10:05 22/07/2025

Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin

Băng Sơn

Thời trang, từ lâu, không chỉ là chuyện quần áo. Từ tu viện đến xưởng thiết kế, từ nhà nguyện đến Met Gala... thời trang và tôn giáo có lẽ chưa bao giờ tách rời. Không phải vì chúng giống nhau, mà vì chúng cùng hướng đến niềm tin…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ thời trung cổ, trang phục tôn giáo đã mang tính nghi lễ cao, với màu sắc, chất liệu và hình dáng được mã hóa chặt chẽ. Đồng phục của tu sĩ, áo lễ linh mục, khăn trùm đầu của nữ tu... vừa mang ý nghĩa về chức năng, vừa truyền đạt hệ giá trị thiêng liêng.

Sau này, thời trang cao cấp đặc biệt là Haute Couture Pháp và các thương hiệu xa xỉ Mỹ đã dần phát triển một hệ thống biểu tượng song song, nơi mỗi bộ sưu tập mang hơi hướng một “nghi lễ trình diễn”. Chẳng hạn, Riccardo Tisci, trong thời kỳ lãnh đạo Givenchy, đã đưa Gothic Công giáo vào thời trang cao cấp với ren đen, mạng che mặt, thánh giá, và bầu không khí nhà nguyện Tây Ban Nha thế kỷ XV.

Không thể nhắc đến biểu tượng Công giáo trong thời trang mà không nhắc Gaultier, người từng khiến thế giới dậy sóng khi đưa hình ảnh Madonna theo cả nghĩa ca sĩ và Đức Mẹ lên sàn diễn. Trong bộ sưu tập Thu - Đông 2007 Couture của Gaultie, áo giáp hiệp sĩ thời Trung Cổ kết hợp với vòng hào quang ánh kim, mạng che mặt như nữ tu sĩ, cùng áo chẽn gợi cảm như một sự hòa trộn giữa sự sùng kính và phản nghịch.

Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 1

Ở phía bên kia Đại Tây Dương, Met Gala 2018 mang chủ đề “Heavenly Bodies” trở thành một cơn địa chấn văn hóa. Các nhà mốt từ Pháp, Ý, Mỹ đồng loạt thắp sáng một đêm catwalk bằng hình ảnh của Giáo hoàng, thánh đường, linh mục và nữ tu. Rihanna xuất hiện trong bộ đồ Margiela lấy cảm hứng từ Đức Giáo hoàng, biến biểu tượng quyền lực nam giới trở thành vương miện của nữ quyền thế kỷ XXI...

Với Thom Browne, nhà thiết kế Mỹ nổi tiếng với chủ nghĩa hậu hiện đại, tôn giáo lại hiện lên như một nghi lễ lạnh lùng của sự phục sinh. Những chiếc áo chùng, giày hình cột đá, váy tang trắng với kết cấu điêu khắc, tất cả khiến người xem có cảm giác thời gian và sự yên lặng đều trở thành chất liệu thiết kế.

Thời gian gần đây, trên Instagram, hashtag #HeavenCore bùng nổ: tràn ngập thánh giá, vầng hào quang, áo tu sĩ biến tấu thành crop top. Nhưng đừng vội gọi đó là báng bổ. Đó là một tuyên ngôn mới: Gen Z coi trang phục là sự cứu rỗi dưới góc nhìn hậu hiện đại.

Nhóm khách hàng này lớn lên trong thời đại khủng hoảng niềm tin, nơi các định chế thiêng liêng sụp đổ, nhưng ký ức thị giác vẫn còn nguyên. Do đó, họ tin vào năng lượng, vũ trụ, tarot, biểu tượng cổ xưa – và cả hình ảnh Công giáo như một lớp ngôn ngữ màu nhiệm.

Có lẽ vì thế, hình ảnh thánh giá đã xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, trong trend #gothcore, #angelcore, #CatholicChic? Bởi nó mang cảm giác nghiêm trang, cổ điển, đầy quyền lực – đúng như cách mà Gen Z đang tìm kiếm sự ổn định giữa một thế giới đổ vỡ.

Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 2
Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 3
 
Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 4
Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 5
 

Váy ren trắng như áo rửa tội, giày Mary Jane như học sinh trường đạo, khuyên tai hình Đức Mẹ – tất cả là những mảnh ghép vintage tạo nên bản sắc lai đầy nghịch lý vừa tin vừa hoài nghi, vừa thiêng liêng vừa nổi loạn.

Để chiều theo nhóm khách hàng mới, các nhà thiết kế không đơn thuần “mượn môtip tôn giáo”, họ thậm chí tái cấu trúc các nghi lễ ngay trong show diễn. Dior, Valentino và Dolce & Gabbana dựng cả nhà nguyện trong show, biến runway thành giáo đường. Mới đây nhất bộ sưu tập Alta Sartoria dành cho nam giới của Dolce & Gabbana cũng mang đến sự kết hợp tuyệt vời giữa đức tin và nghệ thuật thủ công.

Dù Stefano Gabbana đã vắng mặt để ở bên người mẹ đang đau yếu - một lời nhắc nhở lặng lẽ về những nhịp điệu sâu lắng hơn của cuộc sống ẩn sau vẻ ngoài hào nhoáng của thời trang, tuy nhiên, chương trình vẫn tiếp tục. Dưới ánh hoàng hôn buông xuống trên nền Lâu đài Sant'Angelo uy nghi. Tọa lạc bên bờ sông Tiber, show diễn mở màn với một chiếc áo choàng được thêu cầu kỳ mô tả mật nghị hồng y năm 1903 viền bằng những đường kim tuyến tinh xảo.

Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 6
Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 7
 
Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 8
Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 9
 
Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 10
Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 11
 

Nhưng điều khiến giới mộ điệu khen ngợi bộ sưu tập này không phải là cảm hứng tôn giáo, mà chính là độ chỉn chu đến từng chi tiết và những thành quả vượt xa đời thường: những chiếc áo lấy cảm hứng từ lễ phục, được may bằng vải lanh thêu ren kết hợp với quần satin dài thướt tha màu đỏ, xanh lá cây và vàng, áo choàng dài chấm đất được khâu tỉ mỉ hình ảnh tòa lâu đài, áo trắng không tay được đúc hình khuôn mặt của các thiên thần trên cây cầu.

Domenico Dolce và Stefano Gabbana chọn trang phục giáo sĩ làm chủ đề, và họ không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào, từ nét giản lược cho đến mức độ trau chuốt mang tinh thần lễ nghi từ phong cách khổ hạnh đến những họa tiết nhấn mạnh vào sự cầu kỳ.

Những chiếc khác được thêu kim tuyến lộng lẫy, hoặc thêu bằng chỉ kim loại quý, được buộc bằng dây thắt lưng lụa. Một chiếc áo khoác màu hoa tử đằng lấp lánh thêu vàng; một chiếc khác, bằng lụa màu hồng cánh sen rực rỡ, được viền ngọc trai. Những tấm khăn trải bàn thờ cổ được biến tấu thành những chiếc áo vest cắt may sắc sảo...

Ngôn ngữ thị giác của lòng sùng kính - bản thân nó là một ẩn dụ phù hợp cho nghệ thuật thủ công đầy tôn kính được phô bày - được thể hiện qua những tấm giáp ngực bằng vàng khoác ngoài áo sơ mi trắng cổ cao, vòng cổ đính đá quý và lư hương bằng đồng thau đung đưa trên dây xích...

Tất nhiên, vì đây là Dolce & Gabbana nên không thiếu những bộ vest hoàn hảo: gấm trắng đính ngọc trai, vest đen óng ánh có ve áo thêu, kiểu dáng không tay kết hợp với găng tay dài và trâm cài hoa vàng cỡ lớn, cùng những kiểu dáng vàng hoặc bạc dịu nhẹ, hoàn toàn đính hạt hoặc đính ngọc trai mà Gen Z yêu thích.

Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 12
Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 13
 
Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 14
Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 15
 
Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 16
Khi thời trang cũng hướng đến niềm tin - Ảnh 17
 

Giáo hội Công giáo đã có Giáo hoàng mới, và dù trùng hợp hay không, những thứ mang tính tôn giáo đang trở thành xu hướng. Năm ngoái,  bộ phim Conclave nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn khi tái hiện thành công bầu không khí tại Nhà nguyện Sistine.

Thông qua phim ảnh, thời trang Công giáo theo mọi nghĩa, khiến Gen Z như được trò chuyện với một người lạ nhưng hợp cạ. Xu hướng hiện nay là làm sống lại các phong cách lỗi thời, và giới thời trang đang theo đuổi “sự khác biệt” trong giới hạn nghiêm ngặt của những chân trời quen thuộc.

Liberty McAnena, một nhà nghiên cứu thời trang tại London, tin rằng sự trỗi dậy của thời trang hoài cổ đang phản ánh sự tìm kiếm ý nghĩa của Gen Z và Millennials “với sự bấp bênh mà nhiều người trẻ đã trải qua”. Điều này cũng được cho là gắn liền với sự bùng nổ của chiêm tinh học trong vài năm gần đây và thậm chí là sự phổ biến của các tài khoản triết học trên mạng xã hội.