Khi công nghệ hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi
Cùng với thực tế dân số già đi, khủng hoảng nhân lực ngày càng hiện hữu thì cũng có những cơ hội cho việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế bạc, trong đó có sự bùng nổ của công nghệ chăm sóc người cao tuổi…
Tháng 5 năm nay, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) của Liên hợp quốc đã tổ chức một hội nghị tại Geneva (Thụy Sĩ) về tiềm năng trí tuệ nhân tạo (AI) và robot giúp đạt các mục tiêu toàn cầu, ví dụ như y tế. Theo đó, trong một thế giới mà con người đang phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm thế nào robot có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc giúp đỡ người già là vấn đề đang được giới khoa học và nhiều người quan tâm.
Nadine là một cô robot được tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI) có thể đóng vai trò quan trọng trong tương lai ở lĩnh vực chăm sóc người bệnh và người cao tuổi. Theo các nhà khoa học, robot này có hình dáng giống hệt con người, có khả năng biểu lộ cảm xúc buồn, vui. Về thể chất, cô robot này gần như là một bản sao của người sáng tạo ra mình, bà Nadia Magnenat Thalmann, chuyên gia về robot tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ).
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ dân số hơn 65 tuổi trên thế giới dự kiến tăng từ 10% năm 2022 lên 16% vào năm 2050. Khi nhu cầu toàn cầu về y tá và người chăm sóc y tế tăng lên, một số quốc gia chứng kiến cuộc khủng hoảng nhân sự tại các viện dưỡng lão.
Ông Zen Koh, Giám đốc điều hành toàn cầu của công ty công nghệ cao Fourier Intelligence, cho rằng một ngày nào đó robot có thể giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhân lực này. “Những người cao tuổi cần được hỗ trợ nhiều hơn. Chúng tôi đang tạo ra các công nghệ để có thể trợ giúp, cung cấp dịch vụ và phương pháp điều trị, chăm sóc người già,” ông Koh nói.
Theo TechXplore, đầu năm nay, các nhà nghiên cứu của Australia đã sáng tạo ra “người bạn ảo” từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đồng hành cùng những người mắc chứng mất trí nhớ tại các viện dưỡng lão ở thành phố Sydney. Các nhà nghiên cứu này cho biết người bạn đồng hành ảo này có thể hỗ trợ nhân viên của các viện dưỡng lão trong việc trò chuyện và chăm sóc những bệnh nhân mất trí nhớ.
Những người sáng tạo ra Viv tại Đại học New South Wales (UNSW) gọi "cô ấy" là người bạn đồng hành do AI điều khiển. Để Viv gần gũi nhất có thể với người sử dụng, “cô ấy” cũng gặp phải các triệu chứng liên quan đến chứng mất trí nhớ. Viv biết suy ngẫm về trạng thái đang thay đổi của mình và cách đối phó với sự thay đổi này. Cuộc trò chuyện giữa “người bạn” đồng hành AI và con người giống như bất kỳ cuộc trò chuyện bình thường nào khác, khi Viv phản hồi những điều mà những người mất trí nhớ ở viện dưỡng lão trao đổi với "cô ấy".
Trong khi đó, các nhà khoa học từ Viện Công nghệ Italia đang phát triển, thiết kế robot có khả năng tương tác công thái học với con người và vận động hiệu quả. Ông Giorgio Metta, Giám đốc khoa học, Viện Công nghệ Italia cho biết: Về giác quan của robot, chúng đã nâng cao tầm nhìn 3D, có nhiều cảm biến hơn. Chúng cũng được trang bị xúc giác để có thể điều khiển các vật thể và cảm nhận sự tiếp xúc với thế giới, về mặt vật lý. Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu cách thức khiến cho robot đủ mạnh mẽ và có thể đảm nhận các động tác phục hồi chức năng đòi hỏi thể chất.
Dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng “nền kinh tế bạc”, tại Trung Quốc, từ máy theo dõi giấc ngủ được kết nối Internet, robot vật lý trị liệu cho tới đĩa ăn tính toán lượng calo, tự động hoá... được kỳ vọng sẽ cung cấp giải pháp cho ngành chăm sóc người cao tuổi. Tại Hội chợ công nghệ người cao tuổi ở Thượng Hải vừa qua, công ty công nghệ Innopro có trụ sở tại Thâm Quyến đã giới thiệu hàng loạt đồng hồ thông minh, máy theo dõi chuyển động và nhiệt độ với lời cam kết rằng, chúng sẽ giúp các gia đình theo dõi sát sao sức khỏe người già. Công ty này cũng đang cung cấp thiết bị cho nhiều viện dưỡng lão.
Công ty giám sát sức khỏe Eihoo chuyên vận hành nhà ăn dành cho người lớn tuổi thì giới thiệu sản phẩm khay ăn gắn chip để theo dõi lượng thức ăn. Máy tính tiền ở quầy thanh toán sẽ đọc chip, lập tức thông báo lượng calo và chất dinh dưỡng trong từng món, giúp giảm khối lượng công việc cho nhân viên phục vụ và chăm sóc y tế. Ở một gian hàng khác, các sinh viên đại học Giao thông Thượng Hải giới thiệu cánh tay robot được thiết kế để giúp đỡ người lớn tuổi thực hiện các nhiệm vụ đơn giản hàng ngày như ăn uống, xoay tay nắm cửa…
Tương tự, nhằm chuẩn bị cho khả năng bùng nổ dân số già vào năm 2025, các doanh nghiệp công nghệ của Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tăng tính hiệu quả và giảm bớt nhân lực chăm sóc người già. Công ty Trinity, một doanh nghiệp chuyên sản xuất và bán các loại camera an ninh của Nhật Bản đã phát triển các sản phẩm hỗ trợ phát hiện những người già bị chứng mất trí nhớ dẫn đến đi lạc.
Theo đó, các camera có sử dụng AI tích hợp dữ liệu thông tin cá nhân của từng người cao tuổi được lắp đặt xung quanh các viện dưỡng lão. Trong trường hợp một người mất trí nhớ đi ra khỏi viện dưỡng lão, ảnh và tên của người đó sẽ ngay lập tức được thông báo trên nhóm của nhân viên theo dõi trong ứng dụng LINE để kịp thời xử lý.
Công ty Fujitsu cũng đang phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ AI vào phân tích cử động và cảnh báo té ngã đối với người cao tuổi trong các bệnh viện hoặc viện dưỡng lão. Theo đó, thiết bị này sử dụng sóng vô tuyến tần số cao để phân tích các cử động của người cao tuổi, từ đó đưa ra những cảnh báo về khả năng phát sinh té ngã, giúp các nhân viên chăm sóc rút ngắn được thời gian có mặt xử lý từ khi té ngã đến khi sơ cứu, tránh nguy cơ các chấn thương nghiêm trọng dẫn đến tàn tật.
Theo ông Nobuyuki, Trưởng Ban theo dõi các vấn đề người cao tuổi thuộc Viện Nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản, ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân của nước này coi trọng việc đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại vào chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đây là một thị trường tiềm năng không chỉ trong nước mà còn ở nhiều nước khác cũng đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.