Indonesia tiêm chủng ngừa Covid-19 toàn dân từ 13/1, bắt đầu từ tổng thống
Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người trên tổng số 270 triệu dân để đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng vào tháng 3/2022
Theo tin từ Bloomberg, Tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ là người đầu tiên được tiêm vaccine ngừa Covid-19 vào ngày 13/1 tới, chính thức khởi động chương trình tiêm chủng tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á.
Theo người đứng đầu ban thư ký của tổng thống, ngoài ông Tổng thống Widodo, các quan chức chính phủ và quân đội cũng sẽ được tiêm vaccine và phát trực tiếp trên truyền hình. Đây là một cách để xây dựng lòng tin ở công chúng vào các loại vaccine chống lại đại dịch toàn cầu.
Indonesia đã đặt mua hơn 229 triệu liều vaccine Covid-19 từ các hãng dược trên khắp thế giới và đã nhận được 3 triệu liều từ hãng dược sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc. Nước này cũng đang đàm phán để mua thêm 50 triệu liều của AstraZeneca và Pfizer.
Trước khi vaccine của Sinovac được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) phê duyệt để dùng trong trường hợp khẩn cấp, hãng dược quốc doanh Bio Farma của Indonesia đã phân phối 700.000 trong số 3 triệu liều vaccine của Sinovac tới 34 tỉnh trên toàn quốc. Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu dân vào tháng 3/2022, trong đó bắt đầu từ 1,3 triệu nhân viên y tế trước. Ông Jokowi đã kêu gọi nội các của mình rút ngắn thời hạn này hơn nữa.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Trung tâm nghiên cứu sinh học của Brazil cho biết vaccine của Sinovac cho hiệu quả phòng ngừa Covid-19 trên 50%. Trong khi đó, cơ quan y tế của Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các cuộc thử nghiệm tại nước này cho thấy hiệu quả của vaccine là 91,25%.
Indonesia đang gấp rút triển khai chương trình tiêm chủng sớm nhất có thể khi nước này hiện là ổ dịch Covid-19 lớn nhất tại Đông Nam Á với hơn 770.000 ca nhiễm được xác nhận và gần 23.000 ca tử vong.
Chia sẻ với truyền thông, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này cần tiêm chủng cho khoảng 181 triệu người trên tổng dân số 270 triệu người để đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất tới hơn 3 năm. Indonesia là một quần đảo rộng lớn với hơn 17.000 hòn đảo, vì vậy, chương trình tiêm chủng này trở thành "cơn ác mộng" đối với công tác hậu cần.
Năm ngoái, Tổng thống Joko Widodo cam kết rằng người dân Indonesia sẽ được tiêm phòng Covid-19 miễn phí và ông sẽ là người đầu tiên tiêm để người dân tin tưởng vào sự an toàn của vaccine.
Trong khi các quốc gia đã bắt đầu chương trình tiêm chủng toàn dân như Mỹ và Anh bắt đầu tiêm vaccine cho người cao tuổi trước vì đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước dịch bệnh nhất, thì Indonesia lại ưu tiên nhóm người trong độ tuổi lao động. Người dân Indonesia trong độ tuổi từ 18 đến 59 sẽ được tiêm vaccine ngay sau nhóm nhân viên y tế và dịch vụ công.
Chính phủ nước này cho rằng việc tiêm phòng cho nhóm người có xu hướng giao tiếp xã hội nhiều hơn này sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh hiệu quả hơn. Jakarta cũng kỳ vọng nhóm người trong độ tuổi này có thể trở lại làm việc và duy trì lối sinh hoạt như trước đây để từ đó thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng nội địa.
Trong quý 3/2020, Indonesia rơi vào suy thoái kinh tế lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỷ do tác động của dịch bệnh. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2021 xuống còn 4,5%, từ mức dự báo 5,3% trước đó.