Kế hoạch xây đập 14 tỷ USD của Trung Quốc ở Pakistan bất ngờ bị hỏng
Lý do là Pakistan không thể chấp nhận những điều kiện mà Trung Quốc đưa ra
Pakistan vừa quyết định hủy bỏ một thỏa thuận về dự án cơ sở hạ tầng trị giá 14 tỷ USD với Trung Quốc, với lý do không thể chấp nhận những điều kiện mà Trung Quốc đưa ra.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), dự án đập có tên Diamer-Bhasha đã bị loại bỏ khỏi khuôn khổ của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) - một thành tố quan trọng trong sáng kiến "Vành đai và Con đường", hay còn gọi là "con đường tơ lụa" mới của Trung Quốc.
Tờ báo Express Tribune của Pakistan ngày 16/11 dẫn lời ông Muzammil Hussain, Chủ tịch Cơ quan phát triển nước và điện Pakistan, nói rằng kế hoạch Trung Quốc xây con đập 14 tỷ USD bị hủy do những điều kiện mà Bắc Kinh đưa ra để cấp vốn cho dự án là "không thể thực hiện được và đi ngược lại lợi ích của chúng tôi".
Những điều kiện này bao gồm Trung Quốc nắm quyền sở hữu, vận hành và bảo trì con đập, đồng thời hứa sẽ xây một con đập khác ở Pakistan.
Tuy nhiên, dự án vẫn sẽ được phía Pakistan triển khai. Nước này đã quyết định sẽ tự mình lo tài chính cho dự án. Theo dự kiến, khi đi vào hoạt động, con đập sẽ đạt công suất phát điện 4.500 MW.
Quyết định của Pakistan về hủy kế hoạch xây đập của Trung Quốc ở nước này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Nepal hủy một kế hoạch tương tự. Nepal chấm dứt kế hoạch mà trong đó một công ty quốc doanh Trung Quốc dự định xây một đập thủy điện trị giá 2,5 tỷ USD ở nước này. Đây cũng là một dự án trong khuôn khổ con đường tơ lụa mới.
Theo dự kiến, Trung Quốc và Pakistan sẽ mở một cuộc họp về CPEC vào ngày 21/11. Hai bên đã đặt ưu tiên phát triển khoảng 15 dự án nhiệt điện với tổng trị giá 2,2 tỷ USD.
Mặc dù một số quốc gia Nam Á như Pakistan và Nepal đang cần và hoan nghênh vốn đầu tư từ Trung Quốc giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, giới chuyên gia cảnh báo rằng những trở ngại mới nhất cho thấy Bắc Kinh nên thận trọng hơn khi đầu tư vào những dự án nhạy cảm như thủy điện ở các quốc gia khác.
Quyết định của Pakistan về hủy kế hoạch xây đập của Trung Quốc ở nước này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Nepal hủy một kế hoạch tương tự.
"Các dự án thủy điện đặc biệt phức tạp và nhạy cảm", ông Sun Shihai, một chuyên gia về quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Nam Á thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận xét. "Những yếu tố như ảnh hưởng môi trường, tái định cư, xung đột lợi ích của các khu vực thượng nguồn và hạ nguồn, đặc biệt đối với những dòng sông chảy xuyên quốc gia, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến một dự án thủy điện".
Ông Sun lấy ví dụ dự án đập thủy điện Myitsone mà một công ty Trung Quốc dự định xây dựng ở Myanmar. Dự án này cũng đã bị đình chỉ do những lo ngại về môi trường.
Trong trường hợp đập thủy điện Diamer-Bhasha, sự phản đối của Ấn Độ là một nguyên nhân khiến Pakistan khó huy động vốn từ các tổ chức quốc tế.
"Ấn Độ phản đối mạnh CPEC vì hành lang kinh tế này bao gồm những dự án ở khu vực tranh chấp Kashmir giữa nước này với Pakistan. Bởi vậy, càng có thêm nhiều yếu tố mà Trung Quốc cần cân nhắc", ông Sun nói.
Tuy nhiên, ông Zhao Gancheng, một chuyên gia về Nam Á thuộc Học viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, cho rằng hành lang CPEC với quy mô 46 tỷ USD đã có một số dự án lớn chuyển động. Theo ông Zhao, việc hỏng một vài dự án chưa phải là vấn đề quan trọng đối với con đường tơ lụa mới - sáng kiến nhằm xây dựng các mắt xích hạ tầng và thương mại kết nối các quốc gia từ châu Á, qua châu Âu, sang châu Phi.
"Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu những vấn đề tương tự xảy ra tại các dự án của Trung Quốc ở nước ngoài trong tương lai. Và điều này sẽ không làm thay đổi bức tranh lớn", ông Zhao nói. "Nhiều người đang hiểu lầm rằng con đường tơ lụa là điều gì đó mà Trung Quốc muốn thúc đẩy bằng mọi giá. Nhưng trên thực tế, các dự án trong sáng kiến này đều là dự án thương mại, nên cần phải hợp lý về mặt kinh tế và có sự nhất trí chung".