Khánh Hòa, Bình Phước : Người cao tuổi gặp khó khi nhận chế độ trợ cấp qua tài khoản
Cử tri đề nghị xem xét việc chi trả chế độ an sinh xã hội qua tài khoản cần phù hợp với từng đối tượng cụ thể, điều kiện, đặc thù của từng khu vực...
Mới đây, cử tri một số địa phương như Khánh Hòa, Bình Phước đã gửi phản ánh đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc chi trả chế độ bảo trợ xã hội qua tài khoản ngân hàng không phù hợp với đối tượng là người khuyết tật, người già yếu, đơn thân.
Theo cử tri, hiện nay việc thực hiện chi trả chế độ cho gia đình chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội bằng phương thức không dùng tiền mặt đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, điều này đang gây khó khăn cho không ít người dân, đặc biệt là người cao tuổi, người sinh sống tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, làm phát sinh phí thường niên, phí rút tiền, phí internet banking…
Vì vậy, cử tri đề nghị xem xét việc chi trả chế độ bảo trợ xã hội để phù hợp với từng đối tượng cụ thể, điều kiện, đặc thù của từng khu vực.
Phản hồi cử tri về nội dung trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết Bộ đã có hướng dẫn chi trả không dùng tiền mặt để các địa phương lựa chọn phương án phù hợp, đảm bảo việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng kịp thời, không phát sinh thủ tục hành chính, không làm thay đổi quy trình xử lý nghiệp vụ.
Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Bộ Công an xây dựng quy trình rà soát, cập nhật tài khoản thanh toán trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên nên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo báo cáo của các địa phương, từ năm 2023 đến hết năm 2024, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai công tác chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo đó, đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý là gần 5 triệu người. Tính đến hết năm 2024, cả nước đã có hơn 2,7 triệu người trong tổng số 5 triệu người hưởng chính sách an sinh xã hội mong muốn và đã nhận tiền qua tài khoản ngân hàng. Kinh phí đã thực hiện chi trả qua tài khoản là hơn 24.385 tỷ đồng.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, như vậy các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã có tài khoản ngân hàng tại một số tỉnh, thành đều thuận tiện, không có vướng mắc.
Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội phần lớn là người cao tuổi, người yếu thế, vẫn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, thao tác nhận trợ cấp thông qua tài khoản điện tử nên tâm lý e ngại, vẫn muốn được nhận trợ cấp bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, các địa phương ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hiện nay còn hạn chế tiêu dùng thông qua tài khoản. Mặt khác, do hệ thống ngân hàng thương mại phát triển chưa đồng bộ; khoảng cách địa lý vùng, miền; chi phí cho việc dùng tài khoản ngân hàng…, nên hình thức chi tiêu chủ yếu là tiền mặt.
Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện ưu tiên việc không dùng tiền mặt, nhưng linh hoạt để không bỏ sót nhu cầu của các đối tượng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đối với đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội cần đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể tại địa phương, bảo đảm đối tượng được nhận trợ cấp xã hội đầy đủ, kịp thời và đúng quy định.
Do đó, Bộ đề nghị các tỉnh, thành phố căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương tập trung thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có nhu cầu, đủ điều kiện tiếp cận công nghệ hoặc đã có tài khoản ngân hàng.
Đồng thời, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội tự nguyện mở tài khoản ngân hàng phục vụ công tác nhận trợ cấp an sinh xã hội.
Trường hợp, đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội không đủ điều kiện mở tài khoản theo quy định và không có người ủy quyền nhận thay, thì thực hiện chi trả trực tiếp qua tổ chức dịch vụ chi trả, hoặc phương thức khác phù hợp theo quy định.
Đồng thời, các địa phương quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành của tỉnh có giải pháp đầu tư đồng bộ hạ tầng công nghệ, cơ sở vật chất phục vụ cho việc thanh toán không dùng tiền mặt và công tác chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.