17:19 25/07/2025

Hàng Việt chinh phục thị trường toàn cầu nhờ “xuất khẩu số”

Vân Nguyễn

“Xuất khẩu số” đang trở thành động lực mới giúp hàng Việt nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu trên thị trường toàn cầu. Thương mại điện tử mở ra cơ hội tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng đặc biệt tại các thị trường lớn…

Hình minh họa do AI thực hiện.
Hình minh họa do AI thực hiện.

Tại Hội nghị "Bứt phá xuất khẩu – Thương hiệu Việt cất cánh toàn cầu" do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức sáng 25/7 tại TP.HCM, những câu chuyện thực tiễn từ các doanh nghiệp, cùng định hướng chiến lược từ cơ quan quản lý và các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu đã cho thấy một bức tranh đầy tiềm năng cho xuất khẩu Việt Nam trong kỷ nguyên số.

TỪNG BƯỚC CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU

Theo ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), trong bối cảnh hiện nay, việc chủ động hội nhập số không còn là lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Sự dịch chuyển từ mô hình xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu trực tuyến đang diễn ra mạnh mẽ, không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn mở ra cánh cửa tiếp cận trực tiếp với hàng trăm triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới.

"Tôi tin tưởng rằng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu và tinh thần tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu số sẽ trở thành một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển thương hiệu và thương mại quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới", ông Chiến bày tỏ sự tin tưởng.

Ông Larry Hu, Tổng Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á chia sẻ tại hội nghị.
Ông Larry Hu, Tổng Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á chia sẻ tại hội nghị.

Ông Larry Hu, Tổng Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của Amazon.

Hiện, có gần 2 triệu nhà bán hàng toàn cầu trên nền tảng này, chiếm tới 60% doanh số, và tạo ra tổng doanh thu lên tới 2.500 tỷ USD trong vòng 25 năm qua.

Riêng với Việt Nam, ông Larry Hu cho biết số lượng sản phẩm từ các doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon đã tăng hơn 300% trong 5 năm gần đây.

Theo Amazon, hơn 60% sản phẩm bán trên nền tảng hiện nay đến từ các đối tác bên thứ ba, bao gồm hàng nghìn doanh nghiệp đến từ Việt Nam. Hàng triệu sản phẩm từ Việt Nam đến tay người tiêu dùng toàn cầu mỗi năm thông qua Amazon thể hiện bước tiến vững chắc của thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

CƠ HỘI VÀ THỰC TIỄN

Tiềm năng là rất lớn, nhưng để biến tiềm năng thành hiện thực, các doanh nghiệp cho rằng cần có một chiến lược rõ ràng và sự đầu tư đúng đắn. Theo bà Dương Thị Minh Tuệ, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), ngành gỗ đang có sự phát triển rất tốt, với kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2025 đạt gần 7 tỷ USD, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ.

“Nếu cần thêm đột phá kinh doanh lúc này, thì giải pháp hiệu quả nhất chính là đẩy mạnh xúc tiến thương mại trực tuyến”, bà Tuệ nhận định.

Theo bà Tuệ, thương mại điện tử giúp doanh nghiệp chủ động về khách hàng toàn cầu, hiểu được xu hướng và xây dựng chuỗi cung ứng chủ động. "Bài toán cuối cùng ở đây là bài toán xây dựng thương hiệu. Trước đây làm B2B, khách hàng đưa gì mình làm đó. Còn khi đã có thương hiệu của mình rồi thì mình phải định vị được thương hiệu mình nằm ở đâu", bà Tuệ nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thương mại điện tử toàn cầu.
Các doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thương mại điện tử toàn cầu.

Trong khi đó, ông Trần Lam Sơn, Nhà sáng lập thương hiệu Green Mekong, nhận định rằng thương mại điện tử giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng và nhận phản hồi tức thì từ thị trường. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể điều chỉnh sản phẩm kịp thời, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm bền vững, việc xây dựng chuỗi cung ứng đóng vai trò then chốt. Doanh nghiệp cần định hướng rõ ràng để hình thành một chuỗi cung ứng hiệu quả, có khả năng mở rộng và thích ứng với thị trường.

Bên cạnh đó, thương hiệu chính là yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị sản phẩm. Mọi nỗ lực đầu tư từ chất lượng sản phẩm, mô hình kinh doanh đến thông điệp truyền thông đều được đúc kết trong thương hiệu. Ông Sơn cho rằng đây không chỉ là “tên gọi” mà còn là công cụ giúp doanh nghiệp duy trì vị thế và mở rộng thị phần trong dài hạn.

Tương tự, ông Nguyễn Trung Dũng, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần DH Foods, chia sẻ khi bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, không phải sản phẩm tốt là đủ, mà quan trọng là phải phù hợp với thị trường và bắt kịp xu hướng. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải đầu tư nghiêm túc vào sản phẩm, từ quy trình sản xuất đến chất lượng đạt chuẩn. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chi phí đầu tư này đã là một gánh nặng, nên việc xúc tiến thương mại thường bị hạn chế.

“Tuy nhiên, nền tảng như Amazon có thể giúp giải bài toán đó khi cung cấp miễn phí dữ liệu thị trường và tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng. Chẳng hạn như tại Mỹ là thị trường gần 300 triệu dân, trong đó có khoảng 30 triệu người gốc Á và 3 triệu người gốc Việt. Chỉ cần chiếm 0,1% thị phần ở đây cũng đủ để đạt mục tiêu tăng trưởng trong nhiều năm tới. Đó là cơ hội rất lớn cho hàng Việt”, ông Dũng nhận định.

Từ thực tiễn các doanh nghiệp, ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực miền Nam, đã đúc kết mô hình thành công dựa trên "ba cạnh của một tam giác" là khách hàng, sản phẩm và thương hiệu.

Theo ông Thủy, doanh nghiệp cần hiểu sâu sắc khách hàng để tạo ra sản phẩm phù hợp và thương hiệu chính là yếu tố kết tinh mọi nỗ lực, giúp duy trì và mở rộng thị phần. Amazon cung cấp một hệ sinh thái công cụ toàn diện để hỗ trợ doanh nghiệp trên cả ba phương diện này, từ việc tìm kiếm cơ hội sản phẩm, xây dựng nội dung hấp dẫn, cho đến quản trị thương hiệu và hoàn thiện đơn hàng một cách nhanh chóng.

 

Tại sự kiện, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling Việt Nam đã công bố thiết lập quan hệ đối tác 3 năm cùng triển khai chương trình "Thương hiệu Việt tăng trưởng toàn cầu" (V-Brands Go Global with Amazon).

Hợp tác này hướng tới mục tiêu chung trong việc tạo bệ phóng thành công cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thương mại điện tử toàn cầu. Kéo dài từ 2025 - 2027, chương trình đặt ra hai mục tiêu là cung cấp chương trình đào tạo toàn diện và chứng nhận xuất khẩu trực tuyến cho 1.000 doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời hỗ trợ 30 thương hiệu quốc gia tăng cường hiện diện quốc tế thông qua thương mại điện tử với Amazon.