08:03 24/09/2024

Khi kim cương khủng hoảng, trang sức hổ phách “lên ngôi”

Băng Hảo

Thị trường kim cương sử dụng trong ngành công nghiệp trang sức đang trải qua thời kỳ suy giảm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang lựa chọn những loại đá quý thay thế bền vững hơn và có mức giá hợp lý hơn…

Ảnh: Art Gemelli
Ảnh: Art Gemelli

PriceScope - nền tảng dữ liệu theo dõi kim cương toàn cầu - cho hay giá kim cương các loại tiếp tục giảm trong 3 tháng liên tiếp gần đây. Đến tháng 9, giá trung bình cho mỗi carat của một viên kim cương tròn 1 - 1,19 carat màu G độ trong VS1 là 5.699 USD so với mức 5.999 USD vào tháng trước. Trung bình cho mỗi carat của kim cương tròn đã giảm 5%, theo Reuters.

Đặc biệt, sự phục hồi doanh số bán kim cương tại Trung Quốc đã bị đình trệ sau khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng. Dữ liệu từ Paul Zimnisky, một công ty phân tích kim cương độc lập, cho thấy doanh số bán trang sức kim cương đã giảm 3% trong năm ngoái, xuống còn 12,8 tỷ USD ở Trung Quốc, bao gồm Hong Kong, Ma Cao và Đài Loan.

Al Cook, giám đốc điều hành của De Beers, công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới tính theo giá trị, cho biết nhu cầu của Trung Quốc đã bị kéo xuống do sự suy giảm những người mua nhà mới. Theo văn hóa Trung Quốc, khi mua nhà, mọi người thường mua thêm đá quý.

Bên cạnh đó, nguyên nhân còn đến từ việc giới trẻ tại thị trường này hiện không mấy mặn mà với việc tiến đến hôn nhân. “Chúng ta cần phải thấy những yếu tố đó được giải quyết. Nhưng thành thật, tôi nghĩ việc đó sẽ mất nhiều thời gian hơn mọi người nghĩ. Các vấn đề của người tiêu dùng Trung Quốc dường như sẽ kéo dài trong một thời gian nữa”, ông Cook nói với Financial Times.

Sự phục hồi doanh số bán kim cương tại Trung Quốc đã bị đình trệ do cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Sự phục hồi doanh số bán kim cương tại Trung Quốc đã bị đình trệ do cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Giá kim cương đánh bóng tự nhiên đã giảm 18% trong năm ngoái, theo WWW International Diamond Consultants. Nikunj Haresh Dobariya, nhà bán kim cương Zuri (Hong Kong), cho biết nhu cầu về kim cương tự nhiên của Trung Quốc đã giảm tới 50% về số lượng so với mức trước đại dịch. “Hiện tại rất khó khăn để kinh doanh kim cương ở Trung Quốc. Tôi dự đoán sẽ phải mất thêm một năm nữa để nhu cầu quay trở lại”, ông nhận định.

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Bain & Company, nhu cầu kim cương giảm đã cản trở sự phục hồi của thị trường xa xỉ Trung Quốc, vốn đã tăng 12% vào năm 2023, nhờ hoạt động mua sắm thời trang, trang sức và túi xách. Người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến trang sức bằng vàng như một cách an toàn để cất giữ tài sản. Ngoài ra, họ cũng bắt đầu quan tâm đến những loại đá quý khác bền vững hơn và có giá trị đầu tư tốt, chẳng hạn như ngọc bích và thậm chí là đá bán quý như hổ phách.

Ở Trung Quốc, hổ phách từ lâu đã được coi là mang lại may mắn, được sử dụng làm tràng hạt cầu nguyện trong Phật giáo Trung Quốc. Trong khi đó, ở vùng Baltic, hổ phách có ý nghĩa quan trọng, được coi là món quà từ các vị thần vì đặc tính chữa bệnh. Thời Trung cổ, đồ trang sức hổ phách tượng trưng cho sự giàu có và quyền lực của giới quý tộc châu Âu, được sử dụng để trang trí vương miện, vương trượng và các báu vật hoàng gia khác.

Ngoài giá trị thẩm mỹ, hổ phách còn được coi là vật liệu hỗ trợ sức khỏe.
Ngoài giá trị thẩm mỹ, hổ phách còn được coi là vật liệu hỗ trợ sức khỏe.

Ngày nay, hổ phách xuất hiện ngày càng nhiều trong quá trình chế tác các tác phẩm trang sức cao cấp độc đáo. Một trong những nhà kim hoàn nổi tiếng thế giới Hemmerle đang rất tích cực sử dụng hổ phách trong các sản phẩm của mình. Được thành lập tại Munich, Đức, thương hiệu Hemmerle nổi tiếng với việc sử dụng các vật liệu bất quy ước. Khắc hổ phách thành hạt, sau đó kết hợp chúng với sapphire, những nghệ nhân của Hemmerle cho rằng tông màu rực rỡ của hổ phách có thể kết hợp hoàn hảo với san hô cổ, đá sapphire, gỗ và các vật liệu khác.

Tương tự, nhà thiết kế trang sức nổi tiếng Glenn Spiro cũng rất chú ý tới hổ phách. Trong bộ sưu tập Materials of the Old World được ra mắt tại Hội chợ nghệ thuật và thiết kế London (Anh), Glenn Spiro đã cắt hổ phách cổ thành những viên tròn trang trí, gắn kèm đá citrine và kim cương trắng trên những chiếc vòng cổ vàng.

Riêng đối với Iryna Karpova, một nhà thiết kế kiêm thợ kim hoàn Ukraine, sức hấp dẫn của hổ phách nằm ở lịch sử của nó. Tại Triển lãm trang sức quốc tế GemGeneve 2024, Iryna Karpova đã trưng bày những các tác phẩm trang sức độc đáo của mình. Mỗi món đồ trang sức kết hợp hổ phách Ukraine với kim cương, gỗ mun và các họa tiết chạm khắc tinh xảo. “Nguồn gốc hữu cơ, vẻ đẹp, sự quyến rũ và những câu chuyện lưu giữ khiến nó trở thành một phương tiện độc đáo cho việc khám phá nghệ thuật và khoa học”, nhà nữ thiết kế nói.

Ngày nay, hổ phách xuất hiện ngày càng nhiều trong quá trình chế tác các tác phẩm trang sức cao cấp.
Ngày nay, hổ phách xuất hiện ngày càng nhiều trong quá trình chế tác các tác phẩm trang sức cao cấp.

Thương hiệu trang sức từng đoạt giải thưởng Michael John Jewelry là công ty trang sức cao cấp đầu tiên có trụ sở tại Hoa Kỳ tạo ra bộ sưu tập độc quyền, tập trung vào hổ phách để bán lẻ tại thị trường Trung Quốc sau khi được thương hiệu và nhà phân phối hổ phách nổi tiếng của Châu Âu, S&A, tiếp cận.

S&A phân phối tại hơn 120 cửa hàng bách hóa cao cấp và cửa hàng bán lẻ độc lập trên khắp Trung Quốc. Các sản phẩm hổ phách của Michael John Jewelry được thiết kế và sản xuất tại Hoa Kỳ và sau đó bày bán tại các cửa hàng bách hóa hàng đầu ở các khu vực như Bắc Kinh, Thâm Quyến và Quảng Châu.

Bộ sưu tập mới nhất bao gồm 30 thiết kế đặc trưng, ​​mỗi thiết kế được làm thủ công riêng và tùy chỉnh để phù hợp với các loại đá quý hiếm. Các thiết kế được chọn có hổ phách xanh, loại hiếm nhất và đắt nhất trong họ hổ phách. Các thiết kế của Michael John Jewelry kết hợp liền mạch các yếu tố của thiên nhiên, kiến ​​trúc và màu sắc, giữ cho bộ sưu tập hổ phách độc quyền này đúng với thương hiệu Michael John Jewelry đồng thời bổ sung tính thẩm mỹ thiết kế hữu cơ, chịu ảnh hưởng của văn hóa Châu Á.

“Chúng tôi coi sự hợp tác với trang sức hổ phách S&A là khởi đầu cho mối quan hệ phát triển mạnh mẽ mà thương hiệu Michael John Jewelry sẽ tạo ra với thị trường trang sức cao cấp tại Trung Quốc”, Michael Hezar, Tổng giám đốc điều hành kiêm nhà thiết kế của Michael John Jewelry, cho biết. “Do tình trạng thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu cao ở thị trường Trung Quốc, giá hổ phách gần đây đã tăng vọt và loại hổ phách chất lượng hàng đầu hiện đắt hơn vàng”, Vivian Yang, Tổng giám đốc điều hành của S&A China cũng thông tin.

Do tình trạng thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu cao ở thị trường Trung Quốc, giá hổ phách gần đây đã tăng vọt.
Do tình trạng thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu cao ở thị trường Trung Quốc, giá hổ phách gần đây đã tăng vọt.

Hổ phách là loại đá bán quý hóa thạch tự nhiên của nhựa cây thuộc họ lá kim có tuổi đời từ 30 đến 90 triệu năm thông qua một quá trình biến đổi hóa học. Quá trình làm cho hổ phách trở nên trong mờ, để lộ các tạp chất tự nhiên, bao gồm các bong bóng khí và các sinh vật cổ đại bị mắc kẹt, từ thực vật đến côn trùng và thậm chí cả động vật có xương sống nhỏ.

Các mỏ hổ phách lớn nhất hiện nay nằm ở Cộng hòa Dominica, Mexico và Myanmar, nhưng đặc biệt là ở bờ biển Amber - một khu vực gần Kaliningrad, Nga, được khai quật từ giữa thế kỷ 19. Ở đó, hai mỏ - Palmnikenskoe và Primorskoe ước đoán chứa đựng 80% tổng lượng hổ phách của toàn thế giới.