Kering chạy đua để có được Tom Ford
Kering, công ty đã báo cáo doanh thu hàng quý tăng 14% lên 5,13 tỷ Euro vào tháng 10, gần đây đã để mắt đến các thương vụ M&A. Khi báo cáo kết quả tài chính năm 2021, Giám đốc điều hành François-Henri Pinault của Kering nói rằng công ty đang tích cực khám phá các cơ hội mua lại...
Theo nguồn tin từ Wall Street Journal (WSJ), tập đoàn Kering, chủ sở hữu Gucci, được cho là đang đàm phán để mua lại thương hiệu thời trang Tom Ford của Mỹ, từ nhà thiết kế Mỹ cùng tên. Kering đang trong một cuộc chạy đua chặt chẽ với các công ty lớn khác, đặc biệt là Estée Lauder, thương hiệu cũng từng được đồn thổi là sẽ mua lại thương hiệu Tom Ford.
Tuy nhiên, tập đoàn xa xỉ của Pháp dường như đang dẫn đầu. Theo các nguồn tin được trích dẫn bởi WSJ, một thỏa thuận có thể đạt được rất sớm. Kering đã xoay xở để thúc đẩy một đợt bùng nổ doanh số sau đại dịch, đặc biệt là Gucci, Saint Laurent và Balenciaga nhờ việc mua sắm trả thù của nhóm khách hàng có giá trị ròng cao.
Tháng trước, Kering chứng kiến mức tăng doanh thu cao hơn dự kiến, nhờ du khách Hoa Kỳ chi tiêu thoải mái ở châu Âu. Công ty có giá trị thị trường gần 60 tỷ euro, theo WSJ, sẽ không khiến Tom Ford trở thành một tài sản quá đắt để có được. Đó là chưa kẻ, ngược dòng lịch sử, sau khi Tom Ford đảm nhận giám đốc sáng tạo, doanh thu của Gucci đã tăng vọt, đưa giá trị thị trường của nó lên hơn 4 tỷ USD vào năm 1999, sau khi công ty được mua lại bởi Kering. Song hiện tại, ông François-Henri Pinault vẫn chưa xác nhận bất kỳ thương vụ nào.
Hồi tháng 8 năm ngoái, WSJ lần đầu tiên đưa tin rằng Estée Lauder đang đàm phán để mua lại Tom Ford, trong một thỏa thuận có thể trị giá 3 tỷ USD hoặc hơn, do đó đại diện cho thương vụ mua lại lớn nhất từ trước đến nay của gã khổng lồ mỹ phẩm Mỹ. Thế nhưng, có thể giá đã giảm, do thị trường bấp bênh ngày nay và cuộc khủng hoảng Nga- Ukraine, dẫn đến áp lực lạm phát gần như chưa từng có và chi phí mua sắm trên thế giới tăng mạnh.
Bên cạnh đó Estée Lauder công bố doanh thu kết thúc vào ngày 30/9, trong đó, ghi nhận doanh thu giảm 11%, xuống 4,39 tỷ đô la (4,44 tỷ euro), với lợi nhuận ròng giảm 103 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái. Estée Lauder cũng kết thúc quý 4 năm 2021 – 2022 với mức giảm 5% trong doanh số bán hàng tự nhiên, bị ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid” ở Trung Quốc và sự chậm lại trong đơn đặt hàng từ các nhà bán lẻ Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy công ty làm đẹp có trụ sở tại New York, được thành lập vào năm 1946, đã hạ dự báo tài chính của mình.
Được thành lập bởi nhà thiết kế thời trang Tom Ford vào năm 2005, thương hiệu cao cấp này được biết đến nhiều với trang phục sang trọng dành cho nam giới, nhưng cũng bao gồm các sản phẩm quần áo, túi xách, mỹ phẩm và nước hoa dành cho phụ nữ. Estée Lauder được cho là đặc biệt quan tâm đến dòng sản phẩm làm đẹp của Tom Ford và nếu thâu tóm thành công, thương hiệu có khả năng sẽ tìm cách cấp phép sản xuất và kinh doanh các danh mục không liên quan đến làm đẹp - bao gồm quần áo và kính mắt - một cách riêng biệt với các công ty khác.
Trước đó, giới thời trang râm ran thông tin Tom Ford đang hợp tác với các nhà cố vấn tài chính từ ngân hàng Goldman Sachs để định giá thương hiệu cá nhân. Suốt 17 năm kinh doanh, công ty vẫn thuộc dạng tư nhân, không cần phải báo cáo tài chính, nên chỉ các nhà đầu tư nội bộ mới rõ tình hình số liệu. Dù vậy, ước tính rằng tổng giá trị thương hiệu có thể lên đến hàng tỉ đô-la Mỹ.
Bloomberg là đơn vị truyền thông đầu tiên đưa tin về thương vụ này, nhưng không kết luận liệu Tom Ford có bán cả thương hiệu hay sẽ chỉ bán một lượng cổ phần và tiếp tục nán lại để thiết kế cho đối tác mới. Hoặc nhà thiết kế nổi tiếng này cũng có thể chọn sáp nhập vào một tập đoàn và rời đi hoàn toàn. Bên cạnh thiết kế thời trang, Tom Ford còn là nhà làm phim, vì thế giả thuyết được tin cậy nhất đến lúc này là ông muốn bán đi thương hiệu để giảm tải công việc hàng ngày và theo đuổi các dự án nghệ thuật.
Hồi tháng 9, Tom Ford đã trở lại Tuần lễ thời trang New York sau khi hủy một buổi trình diễn vào tháng 2, với lý do các vấn đề về chuỗi cung ứng. Christina Binkley của tờ Vogue Business đưa tin vào thời điểm đó, rằng show biểu diễn giống như một lời từ biệt. Năm nay, nhà thiết kế cũng đã từ chức chủ tịch CFDA.
Các nguồn tin cho biết tính đến tháng 8 năm nay, phần lớn doanh thu của Tom Ford đến từ hoạt động kinh doanh sản phẩm làm đẹp, nước hoa và kính mắt, trong khi quần áo may sẵn dành cho nam và nữ ước tính chiếm 20% doanh thu. Theo Euromonitor International, doanh thu hàng năm của thương hiệu đạt khoảng 805 triệu USD. Trước câu hỏi liệu có sẵn sàng đưa thương hiệu về dưới quyền quản lý của Kering hay không, Tom Ford đã không trả lời. Kering cũng từ chối bình luận.