11:12 29/06/2010

IMF tin Hy Lạp sẽ chế phục được nợ công

Huy Anh

Hy Lạp sẽ chế phục được cuộc khủng hoảng nợ công bằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng của nước này

Hy Lạp đang đương đầu với khoản nợ khổng lồ.
Hy Lạp đang đương đầu với khoản nợ khổng lồ.
Hy Lạp sẽ chế phục được cuộc khủng hoảng nợ công bằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, một quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho hay.

Ông Poul Thomsen, Trưởng phái đoàn chuyên gia của IMF làm việc với Hy Lạp, nói với báo To Vima rằng, Athens đang đạt được những tiến bộ trong chương trình cắt giảm chi tiêu “đầy tham vọng” của nước này.

Kế hoạch cắt giảm chi tiêu của Hy Lạp là nguyên nhân gây ra những xáo động về mặt xã hội và các cuộc biểu tình phản đối trong thời gian vừa qua ở quốc gia châu Âu này.

"Việc điều chỉnh như vậy là không hề dễ dàng và thường gây ra những sự bất mãn”, ông Thomsen nói. "Có thể hiểu được việc dân chúng thấy mọi việc trở nên tệ hơn trước khi chúng hồi phục trở lại”.

Tuy nhiên, theo ông, “những nỗ lực này bắt đầu trở nên mạnh mẽ hơn và tôi tin chắc rằng, Hy Lạp sẽ thành công”. Ông cũng hoan nghênh quyết định của Hy Lạp không tái cấu trúc nợ do việc này “sẽ tiêu tốn một khoản chi phí khổng lồ”.

Sau hàng thập niên chi tiêu không dè chừng, Hy Lạp hiện đang phải đương đầu với nguy cơ vỡ nợ, khi nợ công của quốc gia này lên tới gần 300 tỷ Euro (371 tỷ USD).

Trong một diễn biến có liên quan, Hy Lạp đang chuẩn bị phát hành khoảng 4 tỷ Euro trái phiếu. Chính phủ Hy Lạp khẳng định, niềm tin của thị trường đối với nước này sẽ được cải thiện trước khi diễn ra các đợt bán trái phiếu vào ngày 13 và 20/7 tới.

Đây sẽ là nỗ lực vay mượn đầu tiên của Athens, kể từ hồi tháng 5, sau khi quốc gia này nhận được gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và IMF. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cảnh báo rằng, hành động trên của Hy Lạp chẳng khác nào một canh bạc.

Theo một quan chức ngân hàng khu vực đồng tiền chung châu Âu, nếu việc số trái phiếu này ế ẩm, thì sẽ tác động mạnh tới Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, khiến các nước này không còn cơ hội tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ trên thị trường vốn quốc tế, cũng như khó tiếp cận các khoản vay hỗ trợ khẩn cấp.