15:55 21/05/2025

Kem chống nắng SPF “ảo”: Tác hại của mỹ phẩm không đúng chuẩn

Hoài Phương

Trên bao bì kem chống nắng thường có ghi chỉ số SPF và PA. Chỉ số SPF 30-50-70 tương đương với khả năng bảo vệ da khỏi tia UVB từ 96 - 98%. Để an toàn cho da, nên lựa chọn kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên, loại phổ rộng...

Ảnh minh họa: Health
Ảnh minh họa: Health

Cháy nắng là tổn thương lớp ngoài cùng của da do tia cực tím: tia cực tím A (UVA) và tia cực tím B (..UVB). Tia UVB có thể dẫn đến đỏ da và cháy nắng, trong khi tia UVA có thể xâm nhập sâu hơn vào da và đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Cả hai loại tổn thương da đều làm tăng nguy cơ ung thư da.

Bôi kem chống nắng không chỉ giúp bảo vệ da khỏi tác động từ các yếu tố bên ngoài như cháy nắng, mà còn ngăn ngừa lão hóa và ung thư da. Để sử dụng kem chống nắng hiệu quả, người dùng cần lưu ý không phải tất cả thành phần có trong kem chống nắng đều có lợi. Do đó, cần đọc kỹ hướng dẫn, xem thành phần có trong kem chống nắng để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất cho làn da. Không sử dụng kem chống nắng tự chế, sản phẩm chất lượng kém, hàng giả... vì có thể gây dị ứng da.

CẦN KIỂM NGHIỆM KỸ CÀNG

Kem chống nắng có ký hiệu SPF tức chống tia UVB, ký hiệu PA+ có tác dụng chống tia UVA. Chỉ số SPF càng cao thì tỉ lệ bảo vệ da khỏi tia UVB cũng tăng lên.

Cụ thể, chỉ số SPF và tác dụng bảo vệ da dưới ánh nắng chống tia UVB như sau: SPF 2 bảo vệ da 50%, SPF 15 là 94%, SPF 30 là 97%, SPF 50 là 98% và SPF 100 là 99%. Tuy nhiên, sản phẩm có chỉ số SPF quá cao có nguy cơ gây kích ứng da, do đó người tiêu dùng thường chỉ nên chọn SPF 30 hoặc SPF 50.

Kem chống nắng SPF “ảo”: Tác hại của mỹ phẩm không đúng chuẩn - Ảnh 1

Hiện nay, nhiều loại kem chống nắng đang được quảng cáo nhiều trên các mạng xã hội với những “lời có cánh”: lớp "áo giáp" bảo vệ làn da tuyệt đối; kem chống nắng còn giúp làn da chống lại tia sáng xanh từ điện thoại, tivi, máy tính, kem vừa dưỡng ẩm vừa chống nắng...

Nhưng thực tế, trong một số loại kem chống nắng cũng chứa một số chất hóa học có liên quan đến nguy cơ bị ung thư da nếu quá lạm dụng như oxybenzone, hương liệu tổng hợp và retinyl panmitate (vitamin A). Oxybenzone là một chất gây ra sự rối loạn nội tiết, có liên quan đến suy giảm số lượng tinh trùng và lạc nội mạc tử cung.

BS.CKII Da liễu Nguyễn Phương Thảo, Phòng khám chuyên khoa Da liễu Pensilia, khuyến cáo bất cứ sản phẩm nào cũng cần dùng đúng cách, đúng thời điểm và đúng liều lượng. Bên cạnh đó, đừng coi thường tác hại của mỹ phẩm không đúng chuẩn.

“Tôi đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp lạm dụng mỹ phẩm, kem chống nắng hoặc sử dụng hàng giả, hàng nhái. Đến khi da bị tổn thương thì tiếp tục dùng BHA, AHA để điều trị, khiến cho da mỏng hơn... tạo điều kiện để nám sạm xuất hiện,” bác sĩ Thảo cho biết.

Mới đây, Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) đã công bố hai phương pháp thử nghiệm hệ số chống nắng (SPF) thay thế các phương pháp cũ đang hiện hành. Phương pháp đầu tiên là kiểm tra trong các ống thí nghiệm. Còn phương pháp thứ hai là phương pháp lai, cung cấp đánh giá quang học không xâm lấn về khả năng bảo vệ của kem chống nắng trên da người.

Việc kiểm nghiệm kem chống nắng là một bước quan trọng để đảm bảo chất lượng và hiệu quả của sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Chứng nhận kiểm nghiệm cho kem chống nắng đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả, bao gồm các chứng nhận từ cơ quan quản lý nhà nước, tiêu chuẩn quốc tế, tổ chức độc lập, chuyên ngành và liên quan đến thành phần, giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và nâng cao uy tín thương hiệu.

Kem chống nắng SPF “ảo”: Tác hại của mỹ phẩm không đúng chuẩn - Ảnh 2

Theo đó các chỉ tiêu kiểm nghiệm bao gồm: Chỉ số chống nắng SPF (Sun Protection Factor): Đánh giá khả năng bảo vệ da khỏi tia UVB. SPF càng cao thì khả năng chống nắng càng tốt; Chỉ số PA: Đánh giá khả năng bảo vệ da khỏi tia UVA. PA được đánh giá bằng số lượng dấu cộng (PA+, PA++, PA+++, PA++++);

Khả năng kháng nước: Kiểm tra hiệu quả chống nắng của sản phẩm khi tiếp xúc với nước; Độ an toàn cho da: Đảm bảo sản phẩm không gây kích ứng da, dị ứng hoặc các vấn đề da liễu khác; Thành phần hóa học: Kiểm tra các thành phần có trong sản phẩm để đảm bảo không chứa các chất cấm hoặc gây hại cho da...

Mục đích của việc kiểm nghiệm là giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm. Sản phẩm được kiểm nghiệm và chứng nhận giúp tạo niềm tin với khách hàng. Tránh những vấn đề pháp lý và chi phí phát sinh do sản phẩm không đạt chất lượng. Kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn giúp quá trình công bố chất lượng sản phẩm dễ dàng và nhanh chóng hơn...

RÙI RO KHI QUẢNG CÁO SAI SỰ THẬT

Ngày 20/5, Cục Quản lí Dược cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong loạt văn bản về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) vừa yêu cầu tăng cường quản lí nhóm mỹ phẩm chống nắng - loại sản phẩm được tiêu thụ mạnh vào mùa hè, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng và quảng cáo sai sự thật.

Một điểm mới đáng chú ý là Cục Quản lí Dược yêu cầu các Trung tâm kiểm nghiệm lấy mẫu kiểm tra chỉ số chống nắng SPF (Sun Protection Factor) – yếu tố quan trọng nhất xác định khả năng bảo vệ da khỏi tác động của tia cực tím trong sản phẩm chống nắng. Những sản phẩm có chỉ số công bố không đúng thực tế, hoặc không đạt tiêu chuẩn sẽ bị thu hồi, tiêu hủy và xử phạt theo quy định.

Cục Quản lý Dược vừa yêu cầu thu hồi toàn quốc lô kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body do chỉ số SPF công bố sai lệch nghiêm trọng.
Cục Quản lý Dược vừa yêu cầu thu hồi toàn quốc lô kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body do chỉ số SPF công bố sai lệch nghiêm trọng.

Không chỉ yêu cầu từ cơ quan quản lí, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mĩ phẩm cũng phải chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo tính hợp pháp, minh bạch và chất lượng sản phẩm chống nắng. Cục Quản lí Dược yêu cầu các đơn vị rà soát lại toàn bộ hồ sơ thông tin sản phẩm (Product Information File - PIF), phương pháp và kết quả xác định chỉ số SPF của từng dòng sản phẩm chống nắng. Hồ sơ phải đầy đủ, chính xác và sẵn sàng cung cấp khi cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra.

Mới nhất, hôm 16/5, Cục Quản lý Dược đã thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body do chỉ số SPF 2,4 nhưng nhãn ghi 50. Không chỉ Hanayuki, thời gian gần đây, Bộ Y tế cũng liên tiếp phát hiện hàng loạt mỹ phẩm vi phạm: sai thành phần, vượt mức vi sinh vật, quảng cáo không đúng sự thật, thậm chí không rõ nguồn gốc. Mỹ phẩm "xách tay", hàng “online”, livestream chốt đơn chóng mặt nhưng không qua kiểm nghiệm đang gây ra nhiều hiểm họa với người tiêu dùng.

Bộ Y tế đã kịp thời có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu tăng cường thanh kiểm tra, hậu kiểm mỹ phẩm trên toàn quốc, đặc biệt là mỹ phẩm quảng cáo trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử... Đã đến lúc không thể xem nhẹ mỹ phẩm như một mặt hàng “tiêu dùng thông thường”. Mỗi tuýp kem, lọ serum nếu không được kiểm soát đúng chuẩn có thể trở thành chất độc vô hình bào mòn sức khỏe người dùng theo thời gian.