10:23 06/03/2024

Hàng xa xỉ “để mắt” đến Đông Nam Á nhờ Gen Z và kinh tế giải trí

Minh Nguyệt

Các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Philippines đang hưởng lợi từ sự phục hồi khách du lịch và việc dân số thuộc tầng lớp trung lưu bùng nổ. Điều này khiến khu vực này sẽ trở thành điểm nóng sắp tới cho ngành bán lẻ xa xỉ…

Đông Nam Á sẽ đại diện cho một nhóm người tiêu dùng hàng xa xỉ mới. Ảnh: Bangkok Post
Đông Nam Á sẽ đại diện cho một nhóm người tiêu dùng hàng xa xỉ mới. Ảnh: Bangkok Post

Ngày 28/2 vừa qua, Louis Vuitton đã cho khai trương nhà hàng đầu tiên ở tại Bangkok, Thái Lan. Nằm trong khuôn viên của trung tâm thương mại Kasorn Amarin sầm uất, LV The Place Bangkok là địa điểm mang phong cách trang trí tỉ mỉ và độc đáo của hãng. Nơi đây hứa hẹn trở thành điểm check-in hot trong năm nay, khi khách hàng không chỉ mua sắm mà còn được chiêm ngưỡng triển lãm nghệ thuật và trải nghiệm ẩm thực cao cấp.

Đi sâu vào bên trong, tầng 1 chính là không gian của Le Café Louis Vuitton, đây là quán cafe thứ 2 của hãng ở Đông Nam Á. Nơi này tập trung phục vụ khách hàng các loại bánh ngọt và bánh quy được trình bày đẹp mắt do bếp Blue by Alain Ducasse chế biến. Nửa không gian còn lại là khu triển lãm Visionary Journeys kết hợp với lịch sử thương hiệu Louis Vuitton. Đến với tầng 2 là không gian mua sắm cùng với những sản phẩm độc quyền chỉ có tại cửa hàng concept ở Thái Lan và nhà hàng đầu tiên của Louis Vuitton, Gaggan ở Đông Nam Á. Đây là sự kết hợp của thương hiệu Pháp với đầu bếp Ấn Độ Gaggan Anand.

Hàng xa xỉ “để mắt” đến Đông Nam Á nhờ Gen Z và kinh tế giải trí - Ảnh 1
Hàng xa xỉ “để mắt” đến Đông Nam Á nhờ Gen Z và kinh tế giải trí - Ảnh 2
 
Hàng xa xỉ “để mắt” đến Đông Nam Á nhờ Gen Z và kinh tế giải trí - Ảnh 3
Hàng xa xỉ “để mắt” đến Đông Nam Á nhờ Gen Z và kinh tế giải trí - Ảnh 4
 

Trước đó, nhân dịp Valentine 2024, Louis Vuitton cũng đã khai trương cửa hàng chocolate đầu tiên bên ngoài nước Pháp, tại Singapore. Chocolate được cung cấp tại cửa hàng Louis Vuitton Island Maison của Marina Bay Sands, được lấy cảm hứng từ đầu bếp bánh ngọt từng đoạt giải thưởng Maxime Frédéric và được chế biến từ các nguyên liệu bao gồm hạt phỉ được thu hoạch tại trang trại của ông ở Normandy. Thiết kế của cửa hàng lấy tông màu vàng làm chủ đạo. Cửa hàng cũng cung cấp các loại bánh ngọt và bánh ngọt làm từ chocolate có logo chữ lồng của LV.

Việc các ngôi sao như Coldplay, Ed Sheeran và giờ là Taylor Swift đều lần lượt tổ chức concert tại Đảo quốc Sư tử khiến nền kinh tế giải trí dường như đã trở thành động lực tăng trưởng mới của Singapore. “Singapore vốn là một nam châm thu hút các chuyến du lịch theo hình thức công tác, nhưng những sự kiện âm nhạc toàn cầu quy mô lớn này mang đến lợi ích khổng lồ cho ngành dịch vụ, có thể đóng góp tới 10% GDP của quốc gia này”, nhà kinh tế Yun Liu của HSBC tại ASEAN nhận định.

Bà Erica Tay, Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Maybank cho biết, các buổi hòa nhạc của ca sĩ Taylor Swift dự kiến tạo ra khoảng 350 - 500 triệu dollar Singapore (260,3 - 371,9 triệu USD) doanh thu từ du lịch, giả định rằng khoảng 70% khán giả đến xem buổi hòa nhạc là từ nước ngoài. Bà Liu của HSBC cho biết: “Đây là mối quan hệ tương hỗ, hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện có xu hướng thu hút các khách doanh nhân giàu có, từ đó làm tăng chi tiêu cho việc mua sắm, ăn uống, trải nghiệm”.

Nền kinh tế giải trí dường như đã trở thành động lực tăng trưởng mới của Singapore.
Nền kinh tế giải trí dường như đã trở thành động lực tăng trưởng mới của Singapore.

Vị thế trung tâm thời trang của Singapore có thể tương đối khiêm tốn trên phạm vi toàn cầu, nhưng có dấu hiệu tiến bộ rõ ràng. Tháng 3/2023, quốc đảo Đông Nam Á được chọn làm địa điểm tổ chức buổi trình diễn trunk show của Louis Vuitton và Bulgari - thương hiệu thuộc sở hữu của LVMH. Tháng 4/2023, Hermès tổ chức sự kiện HermèsFit – nơi bạn có thể tập gym bằng những đạo cụ đậm tính Hermès nguyên bản -.tại không gian của thương hiệu năm trên phố Orchard, Singapore…

Trong khi đó, Thái Lan cũng đang phấn đấu trở thành điểm đến mua sắm hàng đầu. Angelito Perez Tan, đồng sáng lập và CEO của RTG Group Asia, cho biết thị trường xa xỉ của Thái Lan được dự đoán sẽ mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 5,62% từ khoảng 4,64 tỷ USD trong năm nay cho đến năm 2028, khiến quốc gia này có tiềm năng vượt qua Singapore về quy mô thị trường khi CAGR của Đảo quốc Sư tử trong giai đoạn 2023 - 2028 chỉ vào khoảng 3,49%.

Theo Jing Daily, mặc dù có thể nói là xấp xỉ nhau ở khu vực, nhưng hai thị trường này lại được thúc đẩy bởi các khía cạnh rất khác nhau trong lĩnh vực bán lẻ hàng xa xỉ. “Thái Lan phát triển mạnh hơn về thời trang xa xỉ và thu về một phần đáng kể doanh thu từ danh mục này, trong khi Singapore chủ yếu được thúc đẩy bởi đồng hồ và trang sức cao cấp”, ông Angelito so sánh. Ngoài ra, bối cảnh bán lẻ xa xỉ của Thái Lan được hưởng lợi từ người dân địa phương, trong khi ở Singapore thì đa phần là từ mức chi tiêu của khách du lịch.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, Thái Lan hoàn toàn có thể nâng cao được nguồn thu từ bên ngoài nhờ hàng loạt chính sách miễn thị thực đối với du khách Trung Quốc, Ấn Độ… Ngoài ra, Gen Z đang đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính cho thị trường xa xỉ Thái Lan. Đối với nhóm nhân khẩu học này, K-pop và T-pop là hai nguồn cảm hứng lớn, trong đó các tín đồ thời trang trẻ muốn học theo các ngôi sao của họ.  Suphap, người điều hành công ty quản lý tài năng Thái Lan The Venture Management đại diện cho Wattanagitiphat và Romsaithong, lưu ý rằng các diễn viên Thái đặc biệt giỏi trong việc hướng người mua sắm đến các thương hiệu.

Thái Lan cũng đang phấn đấu trở thành điểm đến mua sắm hàng đầu.
Thái Lan cũng đang phấn đấu trở thành điểm đến mua sắm hàng đầu.

Bên cạnh sự quảng bá của các ngôi sao, người tiêu dùng Gen Z cũng đang tìm kiếm những mặt hàng hay dịch vụ, trải nghiệm hot trên mạng xã hội. Theo ông Umaporn Whittaker-Thompson, Phó chủ tịch bộ phận Truyền thông Người tiêu dùng tại Tập đoàn tư vấn Vero Đông Nam Á, tầng lớp nhân khẩu học và doanh nhân trẻ Thái Lan đang có quan điểm coi việc mua hàng xa xỉ là “một trải nghiệm tự thưởng cho bản thân”, đồng thời việc dành thời gian trong một nhà hàng hay quán cà phê xa xỉ mang đến bầu không khí sáng tạo và đầy cảm hứng.

Kết hợp lại, những yếu tố này đang biến Thái Lan trở thành một “tay chơi” hàng xa xỉ đáng nể - không chỉ trong số các quốc gia Đông Nam Á mà còn ở cấp độ quốc tế. Vậy thì, sự quan tâm của thương hiệu thời trang cao cấp với Đông Nam Á có thể là dấu mốc bước ngoặt không? Vogue Business đặt câu hỏi. Hiện tại, nhiều quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á có nền kinh tế đang phát triển, dân số có tài sản cao ngày càng lớn, lượng khách du lịch cũng như các doanh nhân am hiểu công nghệ ngày càng tăng.

Theo công ty Bain, Đông Nam Á dự kiến có thêm 25 đến 30 triệu người tiêu dùng có thu nhập trung bình và cao vào năm 2030, tương đương khoảng 15% của Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2022. Chuyên gia Federica Levato tại Bain cho biết, Đông Nam Á sẽ “đại diện cho một nhóm người tiêu dùng hàng xa xỉ mới, có số lượng đáng kể trong tương lai. Các thương hiệu nên chuẩn bị để nắm bắt và tận dụng".