Hàng xả ít, dòng tiền đảo chiều thành công
Thêm một nhịp lao dốc khá nhanh khoảng 10 phút đầu tiên của phiên chiều, nhưng không khiến thị trường xấu hơn. Dòng tiền bắt đáy hành động khá nhanh và lợi thế một lần nữa thuộc về bên mua. Nhóm cổ phiếu blue-chips tiếp tục dẫn dắt nhịp “phản công” cuối ngày, đẩy nhiều cổ phiếu phục hồi và VN-Index đảo chiều sang tăng...
Thêm một nhịp lao dốc khá nhanh khoảng 10 phút đầu tiên của phiên chiều, nhưng không khiến thị trường xấu hơn. Dòng tiền bắt đáy hành động khá nhanh và lợi thế một lần nữa thuộc về bên mua. Nhóm cổ phiếu blue-chips tiếp tục dẫn dắt nhịp “phản công” cuối ngày, đẩy nhiều cổ phiếu phục hồi và VN-Index đảo chiều sang tăng.
VN-Index xác lập đáy trong ngày ngay đầu phiên chiều, giảm 0,52% so với tham chiếu. Độ rộng tại đáy này khá tệ, với 85 mã tăng/364 mã giảm. Tuy vậy các blue-chips thì không giảm thêm bao nhiêu.
Điểm nhấn của phiên chiều nay chính là mức thanh khoản tiếp tục duy trì rất thấp. Sàn HoSE chỉ giao dịch thêm 6.633 tỷ đồng, giảm 8% so với phiên sáng. Đặc biệt các cổ phiếu lớn nổi bật dẫn dắt các chỉ số quay đầu đều xuất phát từ rổ VN30.
Xét về biên độ thì MSN biến động mạnh nhất. Cuối phiên sáng mã này giảm 0,89%. Ngay đầu phiên chiều giá đã mạnh lên, đến 1h30 thì quay lại tham chiếu. Tiếp đó giá tăng liên tục về cuối và đóng cửa trên tham chiếu 2,31%. Như vậy riêng chiều nay MSN đã tăng 3,23% so với giá cuối phiên sáng.
MSN là cổ phiếu khá điển hình cho dòng tiền vào bắt đáy và đánh ngược lên. Thanh khoản buổi chiều của MSN cũng chiếm tới trên 70% tổng thanh khoản cả ngày. Nói cách khác, dòng tiền đổ dồn vào phiên chiều, nhất là những phút đầu tiên, đã đảo ngược tình thế giá.
Trạng thái đảo chiều giá như MSN không quá nhiều trong rổ VN30, nhưng khả năng phục hồi giá lại áp đảo hoàn toàn. So với giá chốt phiên sáng, rổ này có 22 mã tăng cao hơn, chỉ 8 mã tụt giá. Độ rộng của rổ từ 12 mã tăng/16 mã giảm cuối phiên sáng cũng chỉ lên 14 mã tăng/15 mã giảm lúc đóng cửa. Điều này cho thấy không nhiều cổ phiếu vượt được tham chiếu, nhưng khả năng hồi giá lại rất rõ.
Yếu tố hỗ trợ chính vẫn là lực bán yếu, nhóm VN30 bị bán rất ít, thanh khoản cả ngày giảm 5% so với hôm qua, chỉ đạt 4.788,5 tỷ đồng. Mức giao dịch này chỉ tương đương với phiên đầu tuần và thấp hơn 15% so với phiên T+3 trước đó.
Diễn biến đảo chiều cũng chưa hoàn toàn thuyết phục, vì độ rộng HoSE cuối ngày vẫn nghiêng về phía giảm, với 175 mã xanh/275 mã đỏ. Khả năng phục hồi đủ mạnh để chuyển từ giảm sang tăng cần một lực mua tốt hơn, vì bên bán cũng không gây sức ép quá lớn.
Điều quan trọng là thị trường vẫn đang thu hút được dòng tiền đến với các cổ phiếu cụ thể. Dầu khí vẫn đang là đi lên mạnh với GAS tăng 2,8%, PVD tăng 3,49%, PVS tăng 3,91%, PVC tăng 1,98%, BSR tăng 5,34%, PCG tăng 5,88%, PLX tăng 1,14%. Cổ phiếu phân bón như DCM tăng 5,23%, DPM tăng 3,86%, PCE tăng 3,15%, PSE tăng 2,79%... Nhiều cổ phiếu nhóm tăng giá mạnh cũng góp mặt trong nhóm thanh khoản lớn như DGC, DPM, DCM...
Nhờ ảnh hưởng của một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, GAS, MSN, VHM nên VN-Index hôm nay đóng cửa trên tham chiếu. Tuy nhiên tích cực hơn là biến động ở cổ phiếu với sự phân nhóm rất rõ: HoSE có 75 cổ phiếu giảm trên 2% nhưng cũng có 60 mã tăng trên 2%. Loạt cổ phiếu tăng trên 3% với thanh khoản trên trăm tỷ đồng có thể kể tới như VHC, ANV, FRT, ASM, REE, DCM, PVT, GMD, DPM, PVD...
Khối ngoại trở thành một “thế lực” trên thị trường buổi chiều, khi dốc tiền vào mua rất mạnh. Cuối phiên sáng mức mua ròng tại HoSE mới là 12,7 tỷ, hết ngày tăng vọt lên 598,3 tỷ. Đặc biệt hôm nay khối này không mua chứng chỉ quỹ, mà giải ngân thẳng vào cổ phiếu. DGC được mua ròng tới 148,6 tỷ, VHM 85,9 tỷ, DPM 80 tỷ, HPG 62,6 tỷ... Bán ròng lớn nhất chỉ có PNJ -27,6 tỷ, VRE -24,7 tỷ, GMD -23,9 tỷ, NKG -20,4 tỷ. Tổng giá trị giải ngân của khối này trên HoSE đạt 1.785,8 tỷ đồng, chiếm hơn 11% tổng giá trị sàn.