IMF nâng triển vọng kinh tế toàn cầu, bớt bi quan về Trung Quốc
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 30/1 nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay, trên cơ sở cho rằng nền kinh tế Mỹ “khoẻ” hơn kỳ vọng và Trung Quốc tiếp tục triển khai các biện pháp kích cầu...
Báo cáo mang tên Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) mới nhất từ định chế có trụ sở ở Washington DC nhận định nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 3,1% trong năm nay, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10, và tăng 3,2% trong năm 2025. Theo ước tính của IMF, kinh tế thế giới tăng trưởng 3,1% trong năm 2023.
IMF nhấn mạnh không chỉ kinh tế Mỹ vững vàng hơn dự báo mà các nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil, Ấn Độ và Nga cũng đạt kết quả tăng trưởng năm 2023 tốt hơn so với dự báo. Nhờ vậy, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 được cải thiện.
Các chuyên gia kinh tế của IMF tin rằng khả năng nền kinh tế toàn cầu hạ cánh cứng - tăng trưởng sụt giảm mạnh sau một thời gian đạt mức cao - đã giảm xuống rõ rệt, dù thế giới đang đối mặt với một số rủi ro mới như khả năng giá hàng hoá tăng vọt và những vấn đề về chuỗi cung ứng liên quan đến biến động địa chính trị ở khu vực Trung Đông.
IMF dự báo mức tăng trưởng 2,1% trong năm 2024 đối với kinh tế Mỹ; 0,9% đối với cả khu vực eurozone và Nhật Bản; và 0,6% đối với nền kinh tế Anh.
“Những gì chúng ta đã chứng kiến trong nửa sau của năm 2023 là một nền kinh tế toàn cầu rất vững vàng, và điều này được duy trì khi bước sang năm 2024”, nhà kinh tế trưởng của IMF - ông Pierre-Olivier Gourinchas nhận định trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
“Đó là nhờ sự kết hợp của nhu cầu mạnh tại một số quốc gia, tiêu dùng tư nhân và chi tiêu chính phủ. Nhưng một yếu tố cũng khá quan trọng trong bối cảnh hiện nay là yếu tố nguồn cung. Thị trường lao động đang rất mạnh, các nút thắt chuỗi cung ứng đã được nới, và giá năng lượng và hàng hoá cơ bản giảm xuống”, ông Gourinchas nói về những động lực cho sự cải thiện triển vọng kinh tế thế giới.
Số liệu chính thức từ Mỹ mới đây cho thấy nền kinh tế nước này đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 3,3% trong quý 4/2023, vượt xa mức dự báo tăng 2% mà giới phân tích đưa ra.
Về phần mình, kinh tế Trung Quốc đối mặt với hàng loạt thách thức trong năm 2023, bao gồm tiêu dùng yếu sau đại dịch, áp lực giảm phát, và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp kích cầu, dù không lớn như mong đợi của giới đầu tư nhưng cũng đủ để khiến IMF lạc quan hơn.
IMF dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,6% trong năm nay, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10, và tăng 4,1% trong năm 2025. Đây là một sự giảm tốc so với mức tăng 5,2% mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ghi nhận trong năm ngoái.
Tuy triển vọng cải thiện, mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay theo dự báo của IMF vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng bình quân 3,8% mỗi năm mà thế giới đạt được trong thời gian từ 2000-2019. Lãi suất cao hơn, việc các chính phủ rút lại các chương trình kích cầu thời đại dịch và tăng trưởng năng suất thấp tiếp tục là những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế thế giới - báo cáo của IMF nhận định.
Dù vậy, chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến lạm phát giảm nhanh hơn dự báo ở phần lớn các khu vực trên thế giới - điều được ông Gourinchas gọi là “một tin tốt khác” trong báo cáo vừa công bố. IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ ở mức 5,8% trong năm nay và giảm còn 4,4% trong năm 2025. Tại các nền kinh tế phát triển, lạm phát được các chuyên gia của IMF dự báo giảm còn 2,6% trong năm 2024 và 2% trong năm 2025.
“Cuộc chiến chống lạm phát đang giành được thắng lợi và khả năng nền kinh tế hạ cánh mềm đã tăng lên. Điều này mở đường cho các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, một khi chúng ta biết chắc chắn câu chuyện đang đi theo hướng đó”, ông Gourinchas nói.
“Dự báo bây giờ là các ngân hàng trung ương sẽ đợi để có thêm một số dữ liệu nữa, họ sẽ hành động theo từng cuộc họp một, họ sẽ dựa vào các dự liệu kinh tế, để xác nhận xu hướng đó. Đó sẽ là kịch bản chính. Và rồi nếu đúng là như vậy, lãi suất sẽ bắt đầu được cắt giảm từ nửa sau của năm nay”, nhà kinh tế trưởng của IMF nhận định.
Ông nói thêm rằng các ngân hàng trương ương không nên nới lỏng quá sớm, nhưng cũng đối mặt rủi ro giữ chính sách thắt chặt quá lâu - điều có thể khiến tăng trưởng suy giảm và lạm phát tụt dưới 2% tại các nền kinh tế phát triển.