Iran tuyên bố hợp tác với OPEC để cứu giá dầu
Trong các lần họp trước của OPEC, việc Iran từ chối không tham gia đàm phán là cản trở rất lớn đối với những thỏa thuận không tăng sản lượng
Iran thông báo với các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) rằng nước này sẽ tham dự cuộc họp bàn về sản lượng dầu vào tháng 9/2016, theo những cập nhật từ Wall Street Journal.
Cụ thể, trong ngày hôm qua, Iran đã gửi thư đến đại diện các nước thành viên OPEC để thông báo về việc sẽ đến buổi họp về sản lượng dầu vào tháng sau tại Algeria.
Theo lịch họp thường niên, phải đến tháng 11 OPEC mới có cuộc họp chính thức về vấn đề này, tuy nhiên do yêu cầu từ các nước thành viên nên OPEC sẽ có cuộc họp riêng bên lề Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) tại Algeria. OPEC hiện bao gồm 14 nước và nắm khoảng 30% tổng sản lượng dầu thế giới.
Trong các lần họp trước của OPEC, việc Iran từ chối không tham gia đàm phán là cản trở rất lớn đối với tất cả các thỏa thuận không tăng sản lượng. Chính phủ các nước thành viên OPEC rất muốn điều chỉnh sản lượng để cứu giá dầu trong bối cảnh giá dầu giảm quá sâu so với mức trên 100 USD/thùng vào năm 2014.
Tại buổi họp vào tháng 4 năm nay tại Doha, Qatar, do Iran cương quyết không chịu hợp tác nên cuối cùng Saudi Arabia đã phá vỡ thỏa thuận đạt được trước đó với Nga và một số nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới bao gồm Qatar và Venezuela.
Từ khi được bỏ lệnh cấm vận và sau đó là bỏ mức trần khối lượng xuất khẩu dầu vào tháng 1/2016, Iran đã không ngừng tăng sản lượng dầu với mục tiêu giành lại thị phần tương đương như trước khi bị cấm vận.
Thông tin tích cực từ phía Iran lập tức đã tác động tích cực đến thị trường dầu trong phiên ngày hôm qua. Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2016 tăng 68 cent tương đương 1,4% lên 48,09 USD/thùng.
Trên thị trường London, giá dầu Brent cùng kỳ hạn tăng 1,6% lên 49,93 USD/thùng.
Trên thị trường London, giá dầu Brent cùng kỳ hạn tăng 1,6% lên 49,93 USD/thùng.
Từ khi giá dầu bắt đầu giảm sâu cách đây 2 năm, các nước OPEC, đặc biệt là Saudi Arabia, đã không chấp nhận giảm sản lượng để cứu giá như thường lệ. Thay vào đó, họ không ngừng tăng sản lượng để giữ thị phần.
Trên thực tế, chiến lược này không mang lại lợi ích giống nhau cho tất cả các nước thành viên. Thị phần dầu mỏ của Saudi Arabia tăng trong khi đó thị phần của Venezuela giảm. Kết quả một số cuộc đối thoại trù bị cho đến nay cho thấy nhiều nước thành viên OPEC ủng hộ việc không tăng sản lượng dầu.
Trên thực tế, chiến lược này không mang lại lợi ích giống nhau cho tất cả các nước thành viên. Thị phần dầu mỏ của Saudi Arabia tăng trong khi đó thị phần của Venezuela giảm. Kết quả một số cuộc đối thoại trù bị cho đến nay cho thấy nhiều nước thành viên OPEC ủng hộ việc không tăng sản lượng dầu.
Chính phủ của nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cho biết tình hình thu ngân sách của họ chỉ có thể ổn định nếu giá dầu ở ngưỡng khoảng 70 USD/thùng. Ngay cả Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cũng tuyên bố giá dầu 50 USD/thùng là quá thấp.