Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với thép tôn mạ Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp thép tôn mạ của Việt Nam đối mặt với mức thuế chống bán phá giá dao động từ 39,84% đến 88,12%. Mức thuế này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng duy trì thị phần tại Hoa Kỳ – một trong những thị trường xuất khẩu lớn của ngành thép Việt Nam trong nhiều năm qua...

Ngày 4/4/2025, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép tôn mạ nhập khẩu từ một số quốc gia, bao gồm Việt Nam. Theo đó, nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam đối mặt với mức thuế chống bán phá giá dao động từ 39,84% đến 88,12%...
MỨC THUẾ "CHẶN LỐI" CÁC TÊN TUỔI LỚN
Trong số các doanh nghiệp bị áp thuế, Hoa Sen Group – một trong những đơn vị có kim ngạch xuất khẩu thép hàng đầu – bị áp mức thuế 59%. Tôn Đông Á chịu thuế 39,84%, trong khi nhiều doanh nghiệp khác như China Steel & Nippon Steel Việt Nam, Tôn Hòa Phát, Thép Nam Kim (NKG) bị áp đồng mức thuế 49,42%. Đáng chú ý, nhóm các doanh nghiệp không nằm trong danh sách điều tra cụ thể sẽ phải chịu mức thuế cao nhất – lên tới 88,12%.
Kết quả sơ bộ này là bước tiếp theo trong tiến trình điều tra được DOC khởi xướng từ tháng 9/2024, dựa trên đơn kiện từ các nhà sản xuất trong nước của Hoa Kỳ. Phán quyết cuối cùng từ DOC dự kiến sẽ được ban hành vào ngày 18/8/2025. Sau đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ đưa ra kết luận cuối cùng vào tháng 10/2025, nhằm xác định liệu việc nhập khẩu sản phẩm có gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Hoa Kỳ hay không.
Một điểm đáng lưu ý là mặc dù Hoa Sen Group đã chủ động thuê hơn 40 luật sư và chuyên gia pháp lý nhằm xây dựng hồ sơ giải trình chi tiết, nhưng kết quả cuối cùng vẫn không khác biệt đáng kể so với các doanh nghiệp không tham gia giải trình. Điều này đặt ra nhiều dấu hỏi về tính minh bạch, hiệu quả và tiêu chí áp thuế trong quá trình điều tra từ phía Hoa Kỳ.

Bên cạnh cuộc điều tra chống bán phá giá, các doanh nghiệp thép Việt Nam còn đang đồng thời đối mặt với một cuộc điều tra chống trợ cấp cũng do DOC tiến hành. Nếu kết quả điều tra cho thấy có hành vi trợ cấp không phù hợp, mức thuế đối kháng sẽ được áp dụng bổ sung – làm tăng thêm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Dữ liệu của DOC cho thấy, xuất khẩu thép mạ từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 626 triệu USD năm 2021, tăng lên 751 triệu USD năm 2022 nhưng đã giảm mạnh xuống còn 241 triệu USD trong năm 2023. Sự sụt giảm này phần nào phản ánh tác động của các rào cản thương mại đang ngày càng siết chặt.
THÍCH ỨNG VỚI CÁC TIÊU CHUẨN TOÀN CẦU VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Theo nhận định từ một số chuyên gia thương mại quốc tế, với mức thuế hiện tại, thị trường Hoa Kỳ gần như không còn là điểm đến khả thi đối với sản phẩm thép tôn mạ của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, dư luận đang đặt nhiều kỳ vọng vào các cuộc trao đổi sắp tới giữa Bộ Tài chính Việt Nam và phía Hoa Kỳ, với hy vọng có thể mở ra một cơ hội thương lượng hoặc điều chỉnh chính sách thuế.
Tuy nhiên, ngay cả khi kỳ vọng đó trở thành hiện thực, thách thức vẫn chưa dừng lại. Việc chuyển hướng sang các thị trường thay thế cũng không hề dễ dàng. Châu Âu, thị trường xuất khẩu thép lớn thứ hai của Việt Nam, hiện đang áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn môi trường đối với sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là thép.
Với ngành thép Việt Nam, “xanh hóa” không chỉ là một yêu cầu về chiến lược phát triển bền vững, mà còn là điều kiện tiên quyết để duy trì khả năng cạnh tranh tại các thị trường quốc tế. Song, đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, cải tiến dây chuyền sản xuất và minh bạch hóa dữ liệu phát thải là quá trình tốn kém, đòi hỏi nguồn lực lớn và tầm nhìn dài hạn – điều không dễ thực hiện trong ngắn hạn.
Trước mắt, các doanh nghiệp thép Việt Nam cần nhanh chóng rà soát lại chiến lược xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, đồng thời chuẩn bị phương án ứng phó nếu Hoa Kỳ chính thức áp dụng các mức thuế cao sau kết luận cuối cùng.
Về dài hạn, câu chuyện năng lực cạnh tranh sẽ không còn chỉ phụ thuộc vào giá thành hay sản lượng, mà là sự thích ứng với các tiêu chuẩn toàn cầu về môi trường và phát triển bền vững. Thép xanh, hay những sản phẩm có dấu chân carbon thấp, sẽ là tương lai tất yếu.
Trong bối cảnh ấy, “cú sốc” từ thị trường Hoa Kỳ có thể là lời cảnh tỉnh cần thiết, thúc đẩy ngành thép Việt Nam tái cấu trúc để bước vào một chu kỳ phát triển mới – bền vững hơn, bản lĩnh hơn và hội nhập sâu hơn.