Joseph Stiglitz: “Đã đến lúc viết lại nền kinh tế Mỹ”
Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ Joseph Stiglitz tin giờ là thời điểm phù hợp để viết lại nền kinh tế Mỹ, lập luận rằng “chúng ta không nên để một cuộc khủng hoảng trôi qua lãng phí”...
Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC ngày 2/9, ông Stiglitz - 78 tuổi, cựu Phó chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), người đạt giải Nobel Kinh tế vào năm 2001 - nói rằng đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra những nhược điểm của hệ thống kinh tế hiện tại, bao gồm bất bình đẳng, khủng hoảng khí hậu, và sự thiếu vững chắc của nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, ông Stiglitz nói ông lạc quan rằng nhiều vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế Mỹ có thể được xử lý đồng thời vì có liên quan đến nhau.
“Bạn có thể bắn một mũi tên trúng hai đích”, ông nói.
Chẳng hạn, Mỹ nên đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng “xanh” để tạo công ăn việc làm và giảm tình trạng bất bình đẳng, vị giáo sư Đại học Columbia nhấn mạnh và nói thêm rằng nước Mỹ có sức mạnh về lao động và vốn.
“Nếu suy ngẫm, bạn sẽ thấy chúng ta có thể giải quyết cùng lúc 2-3 vấn đề như vậy”.
Ông cũng cho rằng sẽ là “lành mạnh” cho nền kinh tế Mỹ nếu thuế được tăng lên “một chút” để có nguồn ngân sách cho “vài thứ mà chúng ta cần vì lợi ích chung”.
Hồi tháng 7, 130 quốc gia trên thế giới đã ủng hộ thuế suất tối thiểu toàn cầu của thuế thu nhập doanh nghiệp là 15%. Ông Stiglitz nói động thái này đã chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế suất, trong đó có việc Mỹ đang cân nhắc mức thuế 25%.
Một nền kinh tế thành công không chỉ được định nghĩa bởi thuế suất mà còn bởi những yếu tố khác như hạ tầng, nghiên cứu và phát triển (R&D), ông nhấn mạnh.
Ông Stiglitz cũng cho rằng đang có một sự đồng thuận ngày càng lớn ở Mỹ về sự cần thiết phải thay đổi những đạo luật lỗi thời đã tồn tại suốt 125 năm và giải quyết vấn đề sức mạnh thị trường quá lớn trên khắp nước Mỹ. “Sự tập trung sức mạnh thị trường đã tăng lên rất nhiều trong 35 năm qua”, ông nói.
Theo ông Stiglitz, tăng cường giám sát và tăng thuế sẽ không khiến phương Tây giảm sức cạnh tranh trước các cường quốc mới nổi và Trung Quốc. “Tôi thực ra khá lạc quan rằng chương trình nghị sự mới hiện nay sẽ làm cho nước Mỹ mạnh lên”, ông nhắc đến các chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Cạnh tranh làm cho các nền kinh tế thị trường trở nên sáng tạo hơn, trong khi độc quyền làm giảm sáng tạo, ông Stiglitz nêu rõ. “Chúng ta đã chứng kiến những công ty khổng lồ khiến sự sáng tạo bị bóp nghẹt như thế nào”, ông phát biểu.