09:21 08/04/2015

Khi nào được dùng “biện pháp điều tra đặc biệt”?

Nguyễn Lê

Biện pháp điều tra đặc biệt là nội dung được thảo luận sôi nổi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.<br>
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.<br>
Biện pháp điều tra đặc biệt được áp dụng với ai? Thời hạn áp dụng bao lâu? Ai là người ra quyết định áp dụng và người có thẩm quyền phê chuẩn quyết định áp dụng? Hàng loạt câu hỏi đã được Ủy ban Tư pháp đặt ra khi thẩm tra dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Biện pháp điều tra đặc biệt trong tố tụng hình sự cũng là nội dung được thảo luận sôi nổi tại phiên họp chiều 7/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Dự án luật dành hẳn một chương 19 để quy định về biện pháp điều tra đặc biệt, nhưng đây là vấn đề được Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết là còn có ý kiến khác nhau.

Hầu hết ý kiến trong cơ quan soạn thảo cho rằng, việc luật hóa các biện pháp điều tra đặc biệt trong dự thảo Bộ luật là cần thiết, nhằm cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”, tạo cơ sở pháp lý để thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh chống tội phạm hiện nay, mở rộng nguồn chứng cứ có giá trị trực tiếp chứng minh tội phạm, ông Bình trình bày.

Tuy còn có đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc luật hóa các biện pháp này vì đây là vấn đề rất nhạy cảm, song dự thảo thể hiện theo ý kiến của đa số.

Cho rằng việc ghi nhận trong dự thảo bộ luật một số biện pháp điều tra đặc biệt ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân là cần thiết, song cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc thu hẹp phạm vi áp dụng là chỉ đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, tội khủng bố, rửa tiền và tội phạm về tham nhũng

Thời điểm áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt ngay từ khi kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm như dự thảo được Ủy ban thẩm tra nhìn nhận là chưa chặt chẽ.

Đề nghị cân nhắc để xác định thời điểm áp dụng hợp lý như khi đã xác định được đối tượng nghi vấn, hoặc kể từ khi khởi tố bị can, để tránh lạm dụng áp dụng tràn lan, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Ủy ban Tư pháp cũng nhấn mạnh khi quy định những biện pháp trực tiếp hạn chế quyền con người, quyền công dân (như bí mật đời tư, thư tín, chỗ ở, tài sản) thì phải ghi rõ trong Bộ luật tố tụng hình sự, không để văn bản dưới luật quy định

Và cần làm rõ biện pháp đặc biệt được áp dụng với ai? Thời hạn áp dụng bao lâu? Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng và người có thẩm quyền phê chuẩn quyết định.

Đồng tình với lập luận của cơ quan thẩm tra, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Sơn cho rằng phải xác định cụ thể cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng biện pháp điều tra đặc biệt như đọc trộm thư, email, nghe lén, ghi âm điện thoại, bí mật ghi hình…

Hiến pháp mới đã quy định rõ ràng về quyền tự do, bí mật cá nhân… thì trường hợp công dân có bị hạn chế, xâm phạm những quyền này cũng phải do luật định chứ không thể để ở pháp lệnh, nghị định… Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cùng quan điểm.

Ông Ksor Phước cũng đặt vấn đề cần có cơ quan quyền lực nhà nước giám sát việc thực hiện điều này. Bởi việc khởi tố, bắt người cũng cần phải được viện kiểm sát hoặc toà án chuẩn y mới được thực hiện,vậy vì sao khi áp dụng các biện pháp đặc biệt lại không cần thực hiện quy trình này trong khi đó cũng là những việc xâm phạm rất nghiêm trọng quyền tự do của con người?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận xét, chương 19 của dự thảo Bộ luật sửa đổi quy định về các biện pháp điều tra đặc biệt nêu ra 5 vấn đề nhưng quan trọng nhất là quy định biện pháp đặc biệt là biện pháp gì, trường hợp nào áp dụng thì lại không thể hiện.

Ông Lý cũng thống nhất quan điểm, các biện pháp điều tra đặc biệt nếu áp dụng cũng cần được quy định trong luật.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ quan điểm không đồng tình có một chương riêng về biện pháp điều tra đặc biệt trong Bộ luật tố tụng hình sự vì bản thân ông cũng chưa hiểu khái niệm này hàm ý chỉ biện pháp gì.

Vị thứ trưởng cho rằng cần phân biệt biện pháp điều tra tố tụng và biện pháp trinh sát của lực lượng công an. Nếu nói về trinh sát thì đây là hoạt động bí mật nên luật hóa cũng không để làm gì, luật hóa cũng khó vì vướng yêu cầu đảm bảo bí mật.
 
“Còn nói các biện pháp này là giống biện pháp trinh sát thì tôi chưa hiểu nó đặc biệt thế nào vì chúng tôi vẫn làm lâu nay. Chúng tôi chỉ phân biệt 2 loại chứng cứ là chứng cứ điện tử và chứng cứ nghe được, nhìn được. Và những thông tin kiểu nghe trộm, lén ghi hình… cũng chỉ phát huy tác dụng trong hoạt động trinh sát chứ khi đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bị can, bị cáo thì khi đó ở trại rồi, có được sử dụng điện thoại đâu mà tổ chức nghe trộm?”, ông Vương nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh nguyên tắc, dù gọi là đặc biệt hay bí mật, áp dụng khi trinh sát hay điều tra, thu thập chứng cứ hay tiến hành tố tụng mà xâm phạm đến quyền con người đều phải quy định trong luật.

“Có thể việc tổ chức nghe lén, quay lén không quy định chi tiết trong luật nhưng trường hợp nào được áp dụng, áp dụng biện pháp gì, ai có thẩm quyền cho phép áp dụng thì phải ghi cụ thể, phải quy định rõ ràng là việc áp dụng phải được viện kiểm sát phê chuẩn” , Chủ tịch Quốc hội lưu ý.