14:35 06/04/2023

Hành trình 15 năm từ nhà đầu tư đến doanh nghiệp được địa phương tin tưởng

Nhật Dương

Sau 15 năm có mặt tại Việt Nam, Samsung đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, là một doanh nghiệp được người dân địa phương tin tưởng...

Hình ảnh nhá máy Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên
Hình ảnh nhá máy Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên

Cách đây 15 năm, vào ngày 25/3/2008, Samsung Electronics Việt Nam được trao giấy chứng nhận đầu tư tại Bắc Ninh với tổng số vốn 670 triệu USD. Sau hơn 1 thập kỷ, từ số vốn 670 triệu USD đầu tư ban đầu, đến nay Samsung đã chính thức đầu tư tới 20 tỷ USD vào Việt Nam và con số vẫn chưa dừng lại.

ĐƯA VIỆT NAM GÓP MẶT TRÊN BẢN ĐỒ SẢN XUẤT CÁC THIẾT BỊ CÔNG NGHỆ THẾ GIỚI

Sự hiện diện của Samsung cũng không chỉ dừng lại ở Bắc Ninh, mà đã mở rộng đến TP.HCM, Hà Nội, Thái Nguyên. Chỉ riêng Samsung, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 60 tỷ USD, đã đóng góp tới 20 – 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tính đến hết tháng 3/2023, Samsung đã cán mốc gần 1,9 tỷ sản phẩm thông minh công nghệ cao được sản xuất tại Việt Nam. Cụ thể, trong số đó nhà máy Samsung Bắc Ninh sản xuất được hơn 951,7 triệu sản phẩm, còn Samsung Thái Nguyên sản xuất hơn 946,3 triệu sản phẩm. Gần 1,9 tỷ thiết bị này bao gồm các sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng, thiết bị đeo thông minh (smartwatch), máy tính và các sản phẩm điện thoại cơ bản

Sau 15 năm có mặt tại Việt Nam, Samsung không chỉ góp phần quan trọng đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà giờ đây, còn đang bắt đầu “kéo” Việt Nam vào “sân chơi” R&D toàn cầu. Tháng 12/2022, Samsung Việt Nam đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Đây là trung tâm lớn nhất của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á. 

Ông Roh Tae-Moon – Tổng giám đốc Samsung điện tử khi tham dự Lễ khánh thành Trung tâm R&D, cũng cho biết Samsung sẽ nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng lĩnh vực phát triển, để nơi đây không chỉ trở thành Trung tâm R&D hàng đầu khu vực Đông Nam Á, mà còn là trung tâm R&D số 1 toàn cầu. “Samsung cũng sẽ tăng cường lực lượng nghiên cứu của Trung tâm R&D để các sản phẩm và dịch vụ được phát triển tại Việt Nam có thể được đưa đến với người tiêu dùng trên toàn cầu, chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động phát triển tập trung vào khu vực Đông Nam Á như hiện nay”, ông Roh Tae-Moon nói.

Công nhân tại nhà máy của Samsung
Công nhân tại nhà máy của Samsung

Cùng với trung tâm R&D mới, Samsung cũng chuẩn bị thử nghiệm và sẽ sản xuất đại trà Lưới bóng - một bộ phận trong chip bán dẫn ở nhà máy SEMV tại Thái Nguyên từ tháng 7/2023. Theo ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn sản xuất phần cứng và nay là phần mềm nói chung, Việt Nam đã dần dần trở thành một cứ điểm sản xuất quan trọng trong ngành công nghệ cao.

Trước đây, Việt Nam đã là một mắt xích trong hoạt động sản xuất, lắp ráp sản phẩm từ laptop đến điện thoại di động, hàng điện tử…, thì nay với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trong sản xuất chíp và đến Trung tâm R&D của Samsung càng cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong mắt các tập đoàn nước ngoài. Trung tâm R&D sẽ tạo thuận lợi cho các ngành thiên về chất xám tăng tốc mạnh hơn như liên quan đến AI, Big Data, IoT…

ĐÓNG GÓP TÍCH CỰC CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ ĐỊA PHƯƠNG

Bên cạnh những đóng góp tích cực cho kinh tế Việt Nam, Samsung cũng đóng góp đối với kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, số vốn đầu tư của Samsung đạt trên 7,5 tỷ USD (chiếm gần 73% tổng số vốn đầu tư FDI toàn tỉnh) cho các dự án tại Thái Nguyên.

Sau một thập kỷ, Thái Nguyên đã trở thành địa phương nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên duy trì đà tăng trưởng 10,8% so với cùng kỳ. Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, Thái Nguyên nằm trong top 3 tỉnh có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước tháng 2/2023 với 2,39 tỉ USD.

Giá trị sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2023 của tỉnh đạt 186,74 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ và đạt 18,3% kế hoạch; chỉ số sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên tăng 6,11% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Bắc Ninh, sau 15 năm Samsung chính thức đầu tư tại đây, những năm gần đây, Bắc Ninh là địa phương có kim ngạch xuất khẩu luôn nằm trong top đầu cả nước. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu địa phương này đạt 45,1 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục duy trì vị trí thứ hai cả nước, sau TP.HCM. Cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 6,6 tỷ USD, bằng 14,6% kim ngạch xuất khẩu.

Toàn cảnh khu tổ hợp Samsung tại Bắc Ninh
Toàn cảnh khu tổ hợp Samsung tại Bắc Ninh

Trong cuộc gặp gần đây với lãnh đạo Samsung, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư tỉnh Bắc Ninh, nhấn mạnh chính những đóng góp tích cực của Samsung trong suốt thời gian đầu tư tại Bắc Ninh đã góp phần đưa các chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu của tỉnh luôn nằm trong top đầu cả nước.

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cũng đã khẳng định sự có mặt của Samsung đã có những đóng góp lớn, tác động mạnh mẽ đến định hướng phát triển nền công nghiệp theo hướng hiện đại của tỉnh, cũng như ảnh hưởng tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá Samsung xuất hiện đã kéo theo hàng tỷ USD vốn đầu tư từ các nhà sản xuất vệ tinh khác, qua đó góp phần phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam. Samsung cũng hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình sản xuất, để có thể trở thành các nhà cung cấp cho Samsung.

Hiện tại, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam, trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng gấp 10 lần, từ 25 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 257 doanh nghiệp vào cuối năm 2022.

TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển (DEPOCEN), cũng cho rằng Samsung đã làm thay đổi cả bộ mặt ngành điện tử của Việt Nam, cũng như cơ cấu xuất khẩu; đóng góp tích cực cho nền kinh tế nói chung, cho xuất khẩu cũng như góp một phần cho việc xây dựng được một vài nền tảng ban đầu của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.