18:57 11/04/2023

Hết quý 1, thu từ thoái vốn nhà nước mới đạt 5,6% dự toán

Hoàng Lan

Trong quý 1/2023 không có doanh nghiệp thực hiện cổ phẩn hóa. Nguồn thu thoái vốn nhà nước thu về ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 168,4 tỷ đồng trong khi kế hoạch thu năm 2023 là 3.000 tỷ đồng…

Hơn 1 năm qua chỉ có 1 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá.
Hơn 1 năm qua chỉ có 1 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá.

Theo Bộ Tài chính, trong tháng 3/2023, chỉ ghi nhận 1 vụ thoái vốn của Tổng công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Công ty cổ phần Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 9 với giá trị 3,3 tỷ đồng, thu về 20,5 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 4 doanh nghiệp với giá trị là 41,2 tỷ đồng, thu về 168,4 tỷ đồng. Trong đó, SCIC thoái vốn tại 3 doanh nghiệp với giá trị 6,8 tỷ đồng thu về 33,6 tỷ đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thoái vốn tại Công ty cổ phần Ắc quy Tia sáng với giá trị 34,4 tỷ đồng thu về 134,8 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2022, SCIC thoái vốn tại Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam với giá trị 195 tỷ đồng, thu về 390 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thoái vốn tại 31 doanh nghiệp với giá trị là 688,7 tỷ đồng, thu về 3.900,6 tỷ đồng. 

 

Nguồn thu thoái vốn nhà nước thu về ngân sách nhà nước 3 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 168,4 tỷ đồng, bằng 5,6% dự toán cả năm (3.000 tỷ đồng).

Liên quan đến công tác cổ phần hoá, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước chỉ ghi nhận 1 doanh nghiệp cổ phần hoá là Công ty TNHH MTV Phà An Giang thuộc danh mục cổ phần hoá giai đoạn 2017-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng giá trị doanh nghiệp là 309 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 278 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, tiến độ triển khai cổ phần hoá, thoái vốn chậm là do doanh nghiệp cổ phần hoá, thoái vốn có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành, đa lĩnh vực, nhiều tài sản chuyên ngành, khó xác định giá trị nên việc xử lý tài chính tài sản, nợ, xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị phần vốn nhà nước và công tác chuẩn bị hồ sơ, phương án cần nhiều thời gian. Một số doanh nghiệp còn tồn tại nhiều vấn đề phải xử lý về tài chính; một số đơn vị vi phạm quy định về quản lý vốn, tài sản đang thực hiện thanh tra, kiểm tra, điều tra.

Bộ Tài chính cho biết mong muốn cổ phần hoá, thoái vốn nhanh, vì trong dự toán các khoản thu ngân sách nhà nước, khoản thu từ nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chiếm đáng kể. Nếu không hoàn thành, Bộ Tài chính sẽ không đạt được khoản thu theo dự toán, ảnh hưởng tới dự toán thu ngân sách trên tổng thể. Do đó, Bộ Tài chính rất mong triển khai được cổ phần hoá, thoái vốn trên cơ sở theo quy định pháp luật, thận trọng, công khai, minh bạch, đảm bảo hiệu quả, đảm bảo lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Để khắc phục, đổi mới, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi một cách đồng bộ cơ chế chính sách pháp luật liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐCP, Nghị định số 91/2015/NĐCP, Nghị  định  số  32/2018/NĐCP,  Nghị  định  số  140/2020/NĐCP;  Phối  hợp  với Văn phòng Chính phủ, các Bộ ban ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giám sát, cổ phần hóa năm 2016 –2022.

Cùng với đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu đôn đốc các doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất kê khai báo cáo, lập phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thẩm quyền.

Bộ Tài chính đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp của trung ương đóng trên địa bàn theo đề nghị của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương để bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ việc xây dựng phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hoá.

Bộ Tài chính cũng đề nghị xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.  Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là người đứng đầu trong công tác sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ, công việc liên quan; coi việc thực hiện nhiệm vụ và kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là một tiêu chí đánh giá các cơ quan, đơn vị tập thể, cá nhân liên quan.