16:13 11/07/2024

Trang sức “vàng tái chế” có thực sự bền vững?

Minh Nguyệt

Các thương hiệu từ Pandora đến Prada đã cam kết chỉ sử dụng vàng tái chế nằm tạo ra những món trang sức phù hợp về mặt đạo đức và môi trường. Nhưng những gì được coi là “vàng tái chế” lại đang gây ra những tranh cãi...

Ảnh: The Business of Fashion.
Ảnh: The Business of Fashion.

Hãng tư vấn quản lý McKinsey dự đoán, đến năm 2025, các tiêu chí bền vững sẽ chi phối đến 20 - 30% giao dịch mua đồ trang sức cao cấp. Hãng nhấn mạnh rằng 43% nhóm người tiêu dùng xa xỉ thuộc Gen Z giờ đây ưa chuộng các thương hiệu có uy tín về tính bền vững.

NHỮNG THƯƠNG HIỆU TIÊN PHONG

Pandora đã thay đổi nguồn cung cấp kim loại quý và hiện chỉ cung cấp bạc và vàng tái chế cho tất cả đồ trang sức của mình, điều này sẽ giúp hãng kim hoàn tránh được khoảng 58.000 tấn CO 2 mỗi năm. Sự thay đổi này tránh được lượng phát thải khí nhà kính đáng kể vì việc khai thác đòi hỏi nhiều năng lượng và tài nguyên hơn là tái chế. Lượng khí thải carbon của bạc tái chế bằng 1/3 so với bạc khai thác, trong khi việc tái chế vàng thải ra ít hơn 1% lượng khí thải carbon từ khai thác vàng mới.

“Kim loại quý có thể được tái chế mãi mãi mà không bị giảm chất lượng,” Alexander Lacik, Giám đốc điều hành của Pandora cho biết. “Vàng được khai thác ban đầu từ nhiều thế kỷ trước vẫn tốt như mới và việc tái chế được cải thiện có thể làm giảm đáng kể dấu chân khí hậu của ngành trang sức”. Vào năm 2020, Pandora đặt mục tiêu cung cấp 100% bạc và vàng tái chế vào năm 2025 và hiện công ty đã đạt được cột mốc này sớm hơn dự kiến ​​– vào cuối năm 2023 – nhờ vào cam kết mạnh mẽ từ các nhà cung cấp.

Nhiều thương hiệu đã cam kết chỉ sử dụng vàng tái chế nằm tạo ra những món trang sức phù hợp về mặt đạo đức và môi trường.
Nhiều thương hiệu đã cam kết chỉ sử dụng vàng tái chế nằm tạo ra những món trang sức phù hợp về mặt đạo đức và môi trường.

Eliza Walter, đã sáng lập thương hiệu trang sức làm từ vật liệu tái chế Lylie, có trụ sở tại London, kể lại: “Vào năm 24 tuổi, tôi đi tham quan một xưởng đúc, nơi người ta giải thích rằng bảng mạch của điện thoại di động do động có chứa vàng, bạch kim và bạc. Điều này khiến tôi suy nghĩ về tiềm năng to lớn của rác thải điện tử”. Bảy năm sau đó, cô ra mắt thương hiệu trang sức sử dụng vàng thu hồi từ rác điện tử và vật liệu trám răng với các thiết kế trang tinh tế, được đính kim cương nhân tạo sản xuất phòng thí nghiệm hoặc đá tự nhiên cổ tái chế.

Walter cho biết lúc đầu, nguồn gốc của vàng khiến một số khách hàng của cô e ngại. “Tuy nhiên, chúng tôi không mất nhiều thời gian để thuyết phục họ. Chúng tôi nói với họ rằng nếu bạn khai thác một tấn quặng trên trái đất, bạn sẽ thu được chưa đến 30 gram vàng, trong khi nếu bạn khai thác một tấn rác điện tử, bạn sẽ kiếm được 300 gram vàng”.

Tương tự, thiết lập quan hệ đối tác lâu dài cũng là con đường mà Công ty Royal Mint của hoàng gia Anh lựa chọn. Dòng trang sức 866 của Royal Mint sử dụng vàng từ công ty tái chế rác thải điện tử Excir và mua bạc được chiết xuất từ phim X-quang cũ của Công ty Betts Metals.

CẦN RÕ RÀNG HƠN TRONG NHỮNG QUY ĐỊNH

Tuy nhiên, khi sự quan tâm đến vật liệu này ngày càng tăng, thì sự chỉ trích từ một nhóm người trong ngành và những người ủng hộ sự bền vững cũng tăng theo. Bởi lẽ theo tiêu chuẩn hiện hành, vàng tái chế không có nhiều ý nghĩa về mặt bền vững.

Nấu chảy và tái sử dụng kim loại đang lưu hành có tác động môi trường thấp hơn so với khai thác quặng mới - một quá trình sử dụng nhiều carbon và nước cũng có liên quan đến ô nhiễm thủy ngân, bóc lột sức lao động và điều kiện làm việc nguy hiểm. Nhưng các nhà phê bình cho rằng vàng có giá trị đến mức nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn kim loại tái chế cho đến nay vẫn không làm giảm khối lượng khai thác.

Nguồn gốc của vàng tái chế rất khó để truy xuất, làm tăng nguy cơ vàng có nguồn gốc không rõ ràng có thể lọt vào chuỗi cung ứng.
Nguồn gốc của vàng tái chế rất khó để truy xuất, làm tăng nguy cơ vàng có nguồn gốc không rõ ràng có thể lọt vào chuỗi cung ứng.

Cuộc tranh luận nổ ra trong tuần này khi Diễn đàn tác động kim loại quý, một sáng kiến ​​​​nhiều bên liên quan đang vận động hành lang để tăng cường cách phân loại vàng tái chế, công bố một bức thư ngỏ phản đối mạnh mẽ các tác nhân trong ngành mà họ tuyên bố đang thúc đẩy đề xuất tiêu chuẩn mới. Chủ tịch Ủy ban ISO về đồ trang sức và kim loại quý, Jonathan Jodry, thừa nhận đã có những căng thẳng. Ông nói, vai trò của tổ chức là đưa ra các tiêu chuẩn rõ ràng, khả thi nhằm cân bằng lợi ích của tất cả các bên.

Các nhà phê bình cho rằng định nghĩa về vàng tái chế lỏng lẻo đến mức bất kỳ vàng nào đã được tái chế - ngay cả khi nó được khai thác chỉ vài ngày trước đó và chưa bao giờ tiếp xúc với người tiêu dùng - đều có thể được bán dưới nhãn hiệu “bền vững”, khiến vàng tái chế trở thành “xanh” một cách không xứng đáng. Ngoài ra còn có những vấn đề về chuỗi cung ứng. Nguồn gốc của vàng tái chế rất khó để truy xuất, làm tăng nguy cơ vàng có nguồn gốc không rõ ràng có thể lọt vào chuỗi cung ứng.

Tổ chức thương mại Hội đồng Trang sức có trách nhiệm cho rằng vàng chỉ nên được phân loại là tái chế nếu nó đã được “thu hồi từ bất kỳ sản phẩm nào có trọng lượng dưới 2% vàng” và nếu nó “được định sẵn sẽ bị loại bỏ”. Điều này sẽ áp dụng cho vật liệu được tìm thấy trong rác thải điện tử, ví dụ như điện thoại thông minh. Đồng thời, một nhóm làm việc tại ISO đang tư vấn về một định nghĩa mới cho phép phân biệt “vàng tái chế trước khi tiêu dùng” và “vàng tái chế sau tiêu dùng”.

Sự tranh cãi về khái niệm cũng như tiêu chuẩn bền vững khiến nhiều thương hiệu đau đầu. Nhà thiết kế trang sức Monica Vinader, người đã dành nhiều năm cải tổ chuỗi cung ứng của mình để chỉ tìm nguồn vàng tái chế được chứng nhận, cho biết: “Đây trở thành một cuộc chiến về vấn đề ngữ nghĩa. Thực tế, chúng ta không nên quan tâm đến việc chúng ta gọi chất liệu đó là gì, mà là nó đến từ đâu”.

Đối với Pandora, việc chuyển sang sử dụng vàng tái chế là một phần trong tham vọng giảm lượng khí thải carbon. Công ty cho biết họ tuân thủ “tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất trong ngành” đối với kim loại tái chế, chuỗi hành trình sản phẩm và sẽ luôn sử dụng các tiêu chuẩn tốt nhất hiện có. Gã khổng lồ xa xỉ LVMH cũng mong muốn thấy những quy định chi tiết hơn về nguồn gốc của vàng tái chế, giúp hỗ trợ các quy trình và kiểm soát mạnh mẽ hơn đối với chuỗi cung ứng phức tạp. Prada thì từ chối bình luận.

Ước tính, mỗi năm thế giới xả khoảng 20 - 50 triệu tấn chất thải điện tử, tương đương hơn 5% tổng số chất thải rắn đô thị.
Ước tính, mỗi năm thế giới xả khoảng 20 - 50 triệu tấn chất thải điện tử, tương đương hơn 5% tổng số chất thải rắn đô thị.

Theo Financial Times, là chất dẫn điện tốt, vàng được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm điện tử. Trước tình hình rủi ro địa chính trị tại Trung Đông, vàng được coi là tài sản trú ẩn an toàn. Giá vàng tăng kéo theo nhu cầu tái chế kim loại để lấy vàng cũng tăng theo.

Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nguồn cung vàng tái chế toàn cầu đã tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 923,7 tấn, vượt xa mức tăng trưởng 3% từ việc khai thác mỏ. Nguồn cung từ việc tái chế trong năm 2023 đã tiệm cận với khối lượng 1.293,1 tấn của năm 2020, cao nhất trong thập kỷ qua.

Vàng tái chế hiện chiếm dưới 30% nguồn cung toàn cầu. Theo WGC, với sản lượng từ các mỏ bị đình trệ, việc thu hồi kim loại quý từ điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng cũ và các phế liệu khác đang trở nên quan trọng. Ước tính, mỗi năm thế giới xả khoảng 20 - 50 triệu tấn chất thải điện tử, tương đương hơn 5% tổng số chất thải rắn đô thị.

Bộ Môi trường Nhật Bản cho hay trung bình cứ 10.000 chiếc điện thoại hỏng có thể thu về khoảng 280 gram vàng. Việc khai thác vàng từ rác điện tử hiệu quả hơn 56 lần so với khai thác vàng từ tự nhiên.