cùng với các sản phẩm nhập khẩu nêu trên, Sở Y tế Hà Nội mới đây đã có thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi đối với các lô sản phẩm Sữa chống nắng DSK UV, Y lang Dầu gội đầu Y lang chí, Dầu gội đầu Newgi.C và Nước rửa tay SA.AD tinh chất dâu tây do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Cụ thể, tại văn bản công bố, Sở Y tế Hà Nội đã thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi Sữa chống nắng DSK UV – hộp 1 tuýp 35g, số lô 2308008, NSX 19/08/2023, HD 18/08/2026, do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật. Công ty Cổ phần Dược mỹ phẩm Kosna Việt Nam sản xuất, Công ty Cổ phần Dược phẩm VSHINE (Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội) chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Thu hồi sản phẩm Y lang Dầu gội đầu Y lang chí - hộp 1 chai 10, số lô 011024:1, NSX 01/10/24, HSD 2 năm kể từ ngày sản xuất, do sản phẩm không được phân loại là sản phẩm mỹ phẩm. Công ty Cổ phần Nam Đô (TP.HCM) sản xuất và tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Thu hồi Dầu gội đầu Newgi.C - hộp 1 chai 100ml, số lô 010324, NSX 030324, HSD 030327 do sản phẩm không được phân loại là sản phẩm mỹ phẩm. Công ty Cổ phần Dược phẩm Phương Nam (TP Cần Thơ) sản xuất và tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

Hàng loạt mỹ phẩm nội, ngoại nhập có quyết định thu hồi - Ảnh 2
Hàng loạt mỹ phẩm nội, ngoại nhập có quyết định thu hồi - Ảnh 3
 

Thu hồi Nước rửa tay SA.AD tinh chất dâu tây (SA.AD Liquid Hand Soap-Strawberry) - chai 500ml, số lô 26PO65/209E, NSX 20/09/2024; HSD 19/09/2027. Sản phẩm do Touch One Co., Ltd, Thái Lan sản xuất, Công ty Cổ phần Tập đoàn Goldpoint (Hoàng Mai, Hà Nội) chịu trách nhiệm đưa ra thị trường. Sản phẩm bị thu hồi do mẫu kiểm nghiệm chứa Methylparaben, Ethylparaben và Propylparaben không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND xã, phường thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi toàn bộ lô sản phẩm nêu trên; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của các cơ sở (nếu có). Các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng các lô sản phẩm nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm. 

Hàng loạt mỹ phẩm nội, ngoại nhập có quyết định thu hồi - Ảnh 4
Hàng loạt mỹ phẩm nội, ngoại nhập có quyết định thu hồi - Ảnh 5
 

Trước đó, trong quá trình hậu kiểm một số cơ sở theo Kế hoạch số 1660/KH-SYT và Quyết định số 631/QĐ-SYT, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vi phạm đáng lo ngại.

Các lỗi phổ biến bao gồm hồ sơ công bố sản phẩm không đầy đủ (thiếu mẫu nhãn, phiếu kiểm nghiệm, hồ sơ chất lượng, thông tin nguyên liệu...), công thức sản xuất không khớp với hồ sơ đã đăng ký, ghi nhãn sai quy định, gây hiểu lầm sản phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng phòng bệnh.

Ngoài ra, hoạt động quảng cáo mỹ phẩm trên internet, các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội cũng đang bị buông lỏng, với nhiều nội dung quảng cáo vượt quá tính năng thực tế, không đúng với bản chất mỹ phẩm hoặc khiến người tiêu dùng hiểu lầm là thuốc. Điều này không chỉ vi phạm các quy định pháp luật về quảng cáo, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân nếu sản phẩm được tin dùng một cách mù quáng.

Trước ma trận mỹ phẩm hiện nay, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức khi lựa chọn sản phẩm làm đẹp. Nên ưu tiên sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã được công bố hợp pháp, có kiểm nghiệm và được bán tại những kênh phân phối chính thống. Đồng thời, cần tỉnh táo với các lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội, không sử dụng sản phẩm không rõ thành phần hoặc không được cấp phép.