19:22 04/09/2023

Hành trình từ Nha Ngân khố Quốc gia đến hệ thống kho bạc số

Trâm Anh

Sau 33 năm kể từ khi tái lập, hệ thống Kho bạc Nhà nước mà tiền thân là Nha Ngân khố Quốc gia đã không ngừng lớn mạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình. Tiếp tục giữ vững “tay hòm chìa khóa” quốc gia, ngành kho bạc đang bước tiếp đến con đường kho bạc số, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính quốc gia và nâng cao chất lượng phục vụ...

Toàn hệ thống đang nỗ lực hình thành kho bạc số vào năm 2030.
Toàn hệ thống đang nỗ lực hình thành kho bạc số vào năm 2030.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, việc đảm bảo tài chính phục vụ công cuộc kiến quốc và hoạt động của bộ máy nhà nước cách mạng non trẻ trong điều kiện “thù trong, giặc ngoài” nạn đói hoành hành, ngân khố cạn kiệt, nền kinh tế khó khăn sau chiến tranh là vô cùng bức thiết.

Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 75/SL ngày 29/5/1946 thành lập Nha Ngân khố Quốc gia trực thuộc Bộ Tài chính, tiền thân của hệ thống Kho bạc Nhà nước hiện nay, giúp Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cấp bách về tài chính và tiền tệ trong những ngày đầu xây dựng nền tài chính quốc gia non trẻ.

NHA NGÂN KHỐ QUỐC GIA GÓP CÔNG TRONG HÀNH TRÌNH KIẾN QUỐC

Thời kỳ này, Nha Ngân khố Quốc gia đóng trụ sở và làm việc tại xóm Dàm, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang với lán trại làm bằng tre, cán bộ ở nhà sàn của các gia đình người dân trong xóm và được nhân dân đùm bọc, che chở.

Tại sắc lệnh này, Nha Ngân khố Quốc gia được giao thực hiện nhiệm vụ tập trung quản lý các khoản thu về thuế, đảm phụ quốc phòng và công phiếu kháng chiến; quản lý và giám sát các khoản cấp phát theo dự toán; chịu trách nhiệm xác nhận và thanh toán kinh phí cho các đơn vị thụ hưởng; làm thủ tục quyết toán với cơ quan tài chính; phát hành giấy bạc Việt Nam và thực hiện nhiệm vụ kế toán.

 

Trên cơ sở kinh nghiệm tích lũy trong những năm hoạt động của Nha Ngân khố Quốc gia, từ khảo sát mô hình hoạt động của kho bạc các nước và kết quả thí điểm mô hình Kho bạc Nhà nước ở hai tỉnh Kiên Giang và An Giang, Bộ Tài chính trình và được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt đề án thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính vào ngày 4/1/1990 với sự ban hành Quyết định số 07/HĐBT.

Trong điều kiện đất nước vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Nha Ngân khố Quốc gia hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và là công cụ quan trọng của chính quyền cách mạng non trẻ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kiến quốc, bước đầu tạo nên nền tài chính ngân sách của chế độ mới. Có thời kỳ, các hoạt động của kho bạc chuyển về do Vụ Quản lý quỹ ngân sách nhà nước thuộc Ngân hàng Nhà nước đảm nhiệm.

Tuy nhiên, từ Đại hội VI, Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo công cuộc “Đổi mới” một cách sâu sắc và toàn diện, cơ chế quản lý tài chính và tiền tệ có những thay đổi căn bản, phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế mới.

Việc tách bạch hoạt động kinh doanh tiền tệ với nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách và sử dụng có hiệu quả quỹ ngân sách nhà nước là đòi hỏi tất yếu, dẫn đến việc chuyển chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước về Bộ Tài chính.

Đây là mốc lịch sử quan trọng trong việc thành lập Kho bạc Nhà nước Việt Nam.

Sau gần ba tháng chuẩn bị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tài chính, sự phối hợp tích cực của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi của các cấp, các ngành liên quan, Kho bạc Nhà nước hoàn thành tổ chức theo hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương gồm 3 cấp và chính thức đi vào hoạt động trên phạm vi cả nước từ ngày 1/4/1990.

Đề án thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt ngày 4/1/1990.
Đề án thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính được Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt ngày 4/1/1990.

Thời điểm đó, Kho bạc Nhà nước có ba chức năng chính là quản lý quỹ ngân sách nhà nước, huy động vốn và tổ chức công tác kế toán ngân sách nhà nước.

HOÀN THIỆN VÀ KHÔNG NGỪNG LỚN MẠNH

Sau nhiều năm phát triển và yêu cầu mới từ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho ngành tài chính nói chung và hệ thống Kho bạc Nhà nước nói riêng những nhiệm vụ mới, đòi hỏi cả hệ thống phải tiếp tục đổi mới.

Nhằm thực hiện thành công Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước với mục tiêu đến năm 2020 hình thành kho bạc điện tử, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 8/7/2015 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính, với các nội dung hiện vẫn đang áp dụng.

Tại quyết định này, về chức năng, Kho bạc Nhà nước là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, nhằm tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ nhà nước; tổng kế toán nhà nước; huy động vốn cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ theo quy định.

Về nhiệm vụ, có thể chia các nhiệm vụ của Kho bạc Nhà nước thành hai nhóm.

Một, nhóm nhiệm vụ có tính chất quản lý nhà nước. Theo đó, Kho bạc Nhà nước quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước được giao bao gồm tập trung các nguồn thu vào ngân sách nhà nước, quản lý kiểm soát các khoản chi của ngân sách nhà nước; quản lý quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước; quản lý các quỹ tài chính của Nhà nước, tài sản tạm thu tạm giữ, tài sản quý hiếm...

Bên cạnh đó, tổ chức hạch toán kế toán ngân sách nhà nước, kế toán các quỹ và tài sản của Nhà nước, kế toán các khoản vay nợ, viện trợ, trả nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật; tổ chức lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương; tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành.

Hai, nhóm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công và có tính chất như một ngân hàng của Chính phủ gồm: mở tài khoản, kiểm soát tài khoản tiền gửi, tổ chức thanh toán chuyển tiền, thu chi tiền mặt, quản lý kho quỹ, tổ chức huy động vốn thông qua phát hành và thanh toán trái phiếu Chính phủ phục vụ cho cân đối ngân sách và đầu tư phát triển.

Giai đoạn đầu khi tái lập vào năm 1990, hệ thống Kho bạc Nhà nước gồm có: Cục Kho bạc Nhà nước, 44 Chi cục Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố và 502 chi nhánh Kho bạc Nhà nước quận, huyện, thị xã trong cả nước. Doanh số hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước và số lượng tài khoản giao dịch còn hết sức khiêm tốn, chỉ 36.000 tỷ đồng và 82.000 tài khoản.

Đến nay, Kho bạc Nhà nước quản lý quỹ ngân sách nhà nước của ngân sách trung ương; ngân sách 63 tỉnh, thành; 661 quận, huyện và 10.500 xã, phường, thị trấn. Hệ thống Kho bạc Nhà nước đang quản lý trên 800.000 tài khoản của hơn 540.000 đơn vị với doanh số hoạt động của Kho bạc Nhà nước hàng năm lên tới hàng triệu tỷ đồng.

BẮT NHỊP DÒNG CHẢY CHUYỂN ĐỔI SỐ

Với nhiều năm nghiên cứu và tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài chính công, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, đánh giá ngành kho bạc có những thay đổi đáng kể, cải cách rất lớn so với trước đây, trong đó, có nhiều bước cải cách mang tính đột phá đưa kho bạc tiến nhanh đến kho bạc số, thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc với các đơn vị sử dụng ngân sách.

Bên cạnh đó, ngành kho bạc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin giúp tồn dư quỹ ít hơn trước đây rất nhiều. Thay vì thanh toán tiền mặt như ngày xưa, ông Cường cho biết hoạt động của kho bạc cải cách rất lớn, hiện đại hóa các hình thức thanh toán, tiến tới thu, chi bằng hình thức điện tử.

Theo ghi nhận, cả ngành hiện đang tích cực triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, đặt nền móng cho việc hình thành kho bạc số vào năm 2030. Theo chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Pháp chế, Kho bạc Nhà nước, năm 2022, thu, chi ngân sách bằng tiền mặt qua hệ thống chỉ còn 0,16% và 0,36% và phấn đấu đến năm 2025 về cơ bản không còn giao dịch thu chi bằng tiền mặt.

Bên cạnh đó, hệ thống Kho bạc Nhà nước luôn xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm. Toàn ngành cũng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ, với điểm nhấn quan trọng là triển khai thành công diện rộng hai chương trình, đó là chương trình thanh toán điện tử liên ngân hàng tập trung và chương trình kiểm soát chi đầu tư để thực hiện kiểm soát, thanh toán các dự án đầu tư công theo phương thức điện tử. Theo đó, Kho bạc Nhà nước ba năm liền duy trì cung cấp 100% thủ tục qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Hoạt động giao dịch với Kho bạc Nhà nước duy trì 24/7, lượng giao dịch trung bình mỗi ngày từ 100.000 - 150.000 giao dịch, ngày cao điểm cuối năm từ 400.000 - 500.000 giao dịch. Việc áp dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến giúp các đơn vị sử dụng ngân sách tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, đặc biệt là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Trước đây, theo phản ánh của nhiều đơn vị, việc chuyển chứng từ đến kho bạc từ những xã xa xôi mất đến nửa ngày, càng vất vả hơn khi chỉnh sửa chứng từ phải về cơ quan rồi tiếp tục mang đến kho bạc. Thế nhưng, kể từ khi áp dụng dịch vụ công trực tuyến tiết kiệm thời gian và công sức rõ rệt.

Thanh toán không dùng tiền mặt chính là bước đầu hiện thực hóa kho bạc số với mục tiêu “ba không” - không tiền mặt, không chứng từ giấy, không khách hàng giao dịch. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước đang đáp ứng kịp thời và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, bắt nhịp với yêu cầu cải cách, hiện đại hóa.

Trải qua những thăng trầm và dấu ấn đáng nhớ trong hành trình hình thành và phát triển từ năm 1946 đến nay, Kho bạc Nhà nước tiếp tục khẳng định là một trong những trụ cột vững chắc của nền tài chính quốc gia.