13:43 21/10/2023

Khi “hạt gạo làng ta” thành sản phẩm OCOP

Trà Giang

Hiện nay, mỗi một ngành chức năng, mỗi một địa phương cũng như chủ thể sản xuất đều đang nỗ lực tạo sức bật cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP vì mục đích nâng cao vị thế, tạo ra sản phẩm hàng hóa, khơi thông thị trường, đem lại giá trị kinh tế lớn...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Gạo lứt chứa hơn 120 chất kháng ô xy hóa trong màng gạo giúp hỗ trợ giảm nguy cơ ung thư, riêng trà gạo lứt có công dụng giúp mát gan, giải độc, bổ sung vitamin và dưỡng chất, tăng cường sức đề kháng, tốt cho giấc ngủ. Đặc biệt là khi bổ sung gạo lứt trong chế độ ăn hàng ngày giúp cơ thể con người được cung cấp gần 90% nhu cầu mangan và khoảng 20% nhu cầu về magie. Bột gạo lứt chứa nhiều vitamin, khoáng chất cũng như các yếu tố vi lượng đặc biệt tốt cho sức khoẻ.

SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ CHẾ BIẾN CHUYÊN SÂU

Mới đây, Hội LHPN Việt Nam đã trao giải cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”. Theo đó, Ban tổ chức đã trao giải đặc biệt trị giá 120 triệu đồng cho chị Hoàng Thùy Linh (Vĩnh Phúc) với sản phẩm Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phát triển sữa gạo lứt hữu cơ.

Chia sẻ về dự án đoạt giải đặc biệt, chị Hoàng Thùy Linh cho biết, xuất phát từ tình yêu dành cho mẹ chồng bị ung thư, cùng với lòng trắc ẩn với những bệnh nhân đái tháo đường và ung thư, sau nhiều lần nghiên cứu và phát triển, công ty của chị đã cho ra đời công thức sản xuất sữa bột gạo lứt hữu cơ. Nhờ đó, Công ty cổ phần thực phẩm DBFOOD là đơn vị đầu tiên sản xuất các sản phẩm từ gạo lứt theo hướng đi hoàn toàn mới, sử dụng công nghệ chế biến chuyên sâu kết hợp chiết tách nano các hoạt chất dược liệu quý để cho ra đời các sản phẩm từ gạo lứt có chất lượng cao, hoàn toàn khác biệt trên thị trường.

Bà Hoàng Thùy Linh, Công ty cổ phần thực phẩm DBFOOD nhận giải cuộc thi giải cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp.
Bà Hoàng Thùy Linh, Công ty cổ phần thực phẩm DBFOOD nhận giải cuộc thi giải cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp.

Nhờ kết nối được với một giáo sư người Pháp và một số chuyên gia lúa gạo Việt Nam, từ đó cơ sở sản xuất đã biết được cách tách dầu và kết hợp các loại hạt sao cho tự ức chế nhau sinh ra chất bảo quản tự nhiên, không cần thêm hương liệu hay phụ gia. Đặc biệt, cơ sở sản xuất đã biết đến loại gạo lứt xanh, tức gạo thu hoạch khi lúa chín già khoảng 85% cho hàm lượng vi chất và khoáng chất cao nhất, đồng thời có vị dễ chịu hơn.

Hiện tại, các sản phẩm của công ty bao gồm: bột sữa gạo lứt hữu cơ DBFOOD vị mặn, ngọt và không đường; bột sữa gạo lứt trà hoa vàng; trà gạo lứt hữu cơ hoa bách hợp, trà gạo lứt đông trùng hạ thảo… được sản xuất theo công nghệ độc quyền. Công ty có 9 sản phẩm OCOP 4 sao với mức giá dao động từ 55.000 - 335.000 đồng/sản phẩm.

“Sản phẩm chủ đạo của công ty là các dòng sản phẩm từ bột sữa gạo lứt hữu cơ – sự kết hợp của gạo lứt hữu cơ và các loại quả hạt như macca, sa chi, óc chó, hạt điều, hạnh nhân... Với công nghệ đặc biệt không rang, không phá vỡ cấu trúc hạt gạo, giữ nguyên chất dinh dưỡng của lớp màng cám, nhằm mang đến cho người tiêu dùng một sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao, có nguồn gốc từ thực vật, tốt cho người ung thư và tiểu đường”, bà Hoàng Thị Thuỳ Linh, Phó Tổng Giám đốc DBFOOD cho biết.

Công ty cổ phần thực phẩm DBFOOD là đơn vị đầu tiên sản xuất các sản phẩm từ gạo lứt sử dụng công nghệ chế biến chuyên sâu.
Công ty cổ phần thực phẩm DBFOOD là đơn vị đầu tiên sản xuất các sản phẩm từ gạo lứt sử dụng công nghệ chế biến chuyên sâu.

NHỮNG DOANH NHÂN NÔNG DÂN

Cũng như công ty DBFOOD, nhận thấy gạo lứt cùng với hạt sen và mè đen có nhiều công dụng, tốt cho sức khoẻ con người, anh Quách Ngọc Tệt, chủ hộ kinh doanh Quách Tệt (TP. Cà Mau) đã phát triển thành công sản phẩn bột gạo lứt - hạt sen và được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao năm 2021.

Với truyền thống, kinh nghiệm trong lĩnh vực Đông y, gia đình anh Quách Tệt chú trọng phát triển các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên giúp mang lại sức khoẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người. Bên cạnh việc bày bán tại cửa hàng, anh Tệt còn giới thiệu và bán sản phẩm trên các trang thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Fanpage để sản phẩm được tiêu thụ ngày càng rộng rãi. Hiện tại, bình quân mỗi tháng cơ sở kinh doanh của anh cung ứng ra thị trường khoảng 1,2 tấn bột, sau khi trừ chi phí thu về lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng.

Khi “hạt gạo làng ta” thành sản phẩm OCOP - Ảnh 1

Tương tự, với mong muốn góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, anh Lê Quang Cảnh thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Tư Nghĩa ở xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên phát triển liên kết theo chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các dòng sản phẩm gạo lứt xếp hạng OCOP 3 sao được thị trường đón nhận tin dùng. 

Tại quầy hàng trưng bày tại khu vực quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt, anh Lê Quang Cảnh cho biết “Trà gạo lứt ban mai Cát Tiên” là một trong 5 dòng sản phẩm chính của HTX nghiên cứu, chế biến đưa ra thị trường trong hơn 2 năm qua. 4 dòng sản phẩm còn lại đang lưu thông trên thị trường các vùng, miền trong nước với nguyên liệu 100% gạo lứt Cát Tiên rang xay nguyên chất kết hợp một tỷ lệ nhất định của các thành phần khác như: bột gạo lứt chùm ngây; bột gạo lứt hạt sen; trà gạo lứt; bột cám gạo chè xanh. Tất cả đều được các cơ quan chuyên trách chứng nhận đảm bảo điều kiện sản xuất và sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dòng sản phẩm gạo lứt xếp hạng OCOP 3 sao của HTX Tư Nghĩa.
Dòng sản phẩm gạo lứt xếp hạng OCOP 3 sao của HTX Tư Nghĩa.

Để phát triển ổn định vùng nguyên liệu 40 ha diện tích lúa hữu cơ chế biến các dòng sản phẩm gạo lứt OCOP cung cấp cho nhu cầu thị trường cạnh tranh, HTX Tư Nghĩa tổ chức sản xuất theo kế hoạch mỗi năm 3 vụ trên địa bàn huyện Cát Tiên từ năm 2015 đến nay. Theo đó, phía HTX cung ứng nguồn lúa giống ST25 chất lượng cao, cơ giới hóa sản xuất, chuyển giao kỹ thuật canh tác, bao tiêu toàn bộ sản lượng thu hoạch. Phía hộ thành viên có diện tích đất, số lượng lao động phù hợp, tuân thủ quy trình canh tác hữu cơ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kết quả qua 3 vụ sản xuất trong một năm vừa qua, trung bình trên 1 ha sản xuất 3 vụ lúa hữu cơ được HTX bao tiêu “giá trước” đã mang lại lợi nhuận cho thành viên hơn 150 triệu đồng, cao hơn khoảng 15 - 20 triệu đồng so với sản xuất thông thường. Đây là một trong những động lực để HTX vươn lên mở rộng thị trường trong nước cũng như tích cực tham gia vào thị trường xuất khẩu, mang hạt gạo lứt hữu cơ Việt Nam ra với thế giới.