11:17 20/05/2010

IMF cảnh báo Nhật Bản về nợ công

Dương Lâm

Theo IMF, Nhật Bản cần nỗ lực giảm nợ công và việc này nên bắt đầu thực hiện từ tháng 4/2011

Nhật Bản hiện là nước nặng nợ nhất trong khu vực các quốc gia công nghiệp - Ảnh: Getty.
Nhật Bản hiện là nước nặng nợ nhất trong khu vực các quốc gia công nghiệp - Ảnh: Getty.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 19/5 cảnh báo, Nhật Bản cần phải nỗ lực giảm bớt khoản nợ công khổng lồ. Theo một chuyên gia IMF, việc này nên thực hiện từ tháng 4/2011, thời điểm bắt đầu năm tài khóa 2011.

Tính đến cuối năm tài khóa 2009 (kết thúc ngày 31/3/2010), nợ công của Nhật Bản ở mức cao kỷ lục, 882.920 tỷ Yên, tăng 36.430 tỷ Yên so với năm tài khóa trước. Với mức cao như vậy, hiện Nhật Bản là nước “nặng gánh” nhất trong khu vực các nước công nghiệp phát triển.

Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản, ông Fujio Mitarai, cho biết tỷ lệ nợ công trên GDP của nước này hiện là 190%. Dự tính, trong năm tới, tỷ lệ này sẽ lên tới 200%.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính Nhật Bản, dựa trên thống kê dân số hôm 1/4/2010, hiện mức nợ bình quân đầu người của nước này đang đứng ở 6,93 triệu Yên.

Nguyên nhân khiến nợ chính phủ tăng, là do Nhật Bản liên tục tăng khối lượng phát hành trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách, trong khi nguồn thu từ thuế giảm mạnh do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bộ Tài chính Nhật Bản dự báo, nợ chính phủ có thể lên tới 973.000 tỷ Yên vào cuối tài năm tài khóa hiện tại. Riêng trong tài khóa này, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ phát hành khoảng 44.300 tỷ yen trái phiếu chính phủ.

"Sự cần thiết phải điều chỉnh tài chính sớm đã trở nên cấp thiết ở Nhật Bản”, Cố vấn cao cấp của IMF, James Gordon, phát biểu sau cuộc hội đàm với các quan chức Nhật Bản. Theo ông, các biện pháp nên bao gồm việc tăng dần thuế tiêu dùng từ mức 5% hiện nay.

"Tôi nghĩ rằng, những điều chỉnh tài chính này nên bắt đầu thực hiện từ năm tài khóa 2011”, vị cố vấn này cho hay.

Hôm 11/5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Naoto Kan cũng cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu giảm khối lượng phát hành trái phiếu trong năm tài khóa tới. Nhật Bản sẽ đẩy nhanh các nỗ lực xây dựng kỷ luật tài chính và "không phát hành quá khối lượng 44.300 tỷ yen trái phiếu".

Trước đó, trong báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu công bố ngày 20/4, IMF đã cảnh báo, mặc dù những nguy cơ đối với sự ổn định tài chính toàn cầu đã giảm bớt do tác động từ quá trình hồi phục kinh tế, nhưng lo lắng về rủi ro nợ ở các nước phát triển có thể hủy hoại những cải thiện về ổn định và kéo dài giai đoạn sụp đổ tài chính.

Báo cáo này đề xuất với 4 biện pháp chính sách bao gồm: Xử lý thận trọng thâm hụt ngân sách nhằm tránh đẩy cuộc khủng hoảng sang giai đoạn mới; Thực hiện tốt chiến lược thoát khủng hoảng, đảm bảo tạo ra một hệ thống tài chính lành mạnh và có quy mô thích hợp để có thể cung cấp nguồn tín dụng cho khu vực tư nhân; Triển khai các công cụ tài chính để xử lý hiểm họa từ các nguồn vốn đầu tư mạnh; Thúc đẩy cải tổ quy chế, cải thiện thị trường vốn, tăng cường xử lý rủi ro, giảm chi phí cứu trợ các thể chế tài chính.

Cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và sự mong manh của các nền kinh tế thành viên khu vực sử dụng đồng Euro đã khiến các nhà hoạch định chính sách ở châu lục này đau đầu. Mặc dù, gói cứu trợ dài hạn 110 tỷ euro dành cho Hy Lạp, đã được Liên minh châu Âu và IMF thông qua, nhưng các thị trường tài chính vẫn liên tục chao đảo.

Ngoài nguy cơ nợ công của Hy Lạp, một số nền kinh tế khác ở lục địa già cũng đang trở nên rệu rã. Tăng trưởng kinh tế của Bồ Đào Nha được dự báo ở mức 0,6% trong 2010 và 1,1% trong năm kế tiếp. Nợ công đứng ở mức 76,6% GDP trong năm 2009 và có thể vượt rào, lên 86% trong năm nay.

Tây Ban Nha cũng đang đứng trước những khó khăn không dễ tháo gỡ do nền kinh tế mất đi sức cạnh tranh và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Thâm hụt ngân sách của nước này lên tới 11,2% trong năm 2009 và có thể vẫn cao gấp ba mức trần của EU trong năm 2010.

Tình hình tại bốn nền kinh tế Anh, Pháp, Italy và Đức cũng không mấy khả quan. Nợ công của Italy vào khoảng 115% GDP, trong khi thâm hụt ngân sách của Anh gần chạm 12% GDP. Pháp đã phải tạm ngừng mọi chi tiêu cho khu vực công trong vài năm tới, trong khi Đức đang cố gắng cân bằng thâm hụt ngân sách.