15:50 05/05/2023

Học phí đại học: Vì sao trường tư công khai, trường công dè dặt?

Đỗ Như

Trong khi thông tin học phí của các trường tư được đăng tải công khai trên các website của trường thì ở phía trường công, thí sinh và phụ huynh phải mỏi mắt tra cứu trong đề án tuyển sinh…Có những trường thông tin này lại ghi khá chung chung…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tính đến nay, nhiều trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2023. Học phí là một trong những thông tin mà thí sinh và phụ huynh quan tâm nhất thời điểm này.

TRƯỜNG TƯ CÔNG KHAI HỌC PHÍ ĐẮT ĐỎ

Năm học 2023, Trường Đại học Fulbright Việt Nam áp dụng mức học phí hơn 467 triệu đồng/năm, tức khoảng gần 2 tỷ đồng/4 năm học.

Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng vừa có thông báo học phí năm học 2023. Theo đó, mức học phí cao nhất của trường này là ngành răng hàm mặt và ngành y đa khoa (bằng tiếng Anh), với 220 triệu đồng/năm/3 học kỳ.

Các ngành răng hàm mặt và y đa khoa (đào tạo bằng tiếng Việt) có mức 180 triệu đồng/năm/3 học kỳ. Các ngành còn lại mức học phí dao động từ 55 triệu đồng – 100 triệu đồng/năm/3 học kỳ.

Học phí của Trường Đại học Hồng Bàng được tính theo số tín chỉ sinh viên đăng ký học trong mỗi học kỳ và sẽ được điều chỉnh theo từng học kỳ trong suốt toàn khóa của sinh viên.

Trường Đại học RMIT Việt Nam cũng có mức học phí trung bình hơn 300-350 triệu đồng/năm.

Tùy ngành học, thời gian đào tạo 3 hay 4 năm, học phí toàn khóa dao động từ trên 955 triệu đồng đến gần 1,3 tỷ đồng.

Hiện tại, trường này có 7 ngành/chuyên ngành học gồm: Kinh doanh, Truyền thông, Thiết kế, Kỹ thuật, Khoa học, Công nghệ, Quản trị khách sạn. Trường cũng tiếp tục thực hiện chương trình “phát triển nguồn nhân lực” trong năm 2023 với 3 ngành cử nhân kỹ sư gồm (Kỹ thuật Điện tử và Hệ thống Máy tính; Kỹ thuật Robot và Cơ điện tử; Kỹ thuật Phần mềm), sinh viên sẽ được ưu đãi 10% học phí. Tương tự, cử nhân ngành Công nghệ Thực phẩm và Dinh dưỡng cũng được được ưu đãi 10% học phí.

Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam đưa ra mức học phí và các chi phí khác, tổng cộng gần 270 triệu đồng/năm.

Với các chương trình chuẩn, mức chi phí có thể thấp hơn. Đối với chương trình cấp bằng kép hoặc đại học nước ngoài cấp bằng, học phí cao hơn mức trên đây. Mức học phí này được nhà trường áp dụng từ 1/1/2023.

TRƯỜNG CÔNG DÈ DẶT

Hiện nay, trên website của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thí sinh chưa tìm thấy thông tin về học phí được nhà trường áp dụng cho khóa tuyển sinh năm học 2023 - 2024. Tương tự Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng chỉ mới thông tin đề án tuyển sinh ĐH 2023 dự kiến, chưa có thông tin về học phí.

Các trường đại học đào tạo nhóm ngành sức khỏe cũng chưa công bố Đề án tuyển sinh, học phí dự kiến cho khóa mới 2023 như Trường ĐH Y dược Thái Bình, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y dược Hải Phòng…

Còn với những trường đã công bố đề án tuyển sinh thì phần nội dung liên quan học phí cũng chỉ được ghi chung chung. Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội ở mục học phí dự kiến chỉ nêu: “thực hiện theo Nghị định 81/2021 ngày 27/8/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”.

Trao đổi với VnEconomy, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã chỉ ra một số nguyên nhân để giải thích nghịch lý về việc minh bạch học phí giữa trường công và trường tư. Theo TS Lê Viết Khuyến, về quy định, trường tư được quyền định đoạt học phí và điểm này khác với trường công là nhận ngân sách nhà nước, phải chấp nhận mức trần học phí.

“Trường công muốn học phí cao nhưng lại bị kiểm soát trần học phí nên dễ nảy sinh sự mập mờ. Còn trường tư sòng phẳng hơn”, TS Khuyến nói thêm.

Ngoài ra, nguyên nhân khác là trường tư do tư nhân toàn quyền quyết định, họ phải kiểm soát dòng tiền – nguồn tài chính, nên học phí phải minh bạch. Mặt khác, trường tư chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan tài chính nhà nước nên phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt vì nếu xảy ra vi phạm, nhà trường có thể bị giải thể. Còn trường công thì việc giám sát không ngặt nghẽo như trường tư.

“Bên cạnh đó, việc xử lý chi tiêu ở trường tư chặt chẽ hơn rất nhiều, ví dụ như ở trường tư không có khoản chi tiêu nội bộ. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa hệ thống trường công và trường tư ở Việt Nam”, TS Khuyến cho biết.

Hiện nay, Nghị định 81/2021/NĐ-CP điều chỉnh về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Nghị định 81 quy định mức trần học phí đại học và các khối ngành cụ thể. Tuy nhiên, học phí của các trường có thể chênh nhau, hoặc trong cùng một trường, cùng một khối ngành, mức học phí cũng có thể chênh lệch do chương trình đã được kiểm định hay chưa…