Khoảng cách thu nhập của người Mỹ sẽ ảnh hưởng đến mùa du lịch năm nay
Báo cáo tình hình du lịch hè năm nay cho thấy sau hai năm tăng trưởng mạnh mẽ, lượng người Mỹ lên kế hoạch đi du lịch đang giảm xuống. Trung bình một người Mỹ hè này có kế hoạch đi hai chuyến du lịch, giảm so với 3 chuyến vào hè 2023…
Theo khảo sát của tạp chí Deloitte Insights, 42% người được hỏi tránh đi du lịch hè, tăng nhẹ so với kết quả của khảo sát cùng kỳ năm ngoái là 37%. Khi được hỏi lý do ở nhà, 30% số người được hỏi nói "việc di chuyển hiện quá đắt đỏ", trong khi năm ngoái chỉ 22% chọn đáp án này. Khoảng 14% số người được hỏi có ý định đi du lịch nhưng sẽ chi tiêu ít đi và thực hiện các chuyến đi ngắn hơn để tiết kiệm chi phí. 19% nói rằng có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn (năm 2023 là 25%).
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 của các tập đoàn lớn như Marriott, Hyatt, Wyndham, Airbnb và Expedia cũng cho thấy nhu cầu du lịch suy yếu trong năm nay. Nhà kinh tế Sofia Baig của công ty phân tích dữ liệu Morning Consult cho biết chi tiêu trung bình cho hàng hóa và dịch vụ như du lịch, quần áo đã giảm trên diện rộng trong mùa hè này. Báo cáo hồi tháng 7 của Morning Consult cho thấy mức cắt giảm lớn nhất là chi tiêu dành cho giải trí của thế hệ Z và Millennials. Hai thế hệ này cũng chi tiêu ít hơn cho vé máy bay, phòng khách sạn.
Dù vậy, nhiều người tiêu dùng giàu có — mạch sống của ngành du lịch — chắc hẳn vẫn sẵn sàng lên đường khi thị trường chứng khoán mạnh và giá nhà tăng cao giúp họ tăng thêm tài sản. Mặc dù họ cũng đã cảm nhận được tác động của lạm phát, nhưng họ nhiều lựa chọn hơn để giảm bớt gánh nặng tài chính, chẳng hạn như chuyển từ các thương hiệu xa xỉ sang các thương hiệu tầm trung, hoặc chuyển việc đi chợ từ Whole Foods sang Walmart.
Các hộ gia đình trung lưu có ít không gian hơn để xoay xở tránh gánh nặng của giá cả. Mặc dù thị trường việc làm đang mạnh mẽ, với tỷ lệ thất nghiệp thấp và mức lương tăng đặc biệt nhanh ở nhóm thu nhập thấp trong những năm gần đây, một số dấu hiệu căng thẳng về kinh tế đã xuất hiện ở những người Mỹ có thu nhập thấp. Tỷ lệ nợ thẻ tín dụng tăng, nhiều người có thu nhập thấp báo cáo rằng họ cảm thấy kém tự tin hơn vào tài chính hộ gia đình của mình.
Khoảng cách giữa người tiêu dùng có thu nhập cao và thu nhập thấp đã ngày càng lớn trong nhiều năm, nhưng dự kiến sẽ thể hiện rõ ràng hơn trong lĩnh vực du lịch vào năm nay. Các cuộc khảo sát cho thấy những hộ gia đình giàu có lạc quan hơn về khả năng đi du lịch.
Ngược lại, các chuỗi khách sạn giá rẻ dự kiến doanh thu sụt giảm. Adam Sacks, chủ tịch kinh tế du lịch tại Oxford Economics, cho biết: "Phân khúc cao cấp sẽ ghi nhận sự tăng trưởng. Phần lớn điều này liên quan đến tình hình tài chính khác nhau của các nhóm thu nhập khác nhau".
Parker Hess, giám đốc phòng tại khách sạn The Allison Inn & Spa ở Thung lũng Willamette của Oregon, nơi giá phòng bắt đầu từ 645 USD, với các tiện nghi bao gồm áo choàng sang trọng và rượu vang, và hoạt động kinh doanh đang bùng nổ. “Giá phòng của chúng tôi đang ở mức cao nhất từ trước đến nay”, ông Hess nói. “Mặc dù đôi khi khách hàng sẽ phàn nàn, nhưng nhiều người thậm chí không hỏi trước về giá cả”.
Giá phòng khách sạn dự kiến sẽ “phân cực” mạnh trong năm nay. Jan Freitag, giám đốc phân tích khách sạn toàn quốc tại CoStar Group, cho biết ông dự báo rằng các khách sạn cao cấp như Marriott và Sheraton sẽ tăng giá phòng 2,1 phần trăm trong năm nay, trong khi giá phòng trung bình về cơ bản sẽ không đổi. Ông dự đoán giá phòng khách sạn hạng phổ thông sẽ giảm mạnh khi những du khách nghèo hơn cắt giảm chi tiêu.
Theo tờ Travel Age West, khoảng cách thu nhập cũng thể hiện rõ trong các cuộc khảo sát. Tìm hiểu về xu hướng du lịch của Viện Ngân hàng Hoa Kỳ cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình có thu nhập hàng năm dưới 75.000 USD, gần bằng mức trung bình toàn quốc, cho biết họ không có kế hoạch đi chơi xa trong năm nay cao hơn so với những năm trước.
Nghiên cứu mới từ CardRates, khảo sát hơn 900 người Mỹ, phát hiện ra rằng gần 40% người Mỹ đi du lịch ít hơn trong năm nay, với phần lớn (88%) đổ lỗi cho chi phí. Hơn một nửa số người được hỏi (65%) cho biết du lịch là một thứ xa xỉ ngày nay.
Trong khi đó, nhu cầu từ những người giàu hơn có thể đủ để thúc đẩy hiệu suất mạnh mẽ và tiếp thêm nhiên liệu cho nền kinh tế nói chung. Một phần tư hộ gia đình có thu nhập cao hơn (những người kiếm được hơn 200.000 USD một năm) cho biết họ ưu tiên trải nghiệm du lịch hơn là sự ổn định tài chính, theo khảo sát, dù chi phí du lịch xa xỉ đắt hơn trước đây.
Ngoài ra, không phải người nghèo nào cũng chịu ở nhà khi mà phần đông người Mỹ coi du lịch là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Theo một nghiên cứu từ trang web tài chính WalletHub, 25% người Mỹ tham gia khảo sát cho biết việc đi vay nợ để có một chuyến du lịch tuyệt vời là điều xứng đáng.
Phần lớn những người đi vay nợ thực hiện điều này bằng cách thanh toán chi phí đi lại bằng thẻ tín dụng, với 20% số người được hỏi cho biết họ chấp nhận khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng và dành tiền đó cho một kỳ nghỉ.
Tại Mỹ, du khách có thể lựa chọn thanh toán một chuyến bay đắt đỏ bằng thẻ tín dụng và trả sau đó, hoặc đăng ký các chương trình trả góp thông qua các bên thứ ba như Klarna, Uplift và Affirm. Các dịch vụ "mua ngay, trả sau" cũng được nhiều hãng hàng không chấp nhận, bao gồm American Airlines, Delta Airlines và United Airlines.
Về trào lưu này, giảng viên về chính sách công tại Đại học Nam California (Mỹ), bà Elizabeth Currid-Halkett cho rằng xu hướng du lịch hiện nay chuyển từ "tùy chọn" sang "ưu tiên". "Ý tưởng rằng sống một cuộc sống tốt đẹp quan trọng như thế nào, đã dẫn đến sự thay đổi trong cách mọi người chi tiêu".
Bà Currid-Halkett cho rằng một số người có tư duy kiểu như "Tôi không thể mua nhà, tôi không chắc mình có đủ khả năng chi trả cho việc học đại học hay sau đại học không. Vì vậy tôi thà đến Tây Ban Nha và đi du lịch kiểu phượt. Điều đó chẳng thấm vào đâu so với khoản nợ mà tôi phải gánh chịu cho những thứ khác".
Theo đánh giá từ CNN, từ lâu nhóm du khách Mỹ đã trở thành thị trường được thế giới săn đón với nhiều lý do. Một trong những yếu tố đến từ thu nhập. Mức lương trung bình của người Mỹ khoảng 70.000USD/năm (hơn 1,7 tỷ đồng), cao thứ 7 thế giới.
Các chuyên gia du lịch nhận xét, thu nhập cao đồng nghĩa với việc tệp khách này sẵn lòng chi trả cho chuyến đi cao hơn. Văn phòng Lữ hành và Du lịch Quốc gia của Mỹ (NTTO) cũng chỉ ra rằng, trước Covid-19, Mỹ là thị trường lớn thứ hai thế giới về chi tiêu và số lượt đi du lịch quốc tế, chỉ sau Trung Quốc.