18:00 05/03/2024

Khởi công dự án nhà máy sản xuất kính áp tròng hơn 200 triệu USD tại Thái Bình

Châu Anh

Dự án nhà máy Pegavision Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái có quy mô 10ha với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2028...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng các đại biểu phát lệnh khởi công dự án nhà máy Pegavision Việt Nam
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng các đại biểu phát lệnh khởi công dự án nhà máy Pegavision Việt Nam

Nằm trong chuỗi các hoạt động công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình, sáng ngày 5/3, tại Khu Công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy, diễn ra lễ khởi công nhà máy sản xuất kính áp tròng của Công ty TNHH Pegavision Coporation Việt Nam.

Theo ông Chen Chi Liang, Chủ tịch Công ty Pegavision Coporation Việt Nam, Công ty Pegavision Coporation được thành lập năm 2009 có trụ sở chính tại Đài Loan. Công ty tập trung nghiên cứu, phát triển và sản xuất kính áp tròng mềm và các thiết bị quang học y tế. Đây là ngành nghề sử dụng máy móc công nghệ cao và hiện đại, thân thiện với môi trường. Pegavision Coporation được chứng nhận chất lượng bởi: ISO13485, GMP, Japan FMA, Europe CE, Taiwan TFDA, China NMPA, US FDA... Sản phẩm của Công ty được cung cấp cho các thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu. 

Dự án nhà máy Pegavision Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái có quy mô 10ha với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2028. Nhà máy sản xuất kính áp tròng, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thiết kế, nghiên cứu và phát triển, sản xuất và kinh doanh kính áp tròng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ tạo việc làm cho hơn 1.140 lao động với doanh thu dự kiến khoảng 2.808 tỷ đồng/năm; hàng năm nộp ngân sách nhà nước trên 80 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình, cho biết trong những năm qua, Thái Bình đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, từ một tỉnh với nền sản xuất nông nghiệp là chủ yếu đã vươn lên trở thành một địa phương phát triển năng động, địa điểm thu hút đầu tư hấp dẫn, với mức tăng trưởng kinh tế cao hơn so bình quân của cả nước, đặc biệt là sau khi thành lập Khu Kinh tế Thái Bình.

Đến nay, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 20%; Thái Bình xếp thứ 15, 16/63 tỉnh, thành phố của cả nước về thu hút FDI năm 2021, 2022, đặc biệt năm 2023 Thái Bình thu hút vốn đầu tư FDI đạt gần 3 tỷ USD, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố của cả nước.

Để dự án hoàn thành và đi vào hoạt động theo tiến độ đăng ký, phát huy hiệu quả đầu tư, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình đề nghị nhà đầu tư tập trung nguồn lực để triển khai dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ như đã cam kết; tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện dự án; tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; bảo đảm chất lượng, an toàn công trình, an toàn lao động và vệ sinh môi trường. 

Ban Quản lý Khu Kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh và các sở, ngành, UBND huyện Thái Thụy kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án để dự án sớm hoàn thành, đi vào hoạt động và phát huy hiệu quả đầu tư.