07:19 23/02/2024

Khởi công cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương trong năm 2024

Xuân Nghi

Hai dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương nối Đồng Nai đi Đà Lạt (Lâm Đồng) có tổng chiều dài 140 km, sẽ lần lượt được khởi công xây dựng vào quý 3 và quý 4 năm 2024, theo một công bố mới đây của chủ đầu tư...

Cao tốc Liên Khương - Prenn đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Ảnh: Chính Thành.
Cao tốc Liên Khương - Prenn đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Ảnh: Chính Thành.

Ban quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng (Ban quản lý) vừa thông tin cho biết tiến độ triển khai hai dự án do đơn vị này được giao chủ đầu tư, là cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương thuộc công trình đường bộ cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng giao Ban quản lý khẩn trương hoàn thiện, bổ sung hồ sơ báo cáo Cục Đường cao tốc Việt Nam về việc nghiên cứu khả thi hai dự án nói trên mà trước đó, tỉnh đã trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án và Cục Đường cao tốc Việt Nam đã có văn bản thông báo kết quả thẩm định hồ sơ.

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc nối huyện Tân Phú của Đồng Nai đến thành phố Bảo Lộc của Lâm Đồng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 10/11/2022, có chiều dài 66 km; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng dài 55 km, chiều rộng nền đường 17 m với 4 làn xe. Tổng mức dự tư dự kiến khoảng 17.200 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư vào khoảng 2.821 tỷ đồng. Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 300 ha ở cả hai tỉnh với hơn 300 hộ phải di dời.

Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Cụ thể, vốn ngân sách nhà nước khoảng 6.500 tỷ đồng, vốn huy động khoảng 10.700 tỷ đồng. Ban quản lý cho biết, đến nay, hồ sơ thiết kế cơ sở trình, báo cáo nghiên cứu khả thi hồ sơ đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư,… đã được tỉnh Lâm Đồng trình các bộ, ngành trung ương xem xét phê duyệt, thẩm định.

Chủ đầu tư cũng đã xác định các mốc thời gian tiến độ dự án từ nay đến khi hoàn thành; trong đó thời gian khởi công được xác định vào quý 3 năm 2024. Lý trình dự án đi qua các huyện Tân Phú (Đồng Nai), Đạ Huoai, Bảo Lộc (Lâm Đồng), có điểm đầu kết nối với điểm cuối của dự án thành phần Dầu Giây - Tân Phú thuộc công trình cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài hơn 200 km.

Dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương giai đoạn 1 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ đã giao Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng là cơ quan nhà nước thẩm quyền thực hiện đầu tư, theo phương thức PPP. Đây là tuyến tiếp nối (dự án thành phần) cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc thuộc công trình cao tốc Dầu Giây – Liên Khương như đã nói và có chiều dài khoảng 74 km. Quy mô chiều rộng nền đường 17 m với 4 làn xe. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 19.521 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước 7.761 tỷ đồng, vốn sở hữu của các nhà đầu tư và vốn huy động khác vào khoảng 11.700 tỷ đồng.

Ban quản lý Dự án Giao thông tỉnh Lâm Đồng, chủ đầu tư, cho biết dự án đã được công bố và đăng tải thông tin. Các địa phương liên quan hiện đã và đang rà soát, thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi diện tích thu hồi, bồi thường cùng quỹ đất tái định cư cho người dân. Theo kế hoạch, dự án đoạn Bảo Lộc – Liên Khương đi qua các huyện, thành phố Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh và Đức Trọng của tỉnh Lâm Đồng này sẽ được khởi công trong quý 4/2024.

Theo kế hoạch trước đây của tỉnh Lâm Đồng, hai dự án Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương dự tính được khởi công vào dịp lễ 02/9/2023; song vì nhiều lý do, kế hoạch này đã không thể triển khai.

Công trình đường bộ cao tốc Dầu Giây – Đà Lạt có tổng chiều dài 220 km, là dự án hạ tầng quan trọng kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ với khu vực Tây Nguyên. Công trình gồm các dự án đoạn Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương và Liên Khương – Prenn (Đà Lạt). Công trình nhằm “hóa giải” điểm nghẽn giao thông thường xuyên trên quốc lộ 20 vốn là tuyến độc đạo nối Đồng Nai và Đông Nam Bộ đi Lâm Đồng và Tây Nguyên.