16:30 23/11/2022

HanoiTex 2022: Cơ hội để ngành dệt may Việt Nam tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất

Vũ Khuê

Ngày 23/11, Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Dệt May – Thiết bị và nguyên phụ liệu 2022 (HanoiTex 2022) chính thức khai mạc tại Trung tâm triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội (91 Trần Hưng Đạo, TP. Hà Nội)...

Ngành dệt may Việt Nam đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động.
Ngành dệt may Việt Nam đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động.

Triển lãm do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX), Công ty Triển lãm CP (Hồng Kông), Công ty cổ phần Triển lãm Hội nghị và Quảng cáo Việt Nam (VCCI Expo) phối hợp tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM (AGTEK).

Sau một thời gian gián đoạn do dịch bệnh, năm nay Hanoitex được tổ chức trở lại. Đây là sự kiện lớn và được đánh giá có uy tín cao và được mong chờ của ngành.

Triển lãm với quy mô diện tích gian hàng 4.000 m2, có sự tham gia của hơn 160 đơn vị triển lãm uy tín đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tại sự kiện, các doanh nghiệp tham gia triển lãm giới thiệu các thiết bị và nguyên phụ liệu với công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay cho thị trường dệt may tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ triển lãm diễn ra các buổi hội thảo với các chủ đề được đông đảo doanh nghiệp dệt may quan tâm như: chuyển đổi số, các biện pháp phòng vệ thương mại, thời trang Việt…

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Trong định hướng phát triển ngành, Bộ Công Thương luôn coi dệt may là một ngành quan trọng, không chỉ đóng vai trò là ngành sản xuất công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba cả nước, mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ổn định an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động với thu nhập cao hơn từ 2-3 lần so với lao động nông nghiệp.

Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng hơn 40 tỷ USD, thu nhập trung bình của lao động trong lĩnh vực dệt may khoảng 3.800 USD/người/năm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, tuy kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may của Việt Nam còn ở mức thấp, ngành dệt may chưa chủ động được nguyên phụ liệu, chưa đáp ứng được các công đoạn thượng nguồn chuỗi cung ứng mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, năng suất lao động cũng thấp hơn các nước trong khu vực, trình độ công nghệ ở mức trung bình khá.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.

Trong bối cảnh đó, việc tổ chức HANOITEX 2022 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong ngành dệt may trong và ngoài nước gặp gỡ đối tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

“Đây là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận với những thế hệ công nghệ tiên tiến nhất, thiết bị hiện đại nhất, từ đó các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể xác định định hướng đầu tư trong thời gian tới. Cũng là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp uy tín, thúc đẩy mối quan hệ giao thương giữa các nước trong khu vực và trên thế giới”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương luôn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và ngành phát triển.

“Với sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành và doanh nghiệp dệt may trong nước đến năm 2030 ngành sẽ đạt mục tiêu đạt  70 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu”, ông Sinh tin tưởng.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT, Tập đoàn dệt may Việt Nam cũng cho rằng trong thời đại CMCN 4.0 ngày nay, ngành dệt may càng phát triển mạnh mẽ, không chỉ tự động hoá máy móc thiết bị mà còn tiến tới quản trị tự động theo thời gian thực.

Bên cạnh đó, các công nghệ dệt may hiện đại cũng tập trung quan tâm giải quyết vấn đề liên quan đến sản xuất xanh, hạn chế sử dụng hoá chất, tiết kiệm tài nguyên, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo... Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp mới, các thế hệ công nghệ phát triển rất nhanh chóng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cập nhật thường xuyên nếu không muốn trở nên lạc hậu và giảm khả năng cạnh tranh.

Hơn nữa, trong các định hướng phát triển ngành dệt may của Chính phủ luôn đề cập đến việc thúc đẩy chủ động nguồn nguyên phụ liệu để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đồng thời đẩy mạnh việc nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, từng bước tham gia vào các công đoạn cao hơn trong chuỗi sản xuất dệt may toàn cầu.

Theo ông Trường, triển lãm là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận được với các công nghệ hiện đại phù hợp với định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam, cũng như bắt kịp xu hướng của ngành dệt may toàn cầu.