Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu Đà Nẵng 2024
Năm 2024, với mục tiêu GRDP tăng 8%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 6% so với năm 2023, Đà Nẵng đang và sẽ nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Ngày 2/8, tại Furama Resort Đà Nẵng, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu Đà Nẵng 2024.
Tham gia Hội nghị có hơn 250 đại biểu tham dự trực tiếp và nhiều đại biểu dự trực tuyến là đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự các nước tại Việt Nam; tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam, Sở Công Thương các tỉnh Nam Trung Lào,... các doanh nghiệp, nhà phân phối nước ngoài tại Việt Nam; Thương vụ Việt Nam tại các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Indonesia và các hội, hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài; Các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp; doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, phân phối, logistics... của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, thông tin đến các đại biểu trong nước và quốc tế: Đà Nẵng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, giữ vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và vùng kinh tế động lực miền Trung nói riêng, đồng thời, là cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Tuy Đà Nẵng có diện tích không lớn nhưng có lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối liên vùng và khu vực; là một trong số ít địa phương có cả cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế và nằm trên các tuyến đường huyết mạch của quốc gia…giúp thành phố thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch.
Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, và mới đây nhất là Nghị quyết số 136-NQ/TW ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là các quyết sách chính trị của Đảng, đề ra các chủ trương, định hướng mang tính chiến lược để xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong tầm nhìn dài hạn thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á..., thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên; xây dựng thí điểm khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; trung tâm vùng về logistics,…
Theo đó, Đà Nẵng hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Với những ưu thế nêu trên, Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất xuất khẩu nhiều loại sảnphẩm như: cơ khí - điện - điện tử, thủy sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ, vật liệu xây dựng - cao su - nhựa, dược phẩm - thiết bị y tế; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành hàng không vũ trụ, chế biến chế tạo, hóa dược phẩm, nông sản thực phẩm…
Ông Cường cho biết hiện nay, khu vực thương mại và dịch vụ là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố Đà Nẵng. Trong đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của thành phố có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc. Ước tính 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, với mục tiêu GRDP tăng 8%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 6% so với năm 2023, Đà Nẵng đang và sẽ nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển dịch vụlogistics; tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố; thúc đẩy tiêu dùng trong và ngoài nước; kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường.
Ông Cường cũng nhìn nhận, trước tình hình kinh tế trên thế giới còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay.
“Đà Nẵng tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu năm 2024 chính là nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” và Chương trình hành động thực hiện “Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Cường tin tưởng rằng cùng với sự phối hợp tổ chức của Cục Xúc tiến thương mại, Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ; sự hỗ trợ tích cực của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; các cơ quan xúc tiến thương mại và sự hưởng ứng của các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp sẽ là kênh hỗ trợ hiệu quả để các doanh nghiệp kết nối thành công với các đối tác trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Phát biểu đề dẫn Hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nội địa và thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Qua đó, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của thành phố cả ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã được đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự các nước tại Việt Nam; tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam thông tin về các thị trường châu Âu, châu Mỹ và khuyến nghị cho doanh nghiệp; tiềm năng thị trường nông thủy sản, thực phẩm tại Trung Quốc; những thuận lợi, khó khăn và triển vọng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Nga; các khía cạnh của khởi nghiệp kinh doanh ở Nga; cơ hội tiềm năng và một số lưu ý khi xuất khẩu sang Nhật Bản; thông tin về thị trường Indonesia và cơ hội hợp tác kinh doanh…
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến phân phối, xuất nhập khẩu, logistics của Đà Nẵng.
Trong khuôn khổ chương trình Hội nghị còn diễn ra triển lãm, giới thiệu hàng hóa xuất khẩu của 90 doanh nghiệp đến từ Đà Nẵng và một số địa phương miền Trung – Tây Nguyên; Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, xúc tiến hợp tác giữa các doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng với các doanh nghiệp, tổ chức xuất khẩu về cung ứng sản phẩm, trao đổi dịch vụ.