09:45 28/08/2008

“Học phí tăng, hỗ trợ cho vay cũng tăng”

Lý Hà

Nội dung cuộc trò chuyện với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân

"Cho đến trước năm 2004, sự quan tâm về đánh giá chất lượng giáo dục chưa được đúng mức".
"Cho đến trước năm 2004, sự quan tâm về đánh giá chất lượng giáo dục chưa được đúng mức".
Nội dung cuộc trò chuyện với Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân về những kế hoạch cho năm học mới này.

“3 công khai” và “4 kiểm tra”

Thưa Phó thủ tướng, “3 công khai” và “4 kiểm tra” cho năm học mới này sẽ được hiểu như thế nào trong các cơ sở giáo dục cả công lập lẫn ngoài công lập?

Từ năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo thực hiện 3 công khai trong các cơ sở giáo dục cả công lập lẫn ngoài công lập để người học và xã hội giám sát, đánh giá.

Đó là, công khai chất lượng đào tạo cam kết với người học, người học ở các trường phổ thông, đặc biệt là khu vực ngoài công lập phải biết được hưởng mức độ đào tạo như thế nào, chất lượng giảng dạy ra sao. Thứ hai là công khai nguồn lực: danh sách giảng viên, trình độ, thiết bị giảng dạy.

Thứ ba là công khai chi tiêu, các nguồn thu - chi. Đối với các trường ngoài công lập có thu chi thì phải công bố thu chi. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn để các sở triển khai chi tiết ở các trường.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thực hiện tinh thần 4 kiểm tra.

Thứ nhất, kiểm tra các tỉnh về vấn đề ngân sách địa phương chi cho giáo dục có đủ - đúng hay không. Thứ hai là sử dụng nguồn học phí, đóng góp, tiền học phí thu được thì sử dụng như thế nào.

Với các khoản đóng góp khác, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về nguyên tắc để các trường được nhận tài trợ tự nguyện như thế nào. Nếu tiền tài trợ thuộc nhà trường thì phải chi như thế nào, sẽ có kiểm tra. Thứ ba, kiểm tra tiến độ kiên cố hóa trường lớp. Cuối cùng là xây nhà công vụ cho giáo viên.

Nhưng thưa Phó thủ tướng, vấn đề giám sát đến chất lượng giáo dục đối với các cơ sở giáo dục đã được đặt ra tại hội nghị về xã hội hóa giáo dục tổ chức vào cuối năm 2007. Cho đến thời điểm này đã được triển khai đến đâu. Bộ có giám sát tình trạng các trường tự dán “mác” chất lượng cao và thu học phí rất cao?

Cho đến trước năm 2004, sự quan tâm về đánh giá chất lượng giáo dục chưa được đúng mức. 29 năm sau giải phóng, chúng ta mới thành lập Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng. Trong 4 năm vừa qua, đã triển khai các phòng khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp cơ sở, hiện 2/3 số sở giáo dục và đào tạo đã có phòng chuyên môn này.

Mục tiêu là trong năm học 2008 - 2009, tất cả các sở đều có phòng kiểm định chất lượng giáo dục và như vậy, giáo dục phổ thông đã có cơ quan phụ trách về chất lượng. Nhưng đối với bậc phổ thông, cơ quan quản lý Nhà nước không thể kiểm tra, đánh giá hết được mà cần có những cơ quan chuyên trách độc lập với sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài. Việc đánh giá, kiểm định chất lượng các trường phải có quá trình chứ không thể nóng vội.

Hiện nay, chuyển biến rõ nhất mới ở khu vực đại học. Cách đây 3 năm có khoảng 60 trường đã tham gia đánh giá, đến 15/9 sẽ có 160 trường đại học sẽ tiếp tục tham gia. Phấn đấu năm học 2008 - 2009, có 90% số trường đại học, cao đẳng hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đến năm 2010 có ít nhất 80% số trường đại học, 50% số trường cao đẳng được đánh giá bởi các tổ chức kiểm định giáo dục.

Sẽ trình Bộ Chính trị đề án học phí mới

Dự thảo học phí và đổi mới cơ chế tài chính đã được soạn thảo khá lâu. Đây là vấn đề mà toàn xã hội rất quan tâm. Vậy năm học 2008 - 2009 có áp dụng mức học phí mới không, thưa Phó Thủ tướng?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ đề án học phí mới, Chính phủ cũng đã nghe báo cáo hai lần. Thời gian tới, chúng tôi sẽ trình Bộ Chính trị, sau khi được thông qua sẽ ban hành. Có khả năng học phí mới sẽ áp dụng từ học kỳ 2 hoặc cuối năm học, tinh thần là học phí mới không gây khó khăn cho người học.

Ở bậc phổ thông, việc áp dụng mức học phí mới sẽ làm cho việc đóng học phí trở nên dễ dàng hơn. Học sinh nghèo, học sinh khó khăn sẽ được miễn, giảm học phí, học sinh khó khăn hơn nữa sẽ được bù thêm tiền đi học.

Đối với học phí đại học, cao đẳng, dạy nghề, tinh thần là sẽ tăng, người học sẽ đóng học phí nhiều hơn để trường có điều kiện cung cấp dịch vụ giáo dục chất lượng tốt hơn. Học phí này có thể từ hai nguồn, hoặc là tiền của gia đình hoặc là tiền vay để học trong đó có quỹ tín dụng sinh viên mà trong năm qua đã có 754.000 sinh viên được vay vốn.

Dự kiến năm học này, số sinh viên được vay sẽ là 900.000 đồng. Tuy nhiên, khi tăng học phí thì mức hỗ trợ cho vay cũng tăng tương ứng.

Với việc đổi mới cơ chế tài chính quy định về học phí mới, các sinh viên sư phạm có tiếp tục được miễn học phí không, thưa Phó thủ tướng?

Trước đây, sinh viên sư phạm được miễn học phí. Phương thức thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm hiện nay sẽ thay đổi bằng cách thực hiện chính sách tín dụng sinh viên.

Sinh viên sư phạm sẽ nhận được những ưu đãi. Họ sẽ không còn được miễn học phí nhưng được vay tiền để đi học.

Ví dụ: nếu sinh viên đại học, cao đẳng tốt nghiệp ra trường đi dạy được 5 năm và sinh viên hệ trung cấp chuyên nghiệp đi dạy là 3 năm, sẽ được Nhà nước xóa nợ cả gốc và lãi phần chi trả cho học phí. Chúng ta ưu đãi cho những sinh viên ra trường đi dạy thật chứ không phải là tất cả.