Tp.HCM cần đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển
Để tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước, Tp.HCM buộc phải giải quyết tốt các chính sách phát triển đô thị, hạ tầng kết nối trong phạm vi thành phố và với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Cuối tuần qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.HCM (HUBA) tổ chức chương trình Cà phê Doanh nhân chủ đề "Phát triển kinh tế năm 2021 trong bối cảnh bình thường mới".
Tại chương trình, TS.Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn của Chính phủ, cho biết: Tp.HCM vẫn giữ vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong 10 năm qua, tăng trưởng của thành phố chậm lại vì nhiều nguyên nhân nhưng vẫn là thành phố có nhiều triển vọng phát triển.
Theo ông Lịch, việc quy hoạch, phát triển các vùng đô thị, hạ tầng chậm dẫn đến chậm mở rộng không gian phát triển thành phố. Để tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước, Tp.HCM buộc phải giải quyết tốt các chính sách phát triển đô thị, hạ tầng kết nối trong phạm vi thành phố và với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xây dựng Tp.Thủ Đức là điểm tập trung của hệ sinh thái khởi nghiệp, tiến tới xây dựng thành phố khởi nghiệp.
Ở góc độ kinh tế, TS Trần Du Lịch phân tích: Dù Tp.HCM xác định 4 ngành mũi nhọn, 9 nhóm ngành trọng điểm, nông nghiệp công nghệ cao nhưng công nghiệp chế biến chế tạo của thành phố vẫn tăng trưởng chậm hơn cả nước. Do đó, bài toán đặt ra nếu thành phố duy trì cơ cấu như cũ sẽ không cạnh tranh được. Vì vậy, thành phố phải đi đầu trong số hóa. Có thể nói, những doanh nghiệp nào không đi vào công nghệ số, số hóa sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý là trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào thế giới đang tăng, chi phí vận tải tăng Tp.HCM phải đặt 1 nền tảng mới là đi vào phân khúc gia tăng trong chuỗi giá trị.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên tổ tư vấn của Chính phủ cho rằng: Mở rộng không gian trước tiên phải là mở rộng không gian phát triển, quan trọng hơn vẫn là phát triển hạ tầng. Thay vì chọn kết nối vùng nguyên liệu giữa thành phố và các tỉnh, thành phía Nam, chính quyền Tp.HCM và các tỉnh cần bàn bạc thực hiện ngay những gì đang vướng mắc liên quan đến thể chế, luật cần tháo gỡ để cùng kiến nghị trung ương".
Ông Cung cũng lạc quan cho biết thêm: Mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn nhưng so với năm 2020 thì đang tốt dần lên, dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm nay sẽ tốt hơn mức 2,9% của năm 2020. Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng 6,5% đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, kèm theo nhiều yếu tố khác.
Theo Sở Công Thương Tp.HCM, trong 3 tháng đầu năm 2021, các chỉ số về sức mua, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu của Tp.HCM đã bật tăng trở lại, qua đó cho thấy các doanh nghiệp có biện pháp chống dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất tốt và nhanh chóng ổn định phát triển. Trong quý 2, ngành công thương thành phố sẽ phối hợp với các sở ngành liên quan xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện các đề án đã được UBND Tp.HCM phê duyệt, gồm: đề án phát triển thương mại điện tử, ngành logistic và phát triển xuất khẩu trên địa bàn Tp.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, còn có các hoạt động hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố. Cụ thể, các hỗ trợ sẽ tập trung vào chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn vay, về đất và thuế, đồng thời kịp thời gỡ khó về các chính sách cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai việc số hóa dữ liệu…