23:14 31/05/2022

“Hãy lắng nghe bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”

Thu Hằng

Để giải quyết được tồn tại và mang lại môi trường tốt đẹp cho trẻ em, Thủ tướng nhấn mạnh, phải tìm được nguyên nhân, giải pháp và hành động bằng tấm lòng, trách nhiệm và trái tim yêu thương với trẻ em…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022. Ảnh - VGP.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022. Ảnh - VGP.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý những vấn đề này tại Lễ phát động “Tháng hành động vì trẻ em” và khai mạc hè năm 2022 diễn ra tối 31/5.

BA TRỤ CỘT ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỜI SỐNG TRẺ EM 

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta không chỉ có tháng hành động vì trẻ em mà phải luôn luôn hành động vì trẻ em. Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em được phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở Châu Á, nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Nhiều chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng như chăm sóc thường xuyên đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Đến nay, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Gần 100% trẻ em đến độ tuổi được đến trường, 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine, hiện đang tích cực triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Đời sống tinh thần, vui chơi giải trí, môi trường giao tiếp xã hội của trẻ em ngày càng phong phú, đa dạng...

Mặc dù vậy, Thủ tướng cho rằng, công tác bảo vệ trẻ em vẫn còn những khó khăn, thách thức. “Đảng, Nhà nước và tất cả chúng ta đã cố gắng nhưng không hết trăn trở, day dứt khi vẫn còn một số cháu phải đối mặt với nghịch cảnh của cuộc sống. Tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, nhất là đuối nước, tự tử vì trầm cảm do tác động của di chứng hậu Covid-19 vẫn còn xảy ra trong xã hội”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng cho rằng, để giải quyết được tồn tại và mang lại môi trường tốt đẹp cho trẻ em, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan từ phía gia đình, nhà trường, xã hội.

“Mỗi cá nhân trong cộng đồng có ý thức trách nhiệm với trẻ em thì điều tốt đẹp hơn sẽ đến với các em. Tôi muốn nêu vấn đề này vì chỉ giải quyết được vấn đề khi chúng ta tìm được nguyên nhân, giải pháp và hành động bằng tấm lòng, trách nhiệm và trái tim yêu thương với trẻ em. Tôi muốn nhấn mạnh 3 trụ cột chính ảnh hưởng đến đời sống của trẻ em, đó là gia đình - nhà trường - xã hội”, Thủ tướng lưu ý.

MỖI TRẺ EM LÀ MẦM NON LAN TỎA TÌNH YÊU THƯƠNG 

Thủ tướng nhấn mạnh, đối với gia đình, mỗi gia đình hãy là “ngôi nhà xanh” hạnh phúc cho trẻ em với trách nhiệm của cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ. Bởi thực tế, nhiều trẻ em đã bất hạnh trong chính ngôi nhà mình, do chính người thân gây ra. Gia đình cũng cần quan tâm đến bữa ăn, tâm lý của trẻ sau dịch Covid-19, tránh gây áp lực cho trẻ về học tập và làm việc.

Ảnh - VGP. 
Ảnh - VGP. 

Đối với nhà trường, hãy là nơi để "mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Ở đó trẻ coi thầy cô là cha mẹ thứ 2 của mình, chia sẻ và thực hiện khát vọng cuộc sống. Ở đó trẻ không bị áp lực học hành, thi cử, có môi trường lành mạnh, không bị thầy cô và bạn bè làm tổn thương, được an ủi khi có những chuyện buồn. Nhà trường cần chú ý đến tâm lý, vấn đề an toàn và quan tâm đặc biệt đến tâm lý của trẻ sau dịch Covid-19 sau thời gian học trực tuyến dài, tiếp xúc bạn bè bị hạn chế do chưa được đến trường.

Đối với xã hội, Thủ tướng đặc biệt lưu ý đến cụm từ “trách nhiệm và yêu thương”. Đó là trách nhiệm của quốc gia, cơ quan, bộ, ngành, tổ chức và mỗi cá nhân đối với trẻ em.

Với quốc gia, cần có Chiến lược phát triển trẻ em Việt Nam, trong đó có giải pháp nâng cao thể trạng của trẻ em; giáo dục những hệ giá trị của con người Việt Nam như lòng yêu nước, ham học hỏi, trách nhiệm, kỷ cương, chân thành, nhân ái…Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Trẻ em và Nghị quyết 121/2020/QH14 của Quốc hội và các nội dung, nhiệm vụ về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

“Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động”, Thủ tướng nói và lưu ý, mỗi bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm để đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển thể chất và tinh thần.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu để xây dựng chương trình học phù hợp, tăng cường dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ. Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương chú ý đến trường học, sân chơi, bể bơi, nhà vệ sinh cho trẻ em. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội chú ý các chính sách hỗ trợ nhà trường, trẻ em ảnh hưởng dịch Covid-19.

Bộ Y tế nghiên cứu và có hướng dẫn về dinh dưỡng, bữa ăn cho trẻ em, khẩn trương hoàn thành việc tiêm vaccine phòng, chống Covid-19 cho trẻ em, nhất là nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành theo mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Bên cạnh đó là sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các tổ chức, hiệp hội, nhất là Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam để có những chính sách bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, lưu ý trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Thủ tướng cũng cho rằng, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ liên quan đến trẻ em cần đặt sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ lên hàng đầu. “Để tạo “môi trường xanh” phát triển thể chất và tinh thần cho trẻ em, tôi kêu gọi mỗi cá nhân trong cộng đồng hãy hành động vì trẻ em bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái. Đồng thời, xã hội lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm những hành vi sai trái với trẻ em”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý, phải cùng nhau hành động để trẻ em là những người đầu tiên được hưởng thành quả phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Chúng ta quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ em.

“Gia đình, nhà trường, xã hội luôn thực hiện trách nhiệm với các cháu. Mỗi cháu sẽ là mầm non lan tỏa tình yêu thương, nhân ái, bản lĩnh, trí tuệ, lòng yêu nước, để đất nước Việt Nam ngày càng phát triển hùng cường và thịnh vượng”, Thủ tướng nói.