18:31 31/03/2014

Kết luận của thanh tra về EVN đã được xử lý thế nào?

Nguyên Hà

Vốn đầu tư ra ngoài Công ty mẹ - EVN tính đến ngày 31/12/2011 là 121.790 tỷ đồng

Khoảng 51% (62.482 tỷ đồng) trong tổng vốn 121.790 tỷ đồng mà EVN đầu tư
 ra ngoài doanh nghiệp là các khoản EVN đi vay và sau đó cho các đơn vị 
thành viên vay lại.
Khoảng 51% (62.482 tỷ đồng) trong tổng vốn 121.790 tỷ đồng mà EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là các khoản EVN đi vay và sau đó cho các đơn vị thành viên vay lại.
Nhiều thông tin về Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được nêu trong báo cáo phục vụ phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào sáng 1/4 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, liên quan đến việc xử lý những vấn đề tại kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý sử dụng vốn, tài sản tại tập đoàn này.

Kết luận của thanh tra về EVN đã được xử lý thế nào cũng là nội dung đã được Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Hoàng tại kỳ họp Quốc hội thứ 6, cuối năm 2013.

Khi đó, câu trả lời ông Nghĩa nhận được là sau khi có kết luận của Thủ tướng, với vai trò bộ quản lý nhà nước với hoạt động điện lực nói chung và quản lý EVN nói riêng, Bộ Công Thương sẽ kiên quyết chỉ đạo xử lý những sai sót (nếu có) của EVN do nguyên nhân chủ quan.

Còn nay, ở báo cáo nói trên, Bộ trưởng Hoàng đã dẫn nhiều thông tin trong kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp về việc xử lý sau thanh tra.

Theo đó, vốn đầu tư ra ngoài Công ty mẹ - EVN tính đến ngày 31/12/2011 là 121.790 tỷ đồng. Trong tổng vốn đầu tư 121.790 tỷ đồng, mặc dù là ra ngoài doanh nghiệp (nghĩa là ra ngoài Công ty mẹ - EVN, không phải là ngoài ngành điện), nhưng thực chất khoản tiền này được ENV đầu tư chủ yếu tại các công ty con và công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh điện.

Khoảng 51% (62.482 tỷ đồng) trong tổng vốn 121.790 tỷ đồng mà EVN đầu tư ra ngoài doanh nghiệp là các khoản EVN đi vay và sau đó cho các đơn vị thành viên vay lại.

Việc làm này được giải thích là do EVN trực tiếp vay của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện trước đây, nên khi chuyển đổi mô hình hoạt động thành tập đoàn kinh tế nhà nước, các khoản vay của EVN được chuyển cho các công ty con và công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực điện.

Các khoản vay này không chuyển đổi được chủ thể hợp đồng vay từ Công ty mẹ - EVN sang các đơn vị do các tổ chức tín dụng không chấp thuận. Vì vậy, việc cho vay lại để EVN thu hồi vốn từ các đơn vị thành viên đã sử dụng nguồn vốn vay đầu tư các công trình điện, đảm bảo EVN có nguồn trả nợ, theo Bộ trưởng là một thực tế khách quan.

Bộ trưởng Hoàng cũng nhấn mạnh, trong tổng số tiền 121.790 tỷ đồng đầu tư ngoài doanh nghiệp, EVN chỉ đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền 1.997 tỷ đồng. Và theo quy định của Thủ tướng, đến hết năm 2015, EVN cần thoái hết vốn tại các lĩnh vực trên để tập trung đầu tư các dự án điện.

"Việc đầu tư ra ngoài Công ty mẹ - EVN chủ yếu là đầu tư vào các công ty thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện, việc đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính chiếm tỷ lệ thấp (gần 2 nghìn tỷ đồng). Yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam cân nhắc tính toán hiệu quả việc thực hiện lộ trình thoái vốn đối với các khoản đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, không sơ hở để một số đối tượng trục lợi", báo cáo của Bộ trưởng dẫn lại một ý kiến của Thủ tướng.

Chuyển sang việc EVN mua sắm ôtô vượt định mức, Bộ trưởng cho hay Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính phần vượt định mức tính vào lợi nhuận sau thuế của tập đoàn, và EVN phải "nghiêm túc rút kinh nghiệm" trong việc này.

Với nội dung từng rất nóng trong dư luận là tiền xây biệt thự, sân tennis, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong 6 dự án nhiệt điện của EVN, gồm Ô Môn 1, Phú Mỹ 1 và 4, Nghi Sơn 1, Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, thì đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”. Tuy nhiên, trên thực tế đó là 355.000 m2 đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng.

Bộ trưởng Hoàng lý giải, để đảm cho việc quản lý vận hành, sửa chữa các nhà máy, kịp thời và hiệu quả, thì việc cần có khu nhà ở, sinh hoạt tập trung cho lực lượng cán bộ, kỹ sư, công nhân viên ở gần khu vực nhà máy là bắt buộc, nhất là trong trường hợp khi xảy ra sự cố cần ứng cứu kịp thời.

Ngoài ra, việc vận hành các nhà máy điện đều có yếu tố độc hại và căng thẳng nên việc xây dựng các hạ tầng thể thao, giải trí kèm theo tại khu quản lý vận hành nhằm thu hút được lực lượng lao động có trình độ cao tới làm việc và giúp người công nhân vận hành đảm bảo có đủ sức khỏe và tinh thần để yên tâm duy trì khả năng làm việc... theo Bộ trưởng cũng là điều cần thiết.

Hơn nữa, tại một số dự án, do trong giai đoạn xây dựng và đưa vào vận hành thời gian đầu, có nhiều chuyên gia nước ngoài tham gia, nên các công trình này đầu tiên là để phục vụ cho người nước ngoài, sau đó mới được chuyển giao cho chủ đầu tư Việt Nam sử dụng.   

Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết, theo kiểm tra thực tế ban đầu tại một số dự án của Bộ Công Thương và theo báo cáo của EVN thì, trong 6 dự án mà Thanh tra Chính phủ đã nêu, chỉ có 1 dự án là Ô Môn 1 trong hạng mục khu nhà ở có xây dựng bể bơi, sân tennis, nhưng đây là dự án do Chính phủ Nhật cho vay ưu đãi, có chuyên gia nước ngoài nên ở giai đoạn đầu, việc xây dựng cơ sở thể thao phục vụ cho người nước ngoài là cần thiết, nhất là trong điều kiện địa điểm dự án ở xa nội thành thành phố Cần Thơ.

Và trong 6 dự án, đến nay mới duy nhất có dự án Phú Mỹ 1 là đưa chi phí khu nhà ở vào giá thành sản xuất (nhưng cũng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng doanh thu, chỉ 1,3 - 3,7 tỷ đồng một năm).

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát chi phí xây dựng khu nhà ở, quản lý vận hành của ngành điện cũng như đối với các Nhà máy, Khu công nghiệp khác, có hướng dẫn cụ thể và phù hợp, báo cáo Thủ tướng trong tháng 2/ 2014, Bộ trưởng Hoàng thông tin thêm.

Về trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu EVN nghiêm túc thực hiện các ý kiến kết luận của Thủ tướng. EVN cũng đã báo cáo là đã thực hiện nghiêm túc, đồng thời chỉ đạo các đơn vị các đơn vị thành viên kiểm điểm rút kinh nghiệm các tồn tại, khuyết điểm để kịp thời có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh.

Về chi phí “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”, Bộ Tài chính đã dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý khoản chi phí xây dựng khu nhà ở, nhà quản lý vận hành tại các dự án điện của EVN Bộ Công Thương đã tham gia ý kiến. Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn chỉnh dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề trên, Bộ trưởng Hoàng cho biết.