11:31 09/03/2007

Khi “khai thác mỏ” chào bán cổ phiếu

Hải Bằng

Công ty Cổ phần Cavico Việt Nam khai thác mỏ và xây dựng (Cavico Mỏ) sẽ chào bán 1,5 triệu cổ phiếu phổ thông

Hoạt động khai thác mỏ của Cavico Việt Nam.
Hoạt động khai thác mỏ của Cavico Việt Nam.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa cấp phép cho Công ty Cổ phần Cavico Việt Nam khai thác mỏ và xây dựng (Cavico Mỏ) chào bán 1,5 triệu cổ phiếu phổ thông ra công chúng.

Những thông tin dưới đây sẽ giúp nhà đầu tư nắm rõ hơn về Cavico Mỏ.

Cavico Mỏ có vốn điều lệ hiện tại 31 tỷ đồng, trong đó, Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Việt Nam (Công ty Cavico Việt Nam - hiện đang có cổ phần trao đổi trên thị trường chứng khoán Pink Sheet Hoa Kỳ với mã giao dịch là CVCP) nắm giữ: 1.545.000 cổ phiếu, tương ứng 49,84% vốn điều lệ, trong đó có 620.000 cổ phiếu sáng lập và 925.000 cổ phiếu phổ thông, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội sở hữu 5% và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội nắm giữ 7%.

Lợi nhuận sau thuế chín tháng năm 2006 của công ty chỉ chiếm khoảng 55% so với năm 2005 là do công ty có đặc thù xuất hóa đơn để xác định doanh thu vào cuối năm. Do đó, công ty vẫn có thể đảm bảo mức lợi nhuận sau thuế theo dự báo là gần 8 tỷ trong năm 2006.

Mặc dù do chi phí quản lý năm 2005 cũng giảm so với năm 2004, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 0,34% so với năm 2004 là do chi phí giá vốn sản phẩm dịch vụ tăng mạnh. Do vậy, các chỉ tiêu về lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, lợi nhuận trước và sau thuế của công ty giảm nhẹ so với năm 2004.

Tuy vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của công ty trung bình hai năm 2004 và 2005 là 34,76%.

Cavico Mỏ là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bốc xúc, khai thác mỏ và xây lắp các dự án thủy điện. So với quy mô của các doanh nghiệp cổ phần trong ngành thi công khai thác mỏ hiện nay, Cavico Mỏ là công ty lớn nhất. Cavico Mỏ là công ty cổ phần đầu tiên chính thức ký được các hợp đồng lớn với các tổng công ty lớn của Nhà nước và có mô hình năng động, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến nhất so với các công ty cùng ngành nghề.

Thương hiệu Cavico đã khá quen thuộc với khách hàng trong nước, ngành nghề kinh doanh đa dạng nên có thể giảm thiểu rủi ro ngành, đội ngũ quản lý có trình độ, kinh nghiệm, năng động, có tinh thần trách nhiệm, gắn bó với công ty, đoàn kết tạo thành một khối thống nhất, đội ngũ cán bộ công nhân viên lao động, sản xuất hăng say, đạt hiệu quả cao trong kinh doanh.

Trong vài năm trở lại đây, do đầu tư đúng hướng và thị trường năng lượng thế giới có nhiều thay đổi, ngành than đã có bước phát triển với sản lượng than sản xuất và than tiêu thụ đều đạt mức cao, đảm bảo đủ nhu cầu trong nước, đặc biệt sản lượng và kim ngạch xuất khẩu than đã được tăng lên không ngừng. Đây cũng là một thuận lợi cho Cavico Mỏ.

Những năm trở lại đây, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định. Sự phát triển lạc quan của nền kinh tế có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của ngành khai thác mở và xây dựng. Do vậy, có thể thấy rủi ro biến động của nền kinh tế với công ty là không cao.

Cavico Mỏ là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong ngành khai thác mỏ và bốc xúc đất đá của mỏ cũng như xây lắp nên hoạt động của công ty cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ các chính sách của Nhà nước như định hướng phát triển ngành than và khoáng sản, xu hướng khuyến khích hay hạn chế các ưu đãi đối với các doanh nghiệp thủy điện...

Tất cả những xu hướng, chính sách này đều ảnh hưởng tới sự phát triển của công ty. Do đó, công ty cũng luôn tính toán đảm bảo dự trữ nguyên liệu hợp lý, vừa tránh để tình trạng hàng tồn kho quá lớn đồng thời không để ảnh hưởng lớn tới kết quả sản xuất kinh doanh khi có biến động giá.

Rủi ro về tỷ giá ngoại hối cũng tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của công ty khi phần lớn máy móc thiết bị đều mua từ nước ngoài. Cơ cấu nợ phải trả/tổng nguồn vốn của Cavico Mỏ khá cao, năm 2004 là 91,46%, năm 2005 là 86,40% cho thấy công ty đang kinh doanh dựa trên một cơ cấu tài chính khá rủi ro, khoản nợ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản tạo nên áp lực thanh toán lãi vay cũng như vốn vay.

Chỉ tiêu về khả năng thanh toán phản ánh rõ rủi ro thanh toán của công ty, hệ số thanh toán ngắn hạn năm 2004 là 0,57 và năm 2005 là 0,78, hệ số thanh toán nhanh năm 2004 là 0,04 và năm 2005 là 0,03.

Do vậy, công ty đã, đang và sẽ có nhu cầu lớn về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn tới, chắc chắn vẫn phải sử dụng các nguồn vay tín dụng. Đối với các khoản vay ngắn hạn, sự biến động về lãi suất có thể sẽ ảnh h ưởng đến hiệu quả của công ty.

Ngoài ra, khi Cavico Mỏ có kế hoạch đầu tư mở rộng kinh doanh thì nhu cầu vay vốn dài hạn sẽ cần thiết để tài trợ cho các dự án. Với sự chuyển mình mạnh mẽ như vậy, nếu Công ty không có kế hoạch triển khai hợp lý có thể dẫn đến rủi ro trong khả năng chi trả lãi vay cũng như vốn vay.

Để giải quyết thực trạng này, công ty đã có kế hoạch sau khi niêm yết cổ phiếu sẽ sử dụng những ưu thế của thị trường chứng khoán để huy động vốn, tăng vốn điều lệ đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh được ổn định, phát triển bền vững.