10:32 17/04/2022

Khách đến Côn Đảo không phải xét nghiệm Covid-19

Dũng Hiếu

Tất cả người dân đến huyện Côn Đảo không phải trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 còn hiệu lực và không phải thực hiện xét nghiệm Covid-19…

Người dân đến huyện Côn Đảo không phải trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và không phải xét nghiệm Covid-19
Người dân đến huyện Côn Đảo không phải trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và không phải xét nghiệm Covid-19

Uỷ ban nhân dân huyện Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, từ ngày 14/4, tất cả người dân đến huyện Côn Đảo không phải trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 còn hiệu lực hoặc phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 nữa.

Công văn gửi các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn, UBND huyện Côn Đảo đã xác định cấp độ dịch của Côn Đảo hiện là "cấp độ 1" và đề nghị các cơ sở kinh doanh dịch vụ áp dụng phương án kinh doanh, đón tiếp khách theo cấp độ trên.

Trước đó, du khách đến Côn Đảo phản ánh khi đặt khách sạn để lưu trú hoặc lên đi tàu cao tốc buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính SAR-CoV-2. Đối với khách đi máy bay ra Côn Đảo, đến nghỉ ngơi tại các cơ sở lưu trú cũng buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được lưu trú hoặc kiểm tra nhanh Covid-19 tại khách sạn, nơi lưu trú.

Các thủ tục này đã làm cho các khách sạn, cơ sở lưu trú, du khách gặp bất tiện và bức xúc. Từ phản ánh của doanh nghiệp và du khách, chính quyền huyện Côn Đảo đã thông báo du khách đến địa phương này không cần có giấy xét nghiệm âm tính SAR-CoV-2. 

Theo huyện Côn Đảo, từ ngày 22/12, địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên đến nay, cấp độ dịch của địa phương là cấp 1 và tỷ lệ tiêm vaccine đã đạt miễn dịch cộng đồng nên mọi hoạt động trở lại bình thường mới.

Huyện Côn Đảo cách Vũng Tàu 185 km, cách TP HCM 230 km, cách cửa sông Hậu (Cần Thơ) hơn 80 km. Côn Đảo có bờ biển dài 200 km, nhiều bãi tắm như Đất Dốc, Bãi Cạnh, Đầm Trầu, Hòn Cau, Hòn Tre...

Hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này là Côn Lôn hay Côn Đảo, rộng hơn 51 km2. Sử Việt trước thế kỷ 20 thường gọi nơi này là đảo Côn Lôn hoặc Côn Nôn, tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor. Năm 1977, Quốc hội quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo.

Trước đây, Côn Đảo có hệ thống nhà tù Pháp, Mỹ với nhiều trại giam lớn như Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Bình, chuồng cọp, chuồng bò cùng khu nhà chúa Đảo. Côn Đảo còn có khu nghĩa trang Hàng Dương, nơi chôn cất 20.000 tù nhân, chủ yếu là chiến sĩ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến.

Năm 2012, nhà tù Côn Đảo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.