Khách du lịch đến Hà Nội tăng 46,5% so với cùng kỳ
Quý 1 vừa qua là mùa cao điểm du lịch đón khách nước ngoài nên lượng khách tăng mạnh. Du lịch Hà Nội đang dần lấy lại đà tăng trưởng như trước...
Sở Du lịch Hà Nội cho biết, trong tháng 3/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,26 triệu lượt khách, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 468.000 lượt khách, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm 330.000 lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 1,798 triệu lượt khách, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.740 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung trong quý 1/2024, tổng khách du lịch đến Thủ đô ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023, khách du lịch nội địa ước đạt 5,14 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Có thể thấy, khách du lịch đến Hà Nội đang có xu hướng tăng cao, nhất là khách nước ngoài. Đây là tín hiệu tích cực để ngành Du lịch Thủ đô thực hiện các giải pháp thu hút khách, thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Trong đó, việc xây dựng các sản phẩm du lịch mới mang đặc trưng của Hà Nội, tạo sức hấp dẫn đối với du khách được quan tâm.
Theo đó, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các địa phương triển khai các loại hình du lịch mới gắn với thế mạnh của từng địa phương như: Du lịch thể thao tại huyện Sóc Sơn, du lịch cộng đồng gắn với chăm sóc sức khỏe tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn... Đồng thời, phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống; hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đồng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì.
Đặc biệt, Sở đang phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu các mô hình du lịch văn hóa, làng nghề mới. Nằm ở phía Tây của Hà Nội, giữa một vùng phong cảnh "sơn kỳ, thủy tú" của xứ Đoài, đẹp về cảnh trí, vượng về phong thủy và linh thiêng trong tâm thức dân gian, huyện Quốc Oai có các giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú.
Toàn huyện có 101 di tích đã được xếp hạng, nổi bật là quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và Di tích quốc gia đặc biệt đình So; nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể có giá trị như: Nghệ thuật múa rối nước, hát Dô, hát Ví Hàm Rồng, hát Tuồng, Chèo, biểu diễn Cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường; cùng với đó là 55 lễ hội truyền thống... Hơn nữa, do có vị trí giao thông thuận lợi, hàng năm, Quốc Oai đón lượng lớn khách tới tham quan, trải nghiệm.
Tương tự, làng cổ Đường Lâm từ lâu nổi tiếng là “đất hai Vua”, là một “bảo tàng sống” lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng Bắc Bộ, có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình… cùng với 956 ngôi nhà truyền thống. Trung bình mỗi năm, Làng cổ Đường Lâm thu hút gần 150.000 lượt khách du lịch, trong đó có từ 6.000 - 7.000 lượt khách quốc tế. Du khách đến với Đường Lâm không chỉ được tìm hiểu các nét kiến trúc, cảnh quan, nếp sinh hoạt của người dân mang đặc trưng của nông thôn mà còn được tham gia vào quy trình làm ẩm thực, làm nông nghiệp, ăn ở cùng người dân trong làng...
Hay khi đến Làng gốm Bát Tràng, du khách thích thú khi được tận tay vuốt, nặn gốm, tạo những sản phẩm lưu niệm để mang về. Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, du khách không chỉ được tìm hiểu về di tích mà còn được tham gia các hoạt động văn hóa, tham gia các trò chơi giải mã về giá trị di sản. Phường rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh) không những tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ khách mà các nghệ sĩ nông dân còn thường xuyên giao lưu với khách, hướng dẫn khách tham gia điều khiển con rối…
Với một hệ thống các di sản và làng nghề phong phú, theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, Hà Nội có những tài nguyên vô cùng quý giá để phát huy những giá trị, xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng cho từng địa phương, phục vụ đa dạng đối tượng khách du lịch nội địa và quốc tế. Thông qua đó, tăng cường sự hiểu biết cho người dân địa phương, nâng cao đời sống về tinh thần và tiện ích xung quanh.
Đối với hợp tác du lịch với các địa phương, Hà Nội phối hợp phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: Tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, để các sản phẩm này trở nên hấp dẫn, có tính đặc trưng cần có sự triển khai đồng bộ. Trước hết, phải hiểu rõ đối tượng khách đến với địa phương, nhu cầu và mong muốn của họ, từ đó có sản phẩm trải nghiệm phù hợp. Ví dụ, trải nghiệm của du khách tại điểm tham quan Làng tăm hương Quảng Phú Cầu mới dừng lại ở “check-in” chụp ảnh, trong khi du khách còn nhiều nhu cầu khác.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, Hà Nội cần phát triển nhiều trải nghiệm du lịch khác nhau theo hướng xây dựng và phát triển các tour du lịch độc đáo, tìm hiểu về lịch sử, trải nghiệm phong phú về văn hóa của địa phương, các công đoạn sản xuất của nghề, ẩm thực đặc trưng… Từ đó, giúp du khách tương tác với người dân địa phương, nghệ nhân, người nổi tiếng trong làng, tham gia học nghề thủ công truyền thống, lễ hội của địa phương. Khi phát triển tuyến du lịch sẽ tạo ra chuỗi dịch vụ đa dạng hơn, tăng cường trải nghiệm của du khách.
Ngoài ra, công tác xúc tiến và hoạt động du lịch, công tác liên kết giữa các địa phương trong hoạt động đưa đón khách tham gia trải nghiệm gắn với các di sản, làng nghề cũng cần được xác lập. Để từ đó, sản phẩm du lịch này phát triển, mang lại lợi ích nhiều mặt, từ thu hút khách đến phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô.
Về phía cạnh đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã có nhiều văn bản phối hợp công tác với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, ngăn chặn, phòng tránh tình trạng chèo kéo bán hàng rong, đeo bám, ăn xin, khách du lịch; thiết lập thông tin liên lạc giữa các lực lượng phối hợp giúp nhanh chóng, kịp thời kiểm tra, xác minh, xử lý vụ việc, kiểm soát đảm bảo tốt chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố, xây dựng điểm đến "An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn".