Hình thành hệ sinh thái giải pháp sản phẩm số cho doanh nghiệp Việt
Để nhanh chóng đưa các nền tảng công nghệ chất lượng của nhà cung cấp nền tảng số Việt Nam đến với các doanh nghiệp rất cần kết nối, hình thành một hệ sinh thái các giải pháp sản phẩm số
Chuyển đổi số đang ngày càng đòi hỏi các quốc gia, doanh nghiệp phải thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với sự tiến bộ của công nghệ, khoa học kỹ thuật; áp dụng sự ưu việt của các công nghệ mới của Cuộc cách mạng 4.0, nhằm đổi mới hoạt động, tạo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng.
CƠ HỘI "NGÀN NĂM CÓ MỘT" TẠI VIỆT NAM
Tại Hội nghị kết nối đối tác hợp tác trong chuyển đổi số vừa diễn ra, ông Huỳnh Quang Liêm, quyền Tổng Giám đốc VNPT, nhấn mạnh công cuộc chuyển đổi số là cơ hội "ngàn năm có một" của Việt Nam, của doanh nghiệp công nghệ và của toàn bộ khối doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp.
Theo các chuyên gia, khách hàng doanh nghiệp mong muốn có giải pháp sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, giá thành hợp lý và vận hành an toàn. Yếu tố quan trọng nhất khi áp dụng các giải pháp công nghệ mới là phải đáp ứng nhu cầu, giải các bài toán mà các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải trong hành trình chuyển đổi số và tiện lợi, dễ sử dụng với người dùng.
Các doanh nghiệp lớn có thế mạnh thương hiệu, tiềm lực về tài chính, con người và đầu tư nghiên cứu phát triển các nền tảng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng có khả năng tiếp cận với lượng khách hàng lớn và có độ tin cậy cao hơn. Với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp nhỏ mặc dù có độ linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của thị trường và độ trải nghiệm khách hàng tốt hơn nhưng lại hạn chế về năng lực tài chính, nhân sự, bán hàng và marketing, chất lượng dịch vụ lâu dài...
Chỉ ra các nguy cơ từ các nền tảng của nước ngoài đang phát triển mạnh mẽ ở một số lĩnh vực, các chuyên gia cho rằng nếu các doanh nghiệp nhỏ và vừa không sử dụng các nền tảng giải pháp công nghệ Việt Nam có thể sẽ dẫn đến mất doanh thu và nguồn tài nguyên dữ liệu, tài nguyên số.
Mặc dù các nhà cung cấp giải pháp công nghệ trong nước đang có thế mạnh đóng góp cho chuyển đổi số của chính quyền nhưng trong chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, cho người dân hưởng thụ các sản phẩm thì nhà cung cấp nền tảng Việt còn yếu thế hơn so với một số nền tảng đang phát triển mạnh trên thế giới.
CẦN HỆ SINH THÁI CÁC GIẢI PHÁP CHUYỂN ĐỔI SỐ
Điều này đòi hỏi cần phải hình thành nên một hệ sinh thái giải pháp số Việt Nam phục vụ, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, để các giải pháp, nền tảng số có chất lượng tốt của nhà cung cấp Việt phát triển mạnh mẽ đến với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và khách hàng, người dùng.
Từ thực tế này, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc hình thành hệ sinh thái giải pháp sản phẩm số Việt Nam là cần thiết và không thể đảo ngược.
Với tầm nhìn hợp lực và kết nối giữa các doanh nghiệp ICT về mọi mặt như kiến tạo sản phẩm giải pháp số, kinh doanh và cung cấp giải pháp/dịch vụ trên phạm vi toàn quốc... ông Liêm cho biết, VNPT hướng đến mục tiêu đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành, đẩy nhanh tiến độ xử lý công việc, kết nối ứng dụng trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước, mở rộng kênh tiếp cận giao tiếp khách hàng, tăng hiệu quả hoạt động và giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó trọng tâm hướng tới doanh nghiệp nhỏ và vừa - là những đơn vị có đặc tính linh hoạt, nhanh nhạy và sẵn sàng thay đổi để cải tiến mô hình kinh doanh.
Nhận định đây là thời điểm chín muồi, là cơ hội để tạo một cộng đồng những doanh nghiệp có các giải pháp công nghệ, VNPT mong muốn tập hợp nguồn lực, kết nối hệ thống cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin để đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất và hiệu quả nhất, đóng góp vào thành công trong công cuộc chuyển đổi số.
Trong những năm qua, tập đoàn này đã tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng viễn thông hiện đại, hạ tầng số phủ rộng khắp trên toàn quốc, đầu tư trọng điểm vào nghiên cứu các công nghệ nền tảng phục vụ chuyển đổi số như Điện toán đám mây (Cloud Computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), Chuỗi khối (Blockchain)... và sẵn sàng cung cấp, kết nối công nghệ với các dịch vụ/giải pháp chuyên ngành do các doanh nghiệp ICT cung cấp qua đó giúp nâng tầm giải pháp, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số dành cho doanh nghiệp.
Để có thể triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia như Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, Việt Nam cần huy động nhiều nguồn lực từ cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Các chuyên gia khẳng định chuyển đổi số quốc gia cần sự hợp lực, hợp tác nhằm tạo ra sức mạnh cộng hưởng của cộng đồng doanh nghiệp Việt.
CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA CẦN SỰ HỢP LỰC
Sự hợp tác, cộng hưởng nguồn lực, trí tuệ và sự sáng tạo của các doanh nghiệp công nghệ sẽ tạo cơ hội cung cấp nhiều giải pháp, nhanh chóng đưa sản phẩm của mình đến khách hàng doanh nghiệp nhanh nhất, góp phần chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Năng động hợp tác kinh doanh cũng sẽ giúp các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường, mang lại nhiều giá trị cho khách hàng và xã hội.
Đưa ra khung kiến trúc công nghệ nền tảng, quy hoạch bộ giải pháp ứng dụng cho các chuyên ngành, VNPT tin tưởng bộ giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là bộ giải pháp toàn diện, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp theo các giai đoạn số hoá, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số theo chuyên ngành.
Chia sẻ về chiến lược hợp tác với các doanh nghiệp ICT, VNPT cho biết, sẽ hợp tác với các đối tác là các đơn vị khởi nghiệp, các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà kinh doanh tích hợp và các nhà phát triển ứng dụng có nền tảng công nghệ, có giải pháp cung cấp cho các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp công nghệ lõi sẽ đóng vai trò nền tảng cho các nhà cung cấp dịch vụ giải các bài toán chuyển đổi số cụ thể của doanh nghiệp nhanh hơn. Theo đó, trong giai đoạn 2021- 2022 sẽ đẩy mạnh kết nối tìm kiếm cơ hội hợp tác cung cấp các giải pháp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như ngân hàng tài chính, phân phối bán lẻ, giao dịch và đào tạo, y tế chăm sóc sức khỏe, du lịch, khách sạn, nông nghiệp, hậu cần vận tải, công nghiệp - xây dựng.
Trong lĩnh vực giáo dục sẽ hợp tác với các đơn vị có năng lực triển khai xã hội hóa học tập, các giải pháp chuyển đổi số cho trường đại học, cao đẳng. Trong y tế là các đối tác có giải pháp AI, khám chữa bệnh từ xa, tự động hóa, cung cấp thiết bị đeo thông minh, phân tích dữ liệu... Cơ hội hợp tác cũng mở ra với các đơn vị có các giải pháp AI trong nông nghiệp, nông nghiệp từ xa, tự động hóa, cung cấp các thiết bị IoT...
Trong lĩnh vực hậu cần vận tải, sẽ tìm kiếm đối tác cung cấp các giải pháp quản lý cảng biển, vận chuyển giao nhận, ứng dụng kinh tế chia sẻ... Đối với lĩnh vực phân phối, bán lẻ là các đối tác quản lý điểm bán hàng, chuỗi phân phối, thương mại điện tử và phân tích dữ liệu...