08:57 15/08/2014

Khai thác “mỏ vàng vô tận” riêng có của miền Trung

Nguyên Hà

Cảng biển đẹp, bãi biển đẹp là điều kiện nền tảng để hình thành các đô thị biển có đẳng cấp

Thách thức lớn, theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là những diễn biến phức tạp ở các vùng biển, trong đó có biển Đông, với việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam.<br>
Thách thức lớn, theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là những diễn biến phức tạp ở các vùng biển, trong đó có biển Đông, với việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam.<br>
Cơ hội và thách thức phát triển đối với vùng duyên hải miền Trung đều rất lớn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế Miền Trung, khai mạc sáng 15/8 tại Đà Nẵng.

Đây là diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, với sự góp mặt của nhiều quan chức Trung ương, các tỉnh thành trong vùng và các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực.

Thách thức lớn, theo Phó thủ tướng, là những diễn biến phức tạp ở các vùng biển, trong đó có biển Đông, với việc Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Việt Nam.

Nhưng cũng chính vị trí “cửa ngõ” hướng ra biển Đông của cả tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng có thể giao thương dễ dàng bằng đường biển với khu vực và thế giới lại là thế mạnh lớn, vẫn theo Phó thủ tướng.

Trước những thách thức đối với vận mệnh của đất nước, khúc ruột miền Trung đang có một vị trí vô cùng quan trọng không chỉ về kinh tế - xã hội mà cả về an ninh quốc phòng, GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, nói trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn.

Xoay quanh chủ đề “Giải pháp huy động sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới” của Diễn đàn, hầu hết các diễn giả tham dự Diễn đàn đều cho biết sẽ nhấn mạnh vào sự cần thiết liên kết tạo lập không gian kinh tế vùng.

Nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” mà thiếu sự liên kết để tạo ra “lợi thế động” thì khó có thể đẩy mạnh phát triển, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Bởi, theo nhận xét của ông Vương Đình Huệ, sự phát triển giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng ở Việt Nam vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp. Tình trạng đầu tư trùng lặp chưa hoàn toàn được khắc phục. Có lúc còn có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư giữa các tỉnh bằng cách “phá rào”, đưa ra các ưu đãi quá lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư gây tổn thất cho lợi ích chung của cả nền kinh tế.

Ông Huệ cũng nhấn mạnh để thực hiện thành công chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững, cần phải tiếp tục hoàn thiện căn bản thể chế kinh tế vùng, đẩy nhanh việc cơ cấu lại các vùng kinh tế.

Chừng nào miền Trung, với vị trí và chiều dài tạo thành “xương sống quốc gia” hay “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”, chưa “cất cánh” thì cả nước, với hai động lực phát triển hai đầu - Bắc Bộ và Nam Bộ, dù có Hà Nội và Tp.HCM là “đầu tàu” mạnh, cũng chưa thể bay lên thật sự, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Vị chuyên gia trong nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng, miền Trung không thể phát triển theo cách của miền Nam và miền Bắc, cho dù đó là những cách mang lại thành công.

Nhưng, câu hỏi vậy thì miền Trung phát triển cái gì, như thế nào, với ai - để có thể bứt phá phát triển, để có thể, thậm chí, mở đường cất cánh cho cả nước cũng chỉ mới rõ dần mà vẫn chưa đủ định hình chắc chắn.

Kỳ vọng Diễn đàn sẽ tiếp sức cho các nỗ lực liên kết phát triển đang thành công của các tỉnh duyên hải miền Trung, ông Thiên cũng gợi mở nhiều ý tưởng.

Với địa thế trước mặt là biển, sau lưng là núi, các tỉnh duyên hải miền Trung có thể dễ dàng kết nối trực tiếp với các tỉnh Tây Nguyên để tạo thành sự liên kết độc đáo “biển xanh” với “đại ngàn”, ông Thiên nói.

Bên cạnh đó, “mặt tiền” có nhiều cảng biển đẹp và tốt, chứa đựng tiềm năng mở cửa - giao thương - kết nối toàn cầu, một lợi thế phát triển to lớn trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của miền Trung.

Điều ông Trần Đình Thiên lưu ý là cảng biển đẹp, bãi biển đẹp là điều kiện nền tảng để hình thành các đô thị biển có đẳng cấp. Và đây là một loại “mỏ vàng vô tận” riêng có của duyên hải miền Trung.

Những lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh ở đẳng cấp cao nói trên, tạo thành bản sắc độc đáo của tổng thể vùng duyên hải miền Trung, Viện trưởng Thiên tiếp tục phân tích.

Và theo ông, sự khác biệt mang tính đẳng cấp tiềm năng đó tạo cho duyên hải miền Trung thế mạnh hiếm có để phát triển một cơ cấu kinh tế đặc thù, ít nhất cũng là so với hai vùng kinh tế được coi là nhiều thuận lợi hơn ở hai đầu đất nước .