08:25 25/04/2015

Khảo sát về 3G và một câu hỏi “bất bình thường”

Thủy Diệu

Báo cáo của GFK cho hay rằng 92% số người được khảo sát "chấp nhận tăng cước 3G"

Công bố khảo sát "Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014" tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM.<br>
Công bố khảo sát "Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014" tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM.<br>
Khảo sát "Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014" tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM - vừa được GFK và báo Bưu điện Việt Nam công bố chiều 23/4 - nêu rằng, hầu hết người dùng đều... chấp nhận tăng cước 3G.

Theo báo cáo này, phần lớn người dùng được khảo sát cho rằng, cước 3G hiện tại là chấp nhận được (60%) và chất lượng nhận được tương ứng với số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra (84%).

Về mức độ hài lòng đối với dịch vụ 3G thì đa số cảm thấy hài lòng nhưng cũng mong muốn nhà cung cấp dịch vụ cải thiện đường truyền tốt hơn/mạnh hơn. Điểm trung bình được chấm cho các mạng là 8.05, trong khi tỷ lệ mong muốn tốc độ đường truyền nhanh hơn/mạnh hơn là 57%.

16% mong muốn nhà mạng phủ sóng 3G rộng hơn, trong khi 15% đề đạt chuyện giảm cước, có nhiều chương trình khuyến mại (7%), tăng dung lượng (6%)...

Một thông tin gây bất ngờ mà báo cáo của GFK đưa ra là, khi phải đối mặt với giả định về việc tăng giá cước 3G trong thời gian tới, 8% tuyên bố họ tuyệt đối không chấp nhận, còn lại 92% người dùng là chấp nhận tăng cước 3G!

Khi đã “chấp nhận” tăng, 82% người dùng cho biết họ chỉ "chịu" được mức tăng 5% hoặc thấp hơn. 59% người dùng sẽ chuyển qua gói cước rẻ hơn nếu nhà mạng thực hiện mức tăng từ 5-10%.

Trong trường hợp mức tăng vượt trên 10%, có tới 47% người dùng khẳng định họ sẽ đổi qua nhà cung cấp khác.

Trả lời báo giới trước thông tin này, đại diện GFK cho biết, để có được thông tin trên, đơn vị nghiên cứu đã đặt câu hỏi: “Nếu giả sử nhà cung cấp 3G anh/chị sử dụng thường xuyên dự định tăng giá cước thì tăng bao nhiêu là có thể chấp nhận được”.

Câu hỏi gần như “đóng khung người dùng chấp nhận tăng giá" đã dẫn đến kết quả nghe có cảm giác “bất bình thường” như trên.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, kết quả nghiên cứu trên cũng chỉ mang tính chất tương đối và là kênh thông tin của một cơ quan báo chí và một tổ chức nghiên cứu để tham khảo.

Ông nói, mặc dù nghiên cứu được thực hiện một cách "khoa học, chuyên nghiệp, khách quan và trung thực", nhưng đâu đó, như nhìn nhận của báo giới, cách đặt câu hỏi là chưa thực sự chuẩn.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng, việc nghiên cứu khảo sát ở 3 thành phố (với 576 mẫu) mới chỉ đại diện cho một tập khách hàng, ở một khu vực nào đó, vì thế, nghiên cứu không đại diện được cho các vùng miền và toàn bộ người dùng 3G. Nếu số mẫu nghiên cứu lớn hơn, rộng hơn thì sai số sẽ thấp hơn và độ chính xác sẽ cao hơn.

Dư địa 3G còn rất lớn


Cũng liên quan đến nghiên cứu trên, GFK cho biết,  97% người dùng sử dụng gói cước 3G trả trước và không giới hạn dung lượng sử dụng.

Gần như toàn bộ người dùng tự thanh toán tiền cước 3G của mình, mức chi phí sử dụng 3G bình quân hàng tháng từ 50.000 - 100.000 đồng. Tuy nhiên, có tới 40% người dùng chưa biết cách theo dõi dung lượng 3G mà mình đã sử dụng.

Có tới 87% chọn đọc báo/tin tức, 84% lướt web/tìm kiếm thông tin, 82% truy cập mạng xã hội và 74% chat, tán gẫu với bạn bè, người thân. Những hoạt động này được người dùng thực hiện đều đặn mỗi ngày.

Nghe/tải nhạc trực tuyến và chơi game cũng khá phổ biến với tỷ lệ lần lượt là 62% và 49%. Mức độ sử dụng dịch vụ OTT để gọi điện khá cao, lên tới 43%.

Trái với dự đoán, tỷ lệ người dùng truy cập 3G để check mail khá thấp, chỉ khoảng 21%, thấp hơn cả sử dụng bản đồ trực tuyến (30%).

Nhìn chung, người dùng 3G sử dụng dịch vụ rất thường xuyên và nhiều lần trong một ngày. Smartphone là thiết bị phổ biến nhất được dùng chung với 3G (93%), áp đảo tablet (6%) và laptop (4%)

Hà Nội là thành phố có tỷ lệ người dùng 3G cao nhất (48%), trong khi Tp.HCM và Đà Nẵng - nơi wi-fi miễn phí phổ biến hơn, tỉ lệ này chỉ là 32-33%.

Tùy theo khu vực, tỷ lệ người chưa dùng 3G còn lên tới 50-70%, cho thấy tiềm năng phát triển của dịch vụ này tại Việt Nam còn rất lớn, GFK nhấn mạnh.

Đối với khách hàng, uy tín của nhà cung cấp dịch vụ, khả năng kết nối thể hiện ở  tín hiệu mạnh, độ phủ sóng rộng và giá cước chấp nhận được. Trong khi đó, các nhà mạng khi muốn cạnh tranh với nhau cần đảm bảo tốc độ truy cập nhanh, khả năng phủ sóng tốt ở những khu vực bị che khuất, tính cước chính xác và xây dựng những gói cước linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của người dùng.

Báo cáo của GFK cũng cho rằng, nhà mạng có cơ hội tăng cường khách hàng 3G khi tích hợp dịch vụ này trong các SIM khuyến mãi và nương theo xu hướng lên ngôi của smartphone giá rẻ.

Phân khúc smartphone tại Việt Nam trong thời gian qua đã tăng trưởng tới 50% và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nóng trong thời gian tới.