14:37 05/01/2023

Khắc phục triệt để thiếu sót, vi phạm trong giải quyết vụ việc dân sự

Đỗ Mến

Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu khắc phục triệt để các thiếu sót, vi phạm trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự; giảm mạnh các bản án, quyết định tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đơn cử mới đây, TAND Cấp cao tại TPHCM đã giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của tòa sơ thẩm.

Theo hồ sơ vụ án, nguyên đơn là ông Nguyễn Đình L. (ở Nghệ An, sở hữu 8,17% cổ phần) đã khởi kiện Công ty cổ phần sơn S. (địa chỉ TPHCM) với các yêu cầu là trả cổ tức năm 20192020 hơn 354 triệu đồng. Đồng thời, buộc công ty trích lục Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết, Điều lệ Công ty, Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông; Sổ biên bản và các Nghị quyết của Hội đồng quản trị, Báo cáo tài chính đã kiểm toán và các báo cáo của Ban kiểm soát trong năm tài chín 2019 và 2020.

Tuy nhiên, Tòa sơ thẩm ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Lý do tòa đưa ra là, ngày 2/2/2021, công ty đã tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, trong đó có nội dung “không chia cổ tức”. Tại cuộc họp này, ông L. tự ý bỏ về. Như vậy, việc ông L. yêu cầu tòa án buộc công ty trả cổ đông là không phù hợp với ý kiến biểu quyết của cổ đông. Yêu cầu khởi kiện của ông L. thuộc trường hợp chưa có đủ điều kiện khởi kiện nên cần đình chỉ giải quyết vụ án.

Đối với yêu cầu trích lục danh sách cổ đông, tòa án căn cứ vào khoản 4, Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, thẩm quyền giải quyết của tòa án là “tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty….”. Tòa sơ thẩm xác định yêu cầu của ông L,. không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà thuộc về quan hệ nội bộ công ty.

Theo tòa phúc thẩm, việc cấp sơ thẩm đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông L. thuộc trường hợp chưa có đủ điều kiện khởi kiện là không có căn cứ.

Điều 3, Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 5/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “chưa có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật là trường hợp pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác có quy định về các điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án còn thiếu một trong các điều kiện”.

Do đó, Hội đồng phúc thẩm chấp nhận đơn kháng cáo của ông L., hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và giao cho tòa sơ thẩm tiếp tục giải quyết vụ án.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2023 có nhấn mạnh đến việc tòa án các cấp phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội, Tòa án nhân dân. Cụ thể, bảo đảm 100% các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định; các vụ, việc dân sự đạt từ 85% trở lên; các vụ án hành chính đạt từ 65% trở lên…

Hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm tổng số bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan không vượt quá 1,5% tổng số các loại án đã giải quyết.

Để nâng cao chất lượng giải quyết, cần có giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử, nhất là các vụ án kinh doanh, thương mại; các yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Bảo đảm không để án quá hạn luật định do nguyên nhân chủ quan của Tòa án; tạm đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ pháp luật; hạn chế tối đa việc tạm đình chỉ nhiều lần đối với một vụ án.

Đồng thời, tiếp tục cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và chỉ số giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Tăng cường hỗ trợ hoạt động của Trọng tài thương mại. Khắc phục triệt để các thiếu sót, vi phạm trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự. Giảm mạnh các bản án, quyết định tuyên không rõ, gây khó khăn cho công tác thi hành án.

Tiếp tục làm tốt công tác hòa giải các vụ việc dân sự theo yêu cầu của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để nâng cao hơn nữa tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự.