Khai thác lợi thế, tạo đột phá cho Cà Mau phát triển
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh khai thác tối đa 3 lợi thế nổi bật về thủy sản, du lịch và năng lượng tái tạo, tạo bước đột phá phát triển toàn diện cho Cà Mau...
Chiều 9/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đến nay và đề ra phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; giải quyết một số kiến nghị của tỉnh.
Đây là lần thứ 3 trong hơn 2 năm qua, Thủ tướng làm việc tại Cà Mau.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ công bố Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Cà Mau; khảo sát việc nâng cấp, cải tạo đường băng sân bay Cà Mau, tiến độ triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Cà Mau và cụm dự án Khí-điện-đạm Cà Mau; thăm một số gian hàng tại Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 2023.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP.
Nhắc lại câu thơ "Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau", Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh vị trí đặc biệt của Cà Mau – nơi chịu sóng, chịu gió, tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những thành tựu rất cơ bản, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Cà Mau. Hạ tầng giao thông còn hạn chế, "từ Hà Nội vào Cần Thơ mất 2 tiếng đi máy bay, nhưng từ Cần Thơ vào Cà Mau mất nhiều hơn 2 tiếng đi đường bộ". Hạ tầng xã hội, khu công nghiệp còn nhiều bất cập; hạ tầng số còn khó khăn.
Cà Mau là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu; có nền đất thấp, địa chất yếu, không có nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ, địa hình nhiều sông ngòi, kênh rạch dẫn đến suất đầu tư xây dựng hạ tầng cao, nhất là giao thông, thủy lợi.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là về thị trường, nguồn vốn, tiếp cận tín dụng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm. Kim ngạch xuất khẩu đạt thấp so kế hoạch, giảm 8,5% so cùng kỳ, các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống giảm.
Ngoài ra, tỉnh có tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, chuyển đổi số của tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển (năm 2022, Chỉ số PCI xếp 58/63, xếp 12/13 vùng ĐBSCL; Par Index xếp thứ 30/63; chuyển đổi số xếp 58/63...).
Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu. Giảm nghèo chưa bền vững; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn. An ninh, trật tự an toàn xã hội vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp...
BA TIỀM NĂNG KHÁC BIỆT
Về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Cà Mau, Thủ tướng cho rằng có 3 lĩnh vực nổi bật là thủy sản, du lịch và năng lượng tái tạo.
Là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển 254 km; diện tích tự nhiên hơn 5.200 km2, chiếm 13,15% diện tích vùng ĐBSCL, Cà Mau có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước, phát triển năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Ngư trường Cà Mau khoảng 80.000 km2, nguồn lợi thủy sản phong phú; khu vực nuôi trồng thủy sản hơn 300.000 ha. Rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm U Minh Hạ đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Khu Ramsar của thế giới.
Việc kết hợp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió trên bờ, gần bờ, ngoài khơi, điện mặt trời kết hợp trên đất nuôi trông thủy sản, điện sinh khối... là rất tiềm năng, cơ hội cho Cà Mau xuất khẩu điện sang nhiều nước trong khu vực.
Trước đó, Thủ tướng dự lễ công bố Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: VGP.
Tỉnh có dự trữ khoáng sản lớn, có triển vọng khai thác. Vùng biển Cà Mau với trữ lượng dầu khí khá lớn, có triển vọng khai thác và phát triển công nghiệp dầu khí. Vùng than bùn U Minh Hạ là một trong những vùng chứa than bùn lớn nhất Việt Nam, với trữ lượng khoảng 14,1 triệu tấn…
TẠO SỰ ĐỘT PHÁ CHO TĂNG TRƯỞNG
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ cần quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII, Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm, các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL nhằm tạo bước đột phá phát triển toàn diện cho Cà Mau...
Thứ hai, tỉnh phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.
Thứ ba, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển năng lượng tái tạo (mở rộng khu công nghiệp khí điện đạm Cà Mau), phát triển du lịch dựa vào văn hóa, con người, thiên nhiên, thương hiệu Đất Mũi, phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, đặc biệt là ngành tôm.
Thủ tướng khảo sát một số dự án quan trọng tại tỉnh Cà Mau - Ảnh: VGP.
Thứ tư, đẩy mạnh đột phá hạ tầng giao thông, cụ thể là nâng cấp sân bay Cà Mau, xây dựng các tuyến đường cao tốc và phát triển đường thủy nội địa, đường biển (cảng Hòn Khoai).
Thứ năm, tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh, chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục khẳng định khát vọng mạnh mẽ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên bằng sức mạnh nội sinh, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển hài hòa giữa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.