09:21 23/11/2007

Hàng vào EU sẽ bị giám sát hóa chất

Ái Vân

Quy định mới này áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa sản xuất tại châu Âu và nhập khẩu vào thị trường này

Người dân châu Âu rất ý thức trong vấn đề sự ảnh hưởng đối với sức khỏe và môi trường trong việc dùng hàng hóa.
Người dân châu Âu rất ý thức trong vấn đề sự ảnh hưởng đối với sức khỏe và môi trường trong việc dùng hàng hóa.
Từ nay, các nhà sản xuất, nhập khẩu hàng hóa của EU và cả những nhà đại diện của các nhà sản xuất tại thị trường EU đều phải đăng kí và xin phép sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất.

Quy định mới này áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa sản xuất tại châu Âu và nhập khẩu vào thị trường này.

Ông Toshiyuki Miyake, Giám đốc Bộ phận Xây dựng năng lực thương mại của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) nhận định rằng: với những quy định mới về hóa chất mà thị trường châu Âu vừa đưa ra sẽ ảnh hưởng đến năng lực của chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu và các doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngoại trừ.

Hàng hóa vào EU phải tuân thủ Reach

Nói về vấn đề quản lí sử dụng hóa chất, ngay tại châu Âu, thời gian trước đây, các nước trong khu vực cũng gặp những khó khăn trong việc quản lí sử dụng hóa chất trong hàng hóa. Đến ngày nay, thế giới cũng vẫn chưa nghiên cứu đầy đủ sự tác hại của tất cả các hóa chất đối với sức khỏe con người. Do đó, người dân châu Âu rất ý thức trong vấn đề sự ảnh hưởng đối với sức khỏe và môi trường trong việc dùng hàng hóa.

Từ năm 2000, các nước thuộc khối Liên minh châu Âu (EU) đã ngồi lại với nhau và thống nhất sọan thảo ra văn bản Luật Reach về những quy định việc đăng kí, đánh giá và cấp phép các loại hóa chất. Trong suốt 6 năm, các nước thành viên EU đã bàn thảo và thống nhất quy định. Kể từ tháng 6/2007, Luật Reach đã bắt đầu có hiệu lực. Reach quy định rõ về việc đăng kí, đánh giá và cấp phép đối với các hóa chất thông qua các tiêu chuẩn, chi tiết cụ thể quy định việc sử dụng hóa chất trong sản xuất.

Thông qua quy định Reach, thị trường EU muốn nâng cao sức cạnh tranh cho ngành sản xuất hóa chất của mình thông qua các hoạt động nghiên cứu, đồng thời bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng người tiêu dùng châu Âu. Từ nay đến đầu năm 2008, các cơ quan quản lí hóa chất sẽ đi vào hoạt động, chính thức thực hiện việc đánh giá, cấp phép cho hóa chất.

Vào cuối năm này, Cơ quan kiểm định, đánh giá hóa chất của EU sẽ được lập và đi vào hoạt động ở Phần Lan, đồng thời mạng lưới kiểm soát hóa chất ở các nước thành viên cũng được lập ra. Bằng việc áp dụng Luật Reach cho hành hóa trên thị trường, các nhà chức năng của EU tin tưởng rằng sẽ giảm được 10% các bệnh liên quan đến hóa chất ở các nước khu vực này.

Vào tháng 6/2008, Uỷ ban châu Âu sẽ xem xét và công bố danh sách các loại hóa chất được miễn đăng kí đối với những chất đã được biết rõ.

Đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin cho doanh nghiệp

Ông Junichi Mori nhận định rằng việc cập nhật các thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế. Với việc giám sát và những quy định chặt chẽ về hóa chất của thị trường EU tới đây sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Thiệt thòi lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là việc hạn chế về vốn.

Do đó, các doanh nghiệp khó có thể tự đầu tư phòng thí nghiệm riêng. Trong khi ấy, trong nước có quá ít các trung tâm kiểm soát các thành phần và test chất lượng sản phẩm. Hầu hết các công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam khi muốn test sản phẩm họ đều gửi mẫu ra nước ngoài.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường EU, các trung tâm kiểm nghiệm sản phẩm phải đáp ứng về năng lực. Với quy định Reach, yêu cầu các giấy chứng nhận được cấp từ các trung tâm kiểm định chất lượng được quản lí bằng hệ thống chất lượng ISO 17025. Với yêu cầu này, đòi hỏi các trung tâm phải được trang bị hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, đắt tiền. Hiện nay, tại Việt Nam, mới chỉ có Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường III đáp ứng được các tiêu chuẩn về đơn vị đủ khả năng kiểm định và cấp các thủ tục về thành phần của hàng hóa.

Để nâng cao năng lực xuất khẩu vào thị trường EU, ông Junichi Mori tư vấn rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên tạo mối liên hệ với các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Vì hiện tại, không ít doanh nghiệp trong nước hoạt động riêng lẻ sẽ khó có điều kiện cập nhật các thông tin mới của các thị trường, từ đó sẽ thiếu đi tâm lí chuẩn bị để đón đầu trước những sự thay đổi, quy định mới của thị trường.

Các cơ quan chức năng Việt Nam, hiệp hội ngành nghề cần đẩy mạnh các hoạt động để hỗ trợ hơn nữa cho các doanh nghiệp tiếp cận với các luồng thông tin mới trên thị trường bên ngoài. Cần có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng những công nghệ sản xuất sạch như thế mới có thể nâng cao khả năng thâm nhập những thị trường khó tính như EU.

Tại châu Âu và Nhật Bản, các hiệp hội đóng vai trò quan trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp. Do đó, Việt Nam cần tranh thủ các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực của nước ngoài dành cho Việt Nam để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện môi trường sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế, bà Đặng Phan Thu Hương cho biết, Quốc hội vừa mới thông qua Luật hóa chất.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có hẳn một luật lệ để qui định việc quản lí hóa chất. Luật ra đời ở thời điểm này sẽ góp phần vào việc hỗ trợ cho doanh nghiệp trước việc áp dụng các quy định mới về sử dụng hóa chất (Reach) của thị trường các nước châu Âu.